Tạo môi trường an toàn cho con, cha mẹ yên tâm đi làm

13/11/2020 - 06:05

PNO - Sau hơn 6 năm ra đời, đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu chế xuất, khu công nghiệp giai đoạn 2015 - 2020” đã và đang chứng tỏ được hiệu quả và tính đúng đắn.

17g45 thứ Bảy, ngày 8/11, trời sẩm tối, chị Nguyễn Thị Loan ghé vào nhóm trẻ Anh Đào (22B Nguyễn Triệu Luật, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân) đón con gái. Cô giáo Võ Thị Hà bế bé ra trao, rồi cô với mẹ trao đổi về chuyện học của bé, chuyện tăng ca của mẹ.  

Tưởng biết nhưng chưa hề biết

Chị Loan là công nhân công ty may tại P.Tân Tạo, Q.Bình Tân và là một trong hàng ngàn bà mẹ may mắn tìm được điểm gửi con ngoài giờ, kể cả thứ Bảy, tại Q.Bình Tân. Nhóm trẻ gia đình Anh Đào của cô Hà là một trong hai điểm giữ trẻ được Hội LHPN chọn thí điểm để đầu tư nâng chất theo đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu chế xuất, khu công nghiệp giai đoạn 2015 - 2020” từ hơn sáu năm qua.

Lớn lên ở miền Trung, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non, cô Hà vào TP.HCM sinh sống rồi mở nhóm trẻ. Trong lúc nhóm còn thiếu thốn đủ thứ thì may mắn, nhóm được Hội Phụ nữ chọn hỗ trợ với số vốn vay 40 triệu đồng để sắm sửa thêm trang thiết bị, dụng cụ dạy học. Cũng nhờ đó mà các bảo mẫu của nhóm được bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ. 

Vợ chồng, con gái ông Trung (nhóm trẻ Hoa Trà, Q.Bình Tân) đều được đào tạo nghề chăm sóc nuôi dạy trẻ
Vợ chồng, con gái ông Trung (nhóm trẻ Hoa Trà, Q.Bình Tân) đều được đào tạo nghề chăm sóc nuôi dạy trẻ

Nhắc lại chuyện được Hội Phụ nữ cho đi học sơ cấp nghề giữ trẻ, ông Nguyễn Văn Trung - chủ nhóm trẻ Hoa Trà (khu phố 1, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân, TP.HCM) - hào hứng: “Trước khi mở nhóm, vợ tôi giữ một, hai trẻ con mấy em công nhân nhà trọ. Rồi chị em công nhân thấy tiện, cứ mang con đến gửi nên nhà tôi thành nhà trẻ. Năm 2013, các cô Hội Phụ nữ đến hướng dẫn chúng tôi đăng ký lập nhóm trẻ. Các cô nói, thương trẻ thì phải chăm sóc trẻ chuyên nghiệp hơn, an toàn hơn. Cả hai vợ chồng tôi đều được giới thiệu đi học sơ cấp nghề. Ban đầu tôi rất ngại, vì mình là đàn ông. Nhưng vào lớp thấy có thêm hai anh trai trẻ. Chúng tôi rất tâm đắc trước những kiến thức và kỹ năng về chăm sóc trẻ em mà mình được học, được tập huấn. Rất nhiều cái, thoáng qua cứ tưởng mình đã biết, nhưng thực ra lại chưa biết gì; tưởng dễ hóa ra không dễ chút nào… Ví dụ, trước đây, cứ thấy trẻ dơ bẩn là tôi tắm rửa cho chúng, còn bây giờ thì phải biết giữ khoảng cách. Tôi chỉ chăm cho các bé trai, còn vợ và con gái đảm nhận việc tắm, vệ sinh cho các bé gái”. 

Bà Hoa, vợ ông Trung, tiếp lời: “Hễ được gọi đi học tập huấn là ông ấy giành đi. Ổng nói học về thấy tự tin hơn hẳn”. 

Nhóm lớp của gia đình ông Trung và cô Hà chỉ là hai trong 151 nhóm lớp được Hội LHPN, ngành giáo dục TP.HCM và các tổ chức hỗ trợ vận hành theo đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu chế xuất, khu công nghiệp giai đoạn 2015 - 2020”.

Triển vọng từ một đề án 

Mới đây, trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo H.Hóc Môn với hội viên phụ nữ và nữ công nhân nhập cư để bàn “Giải pháp nâng cao điều kiện sống của nữ lao động nhập cư trên địa bàn huyện năm 2020”, chị Sinh - thành viên Ban Chủ nhiệm nhà trọ xã Xuân Thới Thượng - trăn trở: “Đa phần nữ công nhân sau thời gian nghỉ thai sản, khi đi làm trở lại không có điều kiện chăm sóc con, nhưng những nơi giữ trẻ sáu tháng tuổi lại vô cùng hiếm hoi. Đã vậy, hầu hết các nhóm trẻ, các trường mầm non lại yêu cầu đón trẻ vào lúc 16g, tức là trước giờ tan ca của công nhân từ 30 - 60 phút”. 

Khó khăn muôn thuở của công nhân nhập cư vẫn là lương thấp nhưng chi phí gửi con thì cao; thường xuyên phải làm việc theo ca và tăng ca nhưng lại không có chỗ gửi con ngoài giờ hành chính. Nhiều nam nữ công nhân phải thắt lưng, buộc bụng để có tiền gửi con ngoài giờ. Nhiều trường hợp phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc. Bởi vậy, chị Sinh kiến nghị tăng thời gian giữ trẻ; các khu chế xuất, khu công nghiệp bố trí việc giữ trẻ cho con em công nhân để họ yên tâm lao động sản xuất. 

Nhờ sự hỗ trợ từ đề án Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu chế xuất, khu công nghiệp giai đoạn 2015 - 2020” mà các hoạt động nuôi, dạy trẻ của nhóm trẻ Hoa Mặt Trời (H.Nhà bè) có rất nhiều khởi sắc
Nhờ sự hỗ trợ từ đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu chế xuất, khu công nghiệp giai đoạn 2015 - 2020” mà các hoạt động nuôi, dạy trẻ của nhóm trẻ Hoa Mặt Trời (H.Nhà bè) có rất nhiều khởi sắc

Kiến nghị của chị Sinh cũng là mong mỏi của bao chị em công nhân và người lao động nhập cư. Thế nhưng trên thực tế, địa bàn H.Hóc Môn chỉ có ba trường mầm non công lập tổ chức giữ trẻ từ sáu tháng tuổi. Đó là chưa kể, con em công nhân rất khó xin vào các trường này, vì không có hộ khẩu hoặc không đúng tuyến. Về phía các trường mầm non, để tổ chức được lớp trẻ sáu tháng tuổi các trường phải đảm bảo các yêu cầu về phòng học, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là nhân sự. Cứ mỗi nhóm 10 trẻ sáu tháng tuổi cần có ba giáo viên có chuyên môn cao. Chưa kể công tác phục vụ cũng sẽ gặp khó khăn. 

Do những yêu cầu rất cao không được đáp ứng mà trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2010 - 2011, đã xảy ra hàng loạt vụ trẻ bị bạo hành, bị xâm hại, bị tai nạn… ở các nhóm trẻ gia đình, nhóm lớp mầm non tư thục, khiến cộng đồng lo ngại. Trước thực trạng đó, Hội LHPN TP.HCM đã vận động thực hiện thí điểm hai điểm giữ trẻ gia đình tại Q.Bình Tân và Q.Thủ Đức; phối hợp cùng ngành giáo dục tổ chức đào tạo và phát triển lực lượng nuôi giữ trẻ gia đình nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ. Đến tháng 8/2013, hai nhóm giữ trẻ gia đình thí điểm đã ra đời. Cho đến cuối năm 2014, sau khi sơ kết rút kinh nghiệm, Hội LHPN thành phố chỉ đạo triển khai mở rộng xuống khắp các phường, xã, thị trấn để kiểm tra giám sát hoạt động của các nhóm trẻ được tốt hơn.

Sau thí điểm hàng loạt, Hội LHPN, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã đề xuất chính quyền thành phố xem xét phê duyệt đề án hỗ trợ các nhóm trẻ tư thục, độc lập phát triển. Năm 2015, đề án chính thức vận hành. Đến nay đã có 151 nhóm trẻ (tối đa 7 trẻ/nhóm) được hỗ trợ kiện toàn, xây dựng và phát triển về chất lượng, vượt 111 nhóm so với chỉ tiêu được giao; có 4.620/4.825 bảo mẫu, giáo viên, chủ của các nhóm trẻ độc lập tư thục được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, đạt tỷ lệ 96%.

Cô giáo Hà cho rằng, nhờ có đề án mà từ năm 2015 đến nay, hầu hết các nhóm trẻ gia đình như của cô đã được chính quyền các cấp quan tâm hướng dẫn mọi vấn đề từ vệ sinh, an toàn; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho bảo mẫu, giáo viên và quản lý. 

Tại hội nghị tổng kết đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu chế xuất, khu công nghiệp giai đoạn 2015 - 2020” được tổ chức sáng 12/11, ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng ban chỉ đạo đề án - đánh giá cao những thành quả đạt được. Ông lưu ý việc tiếp tục tăng cường công tác giám sát hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ. Trong quá trình thực hiện đề án cần suy nghĩ vấn đề đảm bảo sức khỏe cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, tăng cường công tác tuyên truyền, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức cho đội ngũ giáo viên, bảo mẫu và ngay cả cha mẹ, ông bà - người chăm sóc trẻ tại nhà để đảm bảo trẻ được chăm sóc tốt. Ông Đức cho rằng, việc thực hiện hiệu quả đề án sẽ góp phần tạo được môi trường sống tích cực cho trẻ và tạo sự yên tâm để cha mẹ trẻ tham gia lao động sản xuất. 

Ông Dương Anh Đức khẳng định: “Con em công nhân là nhóm đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc, bảo vệ. TP.HCM sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực tạo ra môi trường ổn định cho hoạt động các nhóm trẻ”. n

Trước đây, bà Võ Thị Dung nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, đã cho rằng đóng góp của lực lượng nữ công nhân nói chung và nữ lao động nhập cư nói riêng đối với sự phát triển của thành phố là rất quan trọng. Cho nên, việc quan tâm hỗ trợ các nhóm trẻ độc lập, tư thục phát triển, tạo môi trường học tập, phát triển an toàn cho con em công nhân, mang đến sự yên tâm cho họ, chính là sự chia sẻ thiết thực nhất của Hội LHPN, của chính quyền với những người lao động, giúp họ yên tâm trong cuộc mưu sinh và góp sức lao động vào công cuộc phát triển thành phố.

Nghi Anh - Thiên Ân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI