Tây Ninh lập bãi trung chuyển hàng hóa về TPHCM

19/07/2021 - 12:19

PNO - Sở Công thương Tỉnh Tây Ninh đã thông báo đến các doanh nghiệp, đầu mối, thương nhân trong tỉnh mở cửa hoạt động bãi sang hàng hóa, nông sản tại trạm xăng dầu Suối Sâu (thị xã Trảng Bàng) từ ngày 18/7. Bãi sẽ hoạt động từ 4g-19g hàng ngày.

Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nông sản trong và ngoài tỉnh thực hiện việc đăng ký danh sách phương tiện vận chuyển hàng hóa sẽ truy cập vào website của Sở Công thương tỉnh Tây Ninh tải mẫu đăng ký thông tin phương tiện, điền các thông tin theo mẫu và gửi biểu đăng ký qua Zalo theo số điện thoại 0888779677. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì liên hệ các phòng ban Sở Công thương tỉnh Tây Ninh để cùng xử lý.

Đại diện Sở Công thương TPHCM cũng cho biết, 5 tàu cao tốc chở hàng thiết yếu từ miền Tây về TPHCM hoạt động từ ngày 19/7 có thể vận chuyển được 20 tấn hàng hóa/chuyến, thực hiện trước 1 - 2 chuyến/ngày, tổng công suất vận tải tối đa 200 tấn/ngày.

Hàng hóa vận chuyển gồm lương thực, thực phẩm (gạo, mì gói, bún khô, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả, thủy hải sản...) và trang thiết bị y tế, nguyên vật liệu phục vụ phòng chống dịch. Điểm gom hàng tại bến cảng nội địa tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre… Điểm trả hàng tại Bến Bạch Đằng, quận 1, TPHCM.

“Trong ngày 19/7, dự kiến vận chuyển 1 chuyến hàng và có thể tăng chuyến lên khi cần thiết. Hiện, Bách Hóa Xanh đã đăng ký vận tải 20 tấn rau củ quả. Sở đang tiếp nhận nhu cầu của các đơn vị khác”, đại diện Sở Công thương TPHCM cho hay.

Chợ Bình Thới, quận 11, TP HCM hoạt động trở lại, người dân có thêm nơi để mua thực phẩm.
Chợ Bình Thới, quận 11, TPHCM hoạt động trở lại, người dân có thêm địa điểm mua thực phẩm - Ảnh: Tam Nguyên

Về nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích tại TPHCM, đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, theo báo cáo của các quận, huyện, tại quận Bình Tân, hàng hóa cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn quận. Tuy nhiên, chiều 18/7, cửa hàng Bách Hóa Xanh tại phường An Lạc A, quận Bình Tân thiếu hụt cục bộ mặt hàng trứng và một số mặt hàng đồ khô vẫn chưa kịp bổ sung. Quận Bình Tân đang thực hiện thẩm định phương án của chợ Kiến Thành và Bình Trị Đông để tái hoạt động.

Tại quận 12, chợ Tân Chánh Hiệp đóng cửa do có ca F0, siêu thị Co.op mart Tô Ký ngưng hoạt động do không đủ nhân viên. Quận phối hợp Sở tổ chức 3 xe bán hàng lưu động. Ngoài ra, phường Tân Hưng Thuận và Tân Thới Nhất hỗ trợ tiểu thương tổ chức bán rau củ quả và các mặt hàng thiết yếu cho người dân.

Hiện, trên địa bàn huyện Bình Chánh có 13/15 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. UBND huyện đã có văn bản hướng dẫn tổ chức hoạt động các chợ truyền thống để gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa trên địa bàn huyện. Theo đó, cơ quan này đề nghị 8 chợ đảm bảo công tác phòng chống dịch hoạt động trở lại và chỉ bày bán các mặt hàng thiết yếu.

Bên cạnh các hệ thống cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, các điểm bán hàng tại nhà, huyện Bình Chánh có 40/612 cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ tiếp tục mở cửa phục vụ nhu cầu mua hàng thiết yếu của người dân. Địa phương này đã tổ chức 17 điểm bán hàng lưu động trên địa bàn huyện, trung bình mỗi điểm cung ứng khoảng 800 -  1500kg lương thực, thực phẩm thiết yếu, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo đại diện Sở Công thương TPHCM, việc tái mở cửa các chợ truyền thống với số lượng tiểu thương vừa phải, bán thực phẩm thiết yếu và đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch sẽ đáp ứng được nhu cầu mua thực phẩm tăng cao của người dân và góp phần đảm bảo giá rau củ, thịt, thủy hải sản... ổn định hơn.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI