Chị em nỗ lực thích nghi trạng thái “bình thường mới”

01/07/2020 - 06:32

PNO - Chủ nhà hàng đi giao cơm hộp, nữ diễn viên bán hàng online, giáo viên loay hoay chuyển sang buôn bán… Những chuyện có vẻ “trái khoáy” ấy lại là những bí quyết vượt khủng hoảng ngoạn mục của chị em trong mùa dịch Covid-19 vừa qua.

Sống sót nhờ từng “vượt bão” 

Những ngày cuối tháng Sáu, tại Mujo - Coffee & Restaurant (P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), Hội LHPN TP.HCM tổ chức chương trình Cà phê khởi nghiệp với chủ đề “Tạo sức mạnh - vượt qua thách thức trong kinh doanh”.

Theo kế hoạch, mỗi quý Hội sẽ tổ chức một chương trình cà phê nhằm tạo điều kiện cho những chị em đã và đang khởi nghiệp cùng ngồi lại với các chuyên gia để chia sẻ và tháo gỡ những vướng mắc trong kinh doanh. Nhưng do dịch Covid-19 nên đây là kỳ cà phê khởi nghiệp đầu tiên của năm 2020. Cũng chính vì thế mà tại buổi sinh hoạt, những câu chuyện thực tế, những bí quyết vượt khủng hoảng, những băn khoăn “hậu Covid” trở nên nóng bỏng. 

Chủ quán cà phê và nhà hàng Mujo - Coffee & Restaurant, chị Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, dịp tết Canh Tý 2020, quán của chị có lượng khách ổn định, doanh thu rất tốt. Thế nhưng sau Tết, dịch bệnh tràn về, quán chuyển sang trạng thái buôn bán hạn chế, rồi đóng cửa, không có doanh thu. Nhưng nhờ đã từng trải qua nhiều biến cố trong kinh doanh nên chị đã vượt qua khủng hoảng. 

Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - chia sẻ tại diễn đàn
Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - chia sẻ tại diễn đàn

Chị Hương kể câu chuyện “vượt khó” của 15 năm trước: chị đã bỏ công việc trong ngân hàng để chuyển sang làm trợ lý cho chủ cửa hàng cháo Cây Thị, đồng thời dồn tất cả vốn liếng để mở một chi nhánh bán cháo ở H.Củ Chi, TP.HCM. 

Tuy nhiên, chỉ được hai năm thì chuỗi cửa hàng nổi tiếng này bị đóng cửa, chị mất việc và có nguy cơ mất luôn vốn liếng đầu tư. Để duy trì việc làm, thu nhập và cứu lấy cơ sở kinh doanh của mình, chị Hương tiếp tục kinh doanh cháo với thương hiệu mới là Hương Thị cùng sản phẩm do chính chị chế biến. Để tạo sự khác biệt so với cách kinh doanh cũ, chị đã đầu tư thêm không gian vui chơi cho trẻ ngay tại cửa hàng để phụ huynh có thể đưa con đến, vừa cho con vui chơi vừa đút con ăn. Với cách làm này, chỉ vài năm sau chị đã phát triển được 8 cửa hàng tại Củ Chi và các địa bàn lân cận, duy trì hoạt động ổn định ngay cả trong mùa dịch vừa qua. 

Còn với cà phê Mujo - Coffee & Restaurant, khi dịch xảy ra, chị Hương kết hợp bán cà phê với cơm văn phòng và nhà hàng hạn chế ở tầng trên. Đến giai đoạn thực hiện cách ly xã hội, chị linh hoạt chuyển sang giao cơm tận nơi. “Một ngày tôi giao 500-800 phần cơm với giá chỉ 35.000 đồng/phần. Đó là cách để tôi giữ chân khách đến bây giờ” - chị Hương chia sẻ. 

Nghề “tay trái” thành nghề chính

Là một trong ba khách mời chính của chương trình lần này, nữ diễn viên Quỳnh Phương chia sẻ cách vượt khó bằng nghề “tay trái” khi nghề diễn không có show. Nghề “tay trái” của cô là kinh doanh các mặt hàng thời trang online được hình thành từ trước đó. Cô cho biết, nghề diễn giúp cô nhanh chóng được nhiều người biết đến, cộng thêm sự khác biệt, chất lượng và giá cả trong từng sản phẩm đã giúp việc buôn bán của cô có doanh thu khá ổn định. Trong mùa dịch, rạp đóng cửa, nghề diễn “đóng băng”, nên bán hàng online đã trở thành nguồn thu nhập chính, giúp kinh tế gia đình trụ vững.

“Trước đây, tự mình đi tìm nguồn hàng và bảo đảm đó là hàng thật, không qua trung gian nên giá rất tốt. Vào mùa dịch, mình không thể đi lấy hàng mà phải qua trung gian, giá cả bị đội lên, nhưng mình chấp nhận giảm lợi nhuận nên số lượng bán ra không giảm mà còn được ủng hộ nhiều hơn” -nữ diễn viên cho biết.

Ngoài ra, nữ diễn viên còn biết tận dụng thời gian ở nhà vào mùa giãn cách để làm các món ăn, nước giải khát và đi giao tận nơi. “Vừa bán hàng thời trang, vừa xen cài giới thiệu các món ăn mới trên trang bán hàng, đó cũng là một cách làm mới, thay đổi khẩu vị mua sắm, giúp tương tác và giữ chân khách hàng” - diễn viên Quỳnh Phương chia sẻ bí quyết.

Băn khoăn “hậu covid”

Những câu chuyện “vượt khó” mùa dịch đã truyền cảm hứng lạc quan cho người tham dự. Tuy nhiên, vẫn có không ít chị em đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong và sau mùa dịch. 

Một chị làm nghề may áo dài nhiều năm ở Q.5 chia sẻ. Thông thường, trước và sau Tết là mùa đắt khách nhất của các tiệm may áo dài, do nhu cầu may áo dài du xuân, Việt kiều về nước tranh thủ may áo dài để mặc và tặng người thân, may áo dài cho Lễ hội Áo dài 8/3. Nhưng năm nay, do Covid-19 nên cửa tiệm của chị luôn trong tình trạng đóng cửa. 

Chị Thu Thảo, kinh doanh các mặt hàng rèm cửa khu vực Q.5, đến buổi cà phê khởi nghiệp với hy vọng tìm cách thoát khỏi tình trạng kinh doanh đình trệ hiện nay. “Không phải là mặt hàng thiết yếu nên trong thời gian dịch bệnh vừa qua, cửa hàng đóng cửa. Nay mở trở lại nhưng doanh thu vẫn không bằng 1/10 so với trước. Tôi cũng đã nghĩ đến cách tạo fanpage quảng cáo, nhưng mặt hàng cồng kềnh, không thể livestream bán rèm cửa như các mặt hàng khác” - chị Thảo lo lắng. 

“Giãn cách xã hội khiến em mất việc, mất thu nhập. Chưa bao giờ em nghĩ mình phải bắt đầu chuyển đổi công việc, nhưng bây giờ thì đã nghĩ tới việc mở quán trà sữa, đi học chế biến. Tuy nhiên, từ đi dạy chuyển sang kinh doanh, với em là sự bắt đầu lại. Đó là lý do em có mặt hôm nay” - một cô giáo dạy tiếng Anh phát biểu.

Có thể rút ra được một trong những giải pháp ứng phó trong mùa dịch bệnh là đẩy mạnh bán hàng online. Nhưng nhiều chị em bày tỏ, liệu có nên chuyển hẳn sang kinh doanh online khi mà cửa hàng vắng khách, thu không đủ chi? 

Theo chị Võ Thái Thảo, Giám đốc điều hành của Việt Nam Digital 4.0, trong kinh doanh hiện nay, nếu phân biệt online và offline thì sẽ khó. Dễ nhận thấy là mùa dịch qua đã sàng lọc, phơi bày rõ năng lực kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nói chung, những người kinh doanh nhiều lĩnh vực nói riêng. Những doanh nghiệp, nhà kinh doanh có sản phẩm chất lượng, dịch vụ vượt trội có khả năng tồn tại, duy trì được hiệu quả kinh doanh. 

“Trong thời đại này, việc áp dụng kinh doanh online là hiển nhiên vì có nhiều công cụ hỗ trợ miễn phí. Thế nhưng, chúng ta không bao giờ được “bỏ trứng vào một rổ”. Chúng ta nên phân bổ mỗi mảng một ít, quan tâm cả online và offline để đề phòng trường hợp nếu có sự cố như đại dịch nào đó tiếp tục xảy ra thì mình không bị chới với, dẫn đến tình trạng bị đóng cửa, phá sản… Muốn kinh doanh online tốt thì người khởi nghiệp phải hiểu tâm lý khách hàng và làm rõ sản phẩm kinh doanh của mình. Các chị nên tham gia nhiều lớp học về kinh doanh để lắng nghe những thông tin bổ ích và ứng dụng sao cho hợp lý nhất”. 

Hoài An - Thương Phạm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI