Ta không tin ta thì ai tin ta?

11/02/2020 - 10:37

PNO - Cái niềm tin bé nhỏ, dung dị, khiêm tốn nhưng cũng hết sức mạnh mẽ ấy nói cho ta biết rằng ta là ai. Ta không tin ta thì ai tin ta bây giờ?

Sau 10 ngày điều trị cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), ngày 28/1, Li Zichao (28 tuổi) - một trong hai bệnh nhân bị nhiễm virus corona đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam - đã khỏe mạnh trở lại và nói “tôi thật may mắn khi nhập viện ở Việt Nam”. Thời điểm đó, người đàn ông quê Vũ Hán này được xem là một trong những ca nhiễm virus mới chủng corona đầu tiên khỏi bệnh trên thế giới.

Sau khi thông tin này được công bố, có một bộ phận anh hùng bàn phím tỏ ra “nguy hiểm”. “Nổ quá”, “Có gì đâu mà tự hào. Ở Mỹ, Úc, Trung Quốc, nhiều người cũng đã được chữa khỏi”,… là những phản ứng của họ trước một thông tin tích cực, ít nhất vào thời điểm đó, bất chấp nỗ lực và sự cố gắng của cả ngành y tế.

Virus corona vừa được phân lập tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương
Mới đây, virus corona được phân lập tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Tương tự, ngày 7/2, Việt Nam nuôi cấy và phân lập thành công virus corona mới, các nhà khoa học nghiên cứu thành công kit thử nhanh virus corona trong 70 phút. Giữa thời điểm fake news (tin giả) tung hoành, không khí hoang mang bao phủ, nhiều người đã chia sẻ lại thông tin này trên trang cá nhân của mình như một “sự thở phào nhẹ nhõm nhất có thể” kể từ ngày 12/12/2019 – thời điểm dịch bệnh lan đi trên toàn thế giới.

Thế nhưng, cũng lại có một bộ phận không quên sự “nguy hiểm” của mình. Họ lấy dẫn chứng, trước đó 1-2 ngày, các nhà khoa học Macau và Hồng Kông công bố thiết bị giúp phát hiện virus corona trong vòng 30 phút – 40 phút, để nói, 70 phút của Việt Nam… chưa là cái gì cả và cũng “thường thôi, chẳng có gì để tự hào hết, đừng xoắn”.

Họ quên mất, trong lúc họ mải mê làm anh hùng trên mạng, những nhà khoa học đang hì hụi trong phòng thí nghiệm. Cho tới thời điểm hiện tại, trên thế giới, cũng mới chỉ có Hồng Kông, Macau và Việt Nam công bố chính thức thiết bị phát hiện virus chủng mới này. Tất nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, vẫn cần thêm thời gian để xác định xem thiết bị này có thật sự toàn diện hay không; tuy nhiên, vẫn cần ghi nhận và khuyến khích thái độ nghiên cứu khoa học ấy. Làm bao giờ mà chẳng hơn nói, nhất là nói cho… sướng miệng.

Tôi không rõ những “anh hùng bàn phím” này có vấn đề về “cơ chế niềm tin” hay không; nhưng thế giới quan của họ đang bộc lộ nhiều mảng khuyết. Không ai bác bỏ thuyết hoài nghi – như một cách để tiệm cận bản chất sự vật, hiện tượng của thế giới; nhưng hoài nghi trong hằn học, trong sự đổ vỡ triền miên, lại chỉ khiến người ta thấy rằng, đó là tự sự của một kẻ thất bại, không biết cách tin mình và lúc nào cũng nghi ngờ cuộc đời.

Lịch sử y học Việt Nam không phải là một lịch sử trống rỗng với các huyền thoại. Không nói tới những câu chuyện xưa cũ mà nói ngay lịch sử hiện đại, nếu chịu khó tìm hiểu một chút, cũng “không phải dạng vừa đâu”. Chúng ta có thể kể ra những cái tên mà những nghiên cứu của họ trở thành chữ viết hoa đúng nghĩa trong lịch sử y học thế giới. Trước thì có giáo sư Hồ Đắc Di, giáo sư Đặng Văn Ngữ, giáo sư Tôn Thất Tùng;… Sau này, có “ông vua châm cứu” - giáo sư Nguyễn Tài Thu; PGS.TS Trần Ngọc Lương, PGS TS Nguyễn Viết Tiến; cố PGS.TS Lê Thị Luân, PGS TS Phan Toàn Thắng...

Chúng ta cũng có những dược sĩ mà cuộc đời của họ là một bài ca đẹp nhất. Chẳng hạn như dược sĩ Phan Quốc Kinh, “cha đẻ” của thuốc berberin - “thần dược” mà người Việt sử dụng trong suốt 45 năm qua, được tạo ra từ những năm 70 của thế kỉ trước, trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh bom đạn, thiên tai và dịch lỵ nguy hiểm đe dọa mạng sống của nhiều người Việt khi đó.

Và cách đây 17 năm, có một đại dịch mang tên SARS cũng khiến cho cả thế giới khiếp sợ như virus corona bây giờ, Việt Nam chính là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế được bệnh SARS vào ngày 28/4/2003; mãi đến tháng 7 năm đó, WHO mới thông báo chuỗi lây truyền SARS cuối cùng ở người sang người bị cắt đứt.

Ngày 10/2, bệnh viện dã chiến tại TPHCM chính thức đi vào hoạt động 

Theo số liệu mới nhất vào sáng 11/2, trên thế giới có 43.098 ca nhiễm virus corona, trong đó có 1.018 ca tử vong, 3.996 ca được chữa khỏi. Tại Việt Nam, có 15 ca nhiễm bệnh, trong đó 6 người đã khỏi, không có ca tử vong.

Nhìn vào tương quan đó để thấy, chúng ta đang cố gắng chiến đấu mỗi ngày để giữ được con số an toàn nhất có thể. Kết quả đó không chỉ là nỗ lực, sự cố gắng của ngành y, mà còn là sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của chính quyền từ Trung ương tới địa phương. Đó là con số, câu chuyện mà ta có quyền tự hào, tin tưởng.Chúng có thật giữa một thế giới fake news và điên đảo ngờ vực.

Ta không tin ta thì ai tin ta bây giờ?

Nếu xem nhân cách bao gồm cả việc chúng ta suy nghĩ ra sao về thế giới và về bản thân mình; phản ứng xúc cảm ra sao với các tình huống khác nhau và với người khác, rồi hành động như thế nào trong đời sống thường nhật của mình; thì sự hoài nghi cuộc đời, sự thất lạc hồn phách của chính mình như một “phản xạ có điều kiện” ấy là giãi bày của một nhân cách… chưa hoàn thiện, lại không chịu lớn lên. Thậm chí, nếu điều đó không phải là hoài nghi tự tâm, mà chỉ nói bâng quơ cho vui miệng nhằm câu view, thì sự phủ nhận ấy là sự giãi bày của một cái ác đang, đã thành hình!

“Đây là lúc chúng ta đứng về phía sự thật, không phải nỗi sợ hãi; là lúc chúng ta tìm kiếm chứng cứ khoa học, không phải lời đồn đoán; là lúc đoàn kết lại thay vì kỳ thị lẫn nhau” là thông điệp Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom gửi thế giới khi WHO chính thức tuyên bố sự bùng phát chủng virus orona mới (2019-nCoV) từ Trung Quốc là “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu”.

Con người là một loài sinh vật luôn nhìn về phía ánh sáng. Không ai rảnh để đi giải cứu những người có thế giới quan như vậy.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI