Tăng số lượng đại biểu nữ không chỉ để lấy... "tỷ lệ đẹp"!

03/07/2020 - 17:40

PNO - Theo ông Đỗ Mạnh Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, việc tăng số lượng đại biểu nữ không chỉ lấy tỷ lệ “đẹp” mà cái chính là vì sự phát triển của đất nước.

Định kiến giới dẫn đến quan điểm sai lệch, lạc hậu

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa đặt vấn đề: vì sao 13 khóa Quốc hội đều không đạt chỉ tiêu tỷ lệ nữ ĐBQH đặt ra?

Sáng 3/7, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức hội thảo “Nâng cao tỷ lệ nữ ứng cử viên và nữ Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”

Tham gia đóng góp ý kiến, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam chia sẻ: “Trải qua 14 khoá Quốc hội, trừ khoá V đạt 32%, chưa khoá nào tỷ lệ nữ ĐBQH đạt được chỉ tiêu đặt ra là 30% . Vì sao lại như vậy? Rõ ràng là quyết tâm chính trị đã rất mạnh mẽ, nhiều giải pháp đặt ra, không ít chính sách vĩ mô, vi mô hỗ trợ phụ nữ tham chính đã được thực hiện”.

Phân tích vấn đề này, bà Hòa chỉ ra một trong những nguyên nhân chủ chốt là định kiến giới về vai trò của phụ nữ còn tồn tại. Sự quan tâm của một số cấp uỷ chưa sát sao, nhất là người đứng đầu. Nhận thức của một số cấp uỷ, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa sâu sắc về công tác cán bộ nữ.

Ngoài ra, việc gắn nhiều cơ cấu vào ứng cử viên nữ ảnh hưởng đến chất lượng ứng cử viên nữ... vẫn đang tạo ra bất lợi với cán bộ nữ. Vấn đề cán bộ nữ chưa được coi là một nội dung để đánh giá thi đua. Công tác nghiên cứu về vấn đề cán bộ nữ chưa được đầu tư đúng mức...

Đồng quan điểm với bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, bà Phạm Thị Thanh Thủy - ĐBQH khóa XIV, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Thanh Hóa - cho rằng, định kiến giới còn tồn tại trong nhân dân và cả trong một bộ phận cán bộ dẫn đến những quan điểm sai lệch, lạc hậu về công tác phát triển cán bộ, công chức nữ.

Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Thanh Hóa đề xuất nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới, công tác cán bộ nữ và sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị: “Khi cộng đồng dân cư và gia đình tôn trọng, ủng hộ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý, vai trò của phụ nữ sẽ được phát huy. Không chỉ tôn trọng và quan tâm mà chính xã hội và gia đình cần phải nhận thức đúng đắn vai trò của phụ nữ, để từ đó nâng cao trách nhiệm của cử tri trong việc lựa chọn ứng cử viên là nữ đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia Quốc hội và HĐND các cấp”.

Ngoài ra, bà Thủy lưu ý về vai trò của người đứng đầu trong thực hiện các bước hiệp thương của quy trình bầu cử. Bởi trong giới thiệu ứng cử và tự ứng cử, trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan.

Việc giới thiệu số lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của các cơ quan, đơn vị của người được ứng cử. Do đó, việc giới thiệu phải bình đẳng như nhau, khắc phục tình trạng các ứng cử viên nữ phải “gánh” quá nhiều cơ cấu (như nữ giới, trẻ tuổi, ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, cơ cấu ngành nghề) hay giới thiệu cơ cấu nữ với nghĩa làm “đệm” cho nam hoặc cho cán bộ lãnh đạo.

Không chạy theo “thành tích” trong phát triển cán bộ nữ

Tại hội thảo, ông Đỗ Mạnh Hùng - Nguyên  Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, cần thay đổi nhận thức, không chạy theo “thành tích” trong việc tăng số lượng ĐBQH, HĐND là nữ.

“Chúng ta làm việc này không chỉ là để có một tỷ lệ “đẹp” trong Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp mà cái chính là vì sự phát triển của Đất nước, của mỗi địa phương, vì việc làm và thu nhập của mỗi người lao động, vì đời sống của mỗi gia đình. Thực tế đã chứng minh, ở nhiều quốc gia và nhiều địa phương, tăng cường sự tham chính, lãnh đạo của phụ nữ đã làm cho kinh tế - xã hội phát triển tốt hơn, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng hơn”, ông Hùng nói.

Công tác cán bộ nữ, theo ông Hùng
Công tác cán bộ nữ, theo ông Hùng, không chỉ để có tỷ lệ "đẹp" trong Quốc hội hay HĐND (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng “ăn đong”, “ăn sẵn” trong tạo nguồn nữ ĐBQH, HĐND, ông cho rằng, cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách nhằm tạo nền tảng cho tiến bộ giới.

“Việt Nam đã có một hệ thống văn bản pháp luật tương đối hoàn chỉnh, tiến bộ về bình đẳng giới, nhưng việc áp dụng Luật vẫn còn “khe hở” dẫn đến sự phân biệt về giới trong tuyển sinh, tuyển dụng, sử dụng lao động nữ, vì vậy cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo tốt hơn tiến bộ giới”, ông Hùng nói.

H.Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI