Sức hút nằm ở sự khác biệt

03/05/2023 - 06:52

PNO - Trong cách làm du lịch, không nên “đồng khởi” lễ hội mùa cao điểm, mà phải làm trong mùa thấp điểm theo từng vùng và phải có nét riêng.

Năm nay, lễ 30/4 và 1/5 này trùng với giỗ Tổ Hùng Vương và ngày nghỉ cuối tuần nên được nghỉ 5 ngày, rất phù hợp để đi du lịch và khai thác du lịch. Thế nhưng, lượng khách du lịch lại không bằng năm ngoái. Ngày đầu nghỉ lễ, ở TPHCM và TP Hà Nội, các cửa ngõ đường bộ đều ùn tắc do người dân chen nhau về quê nghỉ lễ chứ không phải đi du lịch.

Từ năm 2018, lượng khách mua tour nghỉ lễ đã có xu hướng giảm, nhất là khách đoàn. Người ta du lịch tự túc (tự lái xe, đi xe đưa rước) ngày càng nhiều. Sau các đợt dịch, xu thế này càng phổ biến, phần do nhiều gia đình có xe hơi riêng, phần vì xe đò liên tỉnh tiện nghi, giá rẻ, có cả dịch vụ đưa rước tận nhà 24/7.

Du khách dịp lễ 30/4 và 1/5 chủ yếu là nội địa, nhiều nhất là dân địa phương và phụ cận - Ảnh: Quốc Thái
Du khách dịp lễ 30/4 và 1/5 chủ yếu là nội địa, nhiều nhất là dân địa phương và phụ cận - Ảnh: Quốc Thái

Lễ này, Phú Quốc giảm khách mạnh nhất. Cũng như nông nghiệp, du lịch cứ luẩn quẩn: điểm nào năm trước quá tải thì năm nay sẽ vắng. Nhưng, vắng như Phú Quốc là bất thường. Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) chật cứng khách. Vườn quốc gia Cát Tiên kín phòng. Nhờ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo thông xe, du lịch Bình Thuận được mùa, các cơ sở lưu trú ở Phan Thiết, Hòn Rơm, Tân Thành đều kín chỗ. Đặc biệt, du lịch Ninh Thuận lần đầu bội thu. Mới hay, giao thông vận tải đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển du lịch.

Các tỉnh, thành khắp nước đều nỗ lực tổ chức lễ hội. Điều này ngược với quy luật chung. Các nước tổ chức sự kiện mùa thấp điểm để kéo khách đến. Mùa cao điểm, không cần lễ hội, khách vẫn ùn ùn. 

Du khách dịp lễ 30/4 và 1/5 chủ yếu là nội địa, nhiều nhất là dân địa phương và phụ cận. Khách nước ngoài không đáng kể nhưng khách Việt ra nước ngoài lại rôm rả. Lý giải những bất cập trên, có người cho rằng giá vé máy bay nội địa tăng, visa và các thủ tục hành chính chưa thông thoáng, giá tour cao, kích cầu chưa mạnh…

Bóng đá và thể thao Việt Nam có thể nói đã ngang ngửa Thái Lan, còn du lịch thì... khó mơ! Theo UNWTO (World Tourism Organization), năm 2019, du lịch Thái Lan đón 39 triệu khách quốc tế, đứng thứ tám thế giới về lượt khách; doanh thu 63 tỉ USD, đứng thứ tư thế giới. Thứ Việt Nam đang thừa là sự hô hào, ký kết, hội nghị nhưng lại thiếu trầm trọng sự liên kết thực sự.  

Có người dí dỏm, kinh tế Việt Nam nói chung, du lịch Việt Nam nói riêng có nhiều thế mạnh, mạnh nhất là… “mạnh ai nấy làm”. Đúng vậy. Vận chuyển hành khách - nhất là giữa hàng không và du lịch - vẫn gập ghềnh hợp tác. Lưu trú và lữ hành nằm chung ngành, vẫn ép nhau. 

Dịch COVID-19 làm đảo lộn mọi thứ, kể cả thói quen du lịch, đòi hỏi nhà quản lý du lịch phải thay đổi tư duy. Phải đoạn tuyệt kiểu làm phong trào, hình thức. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, doanh thu và lợi nhuận hợp pháp phải là thước đo hiệu quả. Ở đó, truyền thông cần chịu khó đi thực tế, dám phản biện những điều chệch hướng, lệch pha và gợi ý cách làm hiệu quả, nhất là những mô hình đột phá sáng tạo, được thực tế kiểm nghiệm. Ngành du lịch và các ngành liên quan phải cùng ngồi lại gỡ khó, phải bàn cụ thể, gút chi tiết, có lộ trình và người chịu trách nhiệm.

Trong cách làm du lịch, không nên “đồng khởi” lễ hội mùa cao điểm, mà phải làm trong mùa thấp điểm theo từng vùng và phải có nét riêng. Như dịp lễ này, chỗ nào cũng khinh khí cầu, món ngon, dạ hội, khách chỉ đi một nơi là biết hết. Sức hút của du lịch là phải nằm ở sự khác biệt.

Chúng ta có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm của Lào về cách làm du lịch sinh thái nông nghiệp. Không có biển, dân số chỉ 7,5 triệu người nhưng năm 2019, Lào đón 4,6 triệu lượt khách quốc tế. Nên học Trung Quốc về cách định giá lưu trú, điểm tham quan, xóa công ty “ma”, tất cả mua bán qua mạng (có đóng thuế), giá chỉ bằng 60% so với tự mua hoặc không nộp thuế. Nên học người Thái về cách liên kết, khuyến mãi, ưu tiên khách nước ngoài vào (inbound), bao toàn bộ xe đưa khách đến các điểm mua sắm, không lườm nguýt, chặt chém. Nên học Campuchia về cách quảng bá (PR) qua các sự kiện lớn như SEA Games 32, qua việc mời tàu MS Westerdam cập cảng Sihanoukville ngày 13/2/2020, sau khi 5 nước và vùng lãnh thổ từ chối do sợ lây dịch...  

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI