Tết Tân Sửu không thiếu hàng nhưng bán mua sẽ ảm đạm

06/11/2020 - 06:46

PNO - Diễn biến khó lường của dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp, tiểu thương khá dè dặt trong việc sản xuất, kinh doanh hàng tết.

Không nhập hàng do sợ tồn kho

Những ngày này, tại chợ sỉ Bình Tây (Q.6, TPHCM), không có cảnh tiểu thương nhộn nhịp nhập thêm hàng, đóng hàng sỉ bánh, mứt đi các tỉnh như mọi năm. 

Kinh doanh tại chợ này hơn 50 năm nay, cô Liên - chủ sạp 682 - cho biết việc buôn bán ngày càng ế ẩm, tiểu thương thậm chí chưa nghĩ tết này sẽ buôn bán gì. “Mọi năm, giờ này, các cơ sở sản xuất, phân phối bánh kẹo, mứt tết đã rầm rộ chào hàng. Năm nay, chưa có cơ sở nào đến giới thiệu sản phẩm. Thậm chí, nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, cận tết mới làm hàng, làm tới đâu bán tới đó. Tiểu thương giờ ngồi chơi không, sắp tới cũng chỉ nhập hàng đủ bán tết chứ không dám dự trữ. Dịch chưa qua, lại gặp mưa bão nên bà con không còn tiền để sắm tết” - cô Liên ngao ngán. 

Dịch COVID-19 khiến tiểu thương, doanh nghiệp không dám mạnh tay tích trữ hàng tết
Dịch COVID-19 khiến tiểu thương, doanh nghiệp không dám mạnh tay tích trữ hàng tết

Theo nhiều tiểu thương, mọi năm, có người chuẩn bị khoảng 3-4 tỷ đồng để nhập hàng bán dịp tết, nhưng năm nay, họ xác định bán hết tới đâu, nhập thêm tới đó. Hầu hết dự trù hết tháng Mười âm lịch mới bắt đầu nhập hàng tết.

Không riêng nguồn bánh, kẹo, mứt trong nước, các mối chuyên nhập bánh, kẹo, mứt Thái Lan cũng chưa chào hàng với tiểu thương. Theo cô Liên, các tết trước, bánh, kẹo, mứt Thái bán khá chạy dù giá cao hơn từ 40.000-70.000 đồng/kg so với sản phẩm cùng chủng loại trong nước, nhưng năm nay, sức tiêu thụ dự đoán sẽ giảm hơn 50% nên lượng hàng nội, ngoại nhập vào đều giảm 50%. 

Một số nhà sản xuất lớn cũng không dám sản xuất hàng dự trữ nhiều, không tăng sản lượng, không ra sản phẩm mới. Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food - cho hay năm nay, công ty không chuẩn bị hàng tết nhiều như mọi năm. Mặc dù dự kiến tổng sản lượng tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chỉ tập trung vào những mặt hàng truyền thống (thủy hải sản đông lạnh, cháo tươi) chứ không ra các combo sản phẩm tết như mọi năm. “Không biết dịch COVID-19 diễn biến ra sao. Làm ra sản phẩm mà bán không hết thì rất nguy hiểm” - bà Lâm nói. 

Ông Trần Thanh Toàn - chủ cơ sở bánh chưng Trần Gia (tỉnh Đồng Nai) - cho biết chưa có kế hoạch sản xuất rõ ràng; các hệ thống siêu thị cũng lo ngại dịch COVID-19 nên chưa chốt đơn hàng, các đối tác chuyên xuất khẩu bánh chưng sang Mỹ, Hàn Quốc cũng chưa đặt hàng.

Dù bánh chưng là mặt hàng không thể thiếu trong dịp tết nhưng theo ông Toàn, nếu dịch ập tới vào mùa tết thì cơ sở không tập trung được nguồn nhân lực, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất. “Mọi năm, giờ này đã chốt đơn hàng, chúng tôi chủ động chuẩn bị sẵn nguồn nguyên liệu; còn năm nay, hiện giờ vẫn chưa chốt được đơn hàng. Khoảng trước tết 20 ngày, cơ sở mới bắt đầu sản xuất bánh” - ông Toàn chia sẻ. 

Bảo đảm đủ hàng trong dịp tết

Ông Nguyễn Đăng Phú - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) - cho biết sản lượng hàng tết sẽ tăng gấp đôi so với ngày thường và tập trung vào tuần cuối của năm. Năm nay, sản lượng thực phẩm tươi sống ngày thường giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng thực phẩm chế biến tăng từ 10-12%. Sản lượng hàng tết năm nay tăng so với ngày thường nhưng vẫn sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước. 

Theo ông Phú, sản lượng giảm là do nhu cầu thị trường giảm chứ không phải thiếu hàng. Giá bán thịt heo đang ở mức cao do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và dịch tả châu Phi. Nhưng ông Phú dự đoán, giá thịt heo sẽ không tăng cao hơn vào dịp tết do sức mua giảm. Các mặt hàng thực phẩm chế biến được giữ giá ổn định vì công ty dự trữ đủ nguyên liệu và khuyến mãi giảm giá để tăng sức mua.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP.HCM - thông tin từ nay đến cuối năm âm lịch, ngành công thương sẽ tập trung kích cầu tiêu dùng hàng nội địa và chuẩn bị nguồn hàng tết, đảm bảo đủ lượng hàng thiết yếu cung ứng cho thị trường với giá cả ổn định. 

“Sở Công thương TP.HCM tiếp tục phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa để chủ động phối hợp doanh nghiệp bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội, đặc biệt trong trường hợp dịch bệnh tái bùng phát, tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, đặc biệt vào mùa tết” - ông Vũ nói. 

Cách đây ít ngày, Bộ Công thương có văn bản đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị thuộc bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, có phương án xử lý các biến động bất thường của thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2020 và dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo bà Nguyễn Thị Như Ngọc - Giám đốc marketing Công ty  Kantar Worldpanel - nếu dịch COVID-19 không có bất thường, ngành hàng tiêu dùng nhanh sẽ vẫn duy trì đà tăng trưởng như mọi năm, có thể tăng trưởng hơn do người tiêu dùng có xu hướng ở nhà nhiều hơn. 

Khu vực nông thôn, đặc biệt là các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ khiến nhóm người có mức thu nhập trung bình có thể giảm chi tiêu cho các mặt hàng tiêu dùng nhanh, ưu tiên cho các mặt hàng thiết yếu. Trong trường hợp dịch COVID-19 ở các nước vẫn còn tăng, Việt Nam chưa mở lại đường bay giao thương với các nước, chi tiêu cho ngành hàng tiêu dùng nhanh sẽ bớt “nóng” hơn. Riêng nhóm hàng nhu yếu phẩm, hàng thiết yếu vẫn có mức tăng trưởng ổn định và có thể tăng hơn bình thường vào dịp tết. 

Mưa lũ miền Trung không làm giảm lượng thịt heo

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), có khoảng 50.000 con heo bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua tại các tỉnh miền Trung. Lượng heo này chỉ chiếm 0,2%, không đáng kể so với tổng lượng heo cả nước.

Số heo bị thiệt hại chủ yếu thuộc bốn tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, thời gian tới, giá heo hơi trong khu vực bị ảnh hưởng của bão, lũ có thể tăng do mưa bão vẫn tiếp diễn, dịch tả heo châu Phi có khả năng bùng phát trở lại. Giá heo hơi trong nước có xu hướng giảm trong nửa đầu tháng Mười, mức giảm khoảng 6.000-10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá có xu hướng tăng trở lại do diễn biến của thiên tai. Hiện giá heo hơi trung bình trên cả nước khoảng 66.000-78.000 đồng/kg. 

Tại các tỉnh phía Nam, giá heo hơi hiện dao động quanh mức 74.000-76.000 đồng/kg, thấp nhất trong một năm qua. Lượng heo về hai chợ đầu mối của TP.HCM những ngày gần đây khoảng 5.400-6.000 con; trong đó, lượng heo choai, heo nhỡ vẫn khá nhiều, có thể do người nuôi lo dịch tả heo châu Phi bùng phát nên bán tháo, bán chạy. 

Theo Tổng cục Hải quan, trong chín tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 90.420 tấn thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 214,78 triệu USD, tăng 357% về lượng và tăng 460,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Nga, Brazil, Canada, Hoa Kỳ và Ba Lan là năm thị trường lớn nhất cung cấp thịt heo cho Việt Nam. 

Đ.T.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI