Suýt tàn phế vì... "kem thảo dược"

01/07/2020 - 13:55

PNO - Kem đề nhãn hiệu thảo dược nhưng trong thành phần lại… không hề có thảo dược mà thực chất là kem trộn hóa chất.

Sau khi bôi kem này và hứng chịu nhiều biến chứng phải đi khám, bệnh nhân mới té ngửa vì thảo dược chỉ là… tên của lọ kem. Không ít bệnh nhân đã bị loại kem trộn hóa chất trá hình thảo dược này lừa gạt, rơi vào cảnh tiền mất tật mang.

Biến chứng co rút gân, cơ

Hai bàn tay của chị T. bị biến chứng co rút gân cơ sau khi bôi kem thảo dược trị ngứa mua trên mạng (Ảnh bệnh viện cung cấp)
Hai bàn tay của chị T. bị biến chứng co rút gân cơ sau khi bôi kem thảo dược trị ngứa mua trên mạng (Ảnh bệnh viện cung cấp)

Ngày 10/6, chị N.T.H.T., quê quán ở tỉnh Quảng Ngãi đã tới khám da liễu tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Thoạt nhìn khắp hai bàn tay, thậm chí mặt của bệnh nhân nứt nẻ, dày sừng, có mủ, tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh còn suýt nhầm là bệnh nhân bị bệnh vảy nến mủ. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu bệnh sử, bác sĩ biết được bệnh nhân có cơ địa chàm khô. Tình trạng chàm khô chỉ nặng lên từ khoảng một tuần nay do chị này đặt mua trên mạng một loại kem thảo dược từ Đắk Lắk về bôi. Sau khi bôi được 5 ngày, ngoài tình trạng dày sừng, khô nứt lan rộng từ tay lên mặt, các ngón tay của chị T. còn co cứng không thể duỗi nắm. 

Bác sĩ Vân Thanh chẩn đoán đây là trường hợp chàm khô nhưng do thoa và đắp thuốc không rõ nguồn gốc dẫn tới bị nhiễm trùng, khiến vùng da ở lòng bàn tay, bàn chân, mặt bị mụn mủ, hồng ban vỡ, tróc vảy, có bã vàng dày ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Không chỉ hàng rào da bị tổn thương gây di chứng tổn thương mô mà còn ảnh hưởng tới cả gân, khớp. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tàn phế, mất chức năng vận động của bàn tay do cứng khớp. 

Kết quả xét nghiệm ghi nhận vết tổn thương bị bội nhiễm nấm candida. Bệnh nhân được cho kiểm tra chức năng gan thận và hẹn tái khám. Chị T. mang theo hũ kem thảo dược đang bôi, đưa bác sĩ xem. Sau khi cùng bác sĩ xem xét kỹ thì mới vỡ lẽ thảo dược chính là tên của lọ kem, còn thành phần của kem là một hỗn hợp hóa chất. Bệnh nhân mua hũ kem với giá 250.000 đồng. Được biết rất nhiều bệnh nhân cũng bị biến chứng sau khi bôi loại kem ấy.

Suy tuyến thượng thận do nhiễm độc corticoid từ “kem thảo dược” 

Trước chị T. là trường hợp của nam bệnh nhân P.V.D., ngụ tại tỉnh Đồng Nai. Anh D. có cơ địa mề đay, nên lên mạng tìm kiếm và mua hũ kem thảo dược giống hệt hũ kem chị T. từng sử dụng về bôi trong vài tuần. Khi tới Bệnh viện Đại học Y dược khám, bệnh nhân không chỉ bị bội nhiễm, nhiễm vi nấm mà còn có cả hội chứng Cushing (hậu quả do lạm dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau nhức có nguồn gốc từ corticoid). Anh D. mập nhiều ở vùng bụng, mặt tròn, gáy và cổ to ra, trong khi đó đùi và cánh tay teo nhỏ lại. Không chỉ thế, da bệnh nhân mỏng hơn và đỏ ửng, mặt nhiều mụn, bụng và đùi có nhiều vết rạn da. Kết quả xét nghiệm còn cho thấy bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận.

Tình trạng bị biến chứng do xài kem thảo dược được rao bán trên mạng không hề ít. Từ đầu tháng Năm tới nay, riêng bác sĩ Vân Thanh đã ghi nhận khoảng 10 trường hợp.

Gõ từ khóa kem thảo dược, trên mạng xã hội hiện ra hàng loạt sản phẩm: kem thảo dược từ hoa đào, thảo dược dân tộc, thảo dược sâm… Tất cả các loại kem này đều được làm theo kiểu gia truyền, bí quyết riêng và được thần thánh hóa có khả năng chữa bách bệnh. Mục sở thị lọ kem do bệnh nhân T. mua trên mạng, chúng tôi thấy đó là một lọ thủy tinh dán nhãn màu xanh lá. Phần giấy ghi công dụng của lọ kem thể hiện đây là khắc tinh của vô số bệnh tật như hắc lào, ghẻ lở, các thể loại nấm (kẽ chân, móng chân, nấm âm đạo, nấm đầu, nấm toàn thân); chuyên trị cả mẩn ngứa, côn trùng cắn. Thần kỳ như thế mà giá của lọ kem chỉ… hơn hai trăm ngàn đồng.

Mắc bệnh chàm khô cần làm gì?

Theo bác sĩ Vân Thanh, những trường hợp bị ngứa do chàm khô (còn gọi là chàm bàn tay - một dạng cơ địa dị ứng), khi tiếp xúc với yếu tố dị nguyên như xà phòng, nước rửa chén, găng tay cao su, hóa chất sát trùng… bệnh sẽ khởi phát và trở nặng. Bệnh dễ tái đi tái lại, khi tổn thương lành trở lại thì lằn chỉ tay của họ cũng nhiều và rõ nét hơn người bình thường.

Trên phương diện y học, người có lằn chỉ tay rắc rối và rõ nét do hai nguyên nhân: yếu tố đột biến gen hoặc là biểu hiện của cơ địa dị ứng. Đối với bệnh nhân mắc bệnh chàm khô, trước tiên phải hạn chế tiếp xúc với yếu tố dị nguyên (đeo găng tay khi rửa chén bát, dùng các loại xà phòng, nước rửa chén chuyên biệt ít gây khô da). Bệnh nhân bị chàm cần bôi kem dưỡng ẩm khi da có biểu hiện khô ráp. Nếu tình trạng tổn thương nặng hơn như nứt nẻ, dày sừng, chảy máu... bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa da liễu. Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thêm thuốc tiêu bớt sừng ở vị trí tổn thương và phối hợp với bôi kem dưỡng ẩm để nhanh chóng cấp ẩm, giúp vùng da đó mềm trở lại. 

Tóm lại, ngứa do nhiều nguyên nhân gây ra. Khi bị ngứa, phải đi khám để tìm nguyên nhân và được bác sĩ đưa ra hướng điều trị thích hợp chứ không nên thấy sản phẩm nào quảng cáo trị ngứa cũng vội vàng mua về bôi. Ngay cả những sản phẩm bôi da có nguồn gốc thảo dược từ thiên nhiên thật sự cũng chưa hẳn đã an toàn. Trên thực tế, các bác sĩ da liễu đã ghi nhận rất nhiều trường hợp bị kích ứng da sau khi bôi các loại trái tưởng chừng lành tính nhất như khổ qua, dưa leo, bí đao, nha đam... 

 

Sau đây là những nguyên nhân gây ngứa. Tùy từng nguyên nhân gây bệnh mà sẽ có cách điều trị phù hợp:
- Ngứa ngoài da có yếu tố ngoại cảnh tác động: côn trùng cắn, dị ứng với các yếu tố dị nguyên như thời tiết, phấn hoa, thức ăn… Với các trường hợp ngứa do nguyên nhân này, trước tiên phải cách ly bệnh nhân khỏi yếu tố gây kích ứng, dị ứng. Đối với các vết côn trùng cắn nếu bị bội nhiễm sẽ được bác sĩ kê thêm thuốc bôi và thuốc uống phù hợp.
- Bệnh chàm: là bệnh có yếu tố cơ địa, rất dễ tái phát. Bệnh nhân phải luôn cấp ẩm cho da đầy đủ, khi bệnh trở nặng thì đi khám chuyên khoa để được bác sĩ kê thuốc hỗ trợ làm giảm đi các 
triệu chứng.
- Bệnh mề đay: chia làm cấp tính và mạn tính. Nguyên nhân của bệnh mề đay có thể do cơ thể dị ứng với một yếu tố dị nguyên nào đó. Đôi khi nổi mề đay có thể bắt nguồn từ việc bị stress kéo dài.
- Bệnh vảy nến.
- Biểu hiện bệnh lý của một số cơ quan nội tạng do chức năng thải độc của gan, thận bị suy giảm.
- Ngứa do nhiễm ký sinh trùng. Không ít trường hợp nổi mề đay mẩn ngứa, điều trị nhiều năm không kết quả. Khi được cho làm xét nghiệm thì phát hiện bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng. Lúc này, họ được bác sĩ cho thuốc đặc trị ký sinh trùng. Sau vài tuần điều trị, triệu chứng mẩn ngứa tự thuyên giảm và hết hẳn.
- Dấu hiệu cảnh báo bệnh của ung thư.
- Cường giáp và suy giáp.
- Đái tháo đường: đường trong máu tăng cao sẽ làm tổn thương hệ thống mao mạch dưới da, từ đó cản trở quá trình luân chuyển chất dinh dưỡng và hệ thần kinh nên bệnh nhân đái tháo đường hay bị ngứa, nổi mẩn. Không chỉ thế, da của họ còn trở nên thô ráp, khô sạm.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI