Sửa chương trình hoặc trả giá về sau

25/05/2022 - 06:48

PNO - Chỉ còn ba tháng nữa, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 sẽ áp dụng ở bậc THPT, cụ thể là lớp 10, nhưng dư luận xã hội vẫn lo ngại với thiết kế chương trình mà trong đó, môn lịch sử trở thành môn tự chọn trong ba nhóm môn học gồm khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ và nghệ thuật.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, với cách thiết kế chương trình mới, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, học sinh cấp tiểu học và THPT đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện. 

Người ta lo ngại là vì, học sinh lớp 10 năm nay lần đầu tiên được học chương trình mới, còn cấp THCS chỉ mới áp dụng chương trình trên tới lớp Bảy thì làm sao các em có đầy đủ kiến thức lịch sử “cơ bản và toàn diện”? Nếu số đông học sinh lớp 10 này không chọn học môn lịch sử, chắc chắn các em bị bỏ qua khối kiến thức mà nếu ở chương trình cũ, các em phải học trong ba năm ở bậc THPT. Hổng kiến thức là chắc chắn. 

Thêm một lo ngại nữa là, ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT, môn lịch sử thường xuyên ở vị trí “đội sổ”. Như năm 2021, môn lịch sử có điểm thi trung bình là 4,97 và 52,03% thí sinh có điểm dưới trung bình. Năm 2020, 2019, điểm thi môn lịch sử trung bình lần lượt là 5,19 điểm và 4,30 điểm. Riêng năm 2019, có 70% bài thi lịch sử dưới điểm trung bình. Với kết quả thi này, thật khó yên tâm nếu môn lịch sử không được chú trọng dạy tốt hơn nữa ở bậc phổ thông. 

Thời gian qua, trước việc học sinh “ngán” môn lịch sử, nhiều giáo viên đã sáng tạo cách dạy sinh động hơn. Như ở Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TPHCM), thầy Nguyễn Viết Đăng Du đã dạy theo dự án, dạy học liên môn, ra đề mới lạ. Trường phổ thông IVS (TP.Hà Nội) mời anh hùng Phạm Tuân giao lưu với học sinh nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhiều trường chiếu phim hoặc dựng và diễn tiểu phẩm, kịch ngắn về sự kiện lịch sử ngay trên lớp để truyền cảm hứng và giúp học sinh yêu thích môn học này. 

Tuy nhiên, theo các giáo viên, chương trình và nội dung thi ôm đồm quá nhiều nội dung nên họ không thể triển khai phương pháp dạy cho sinh động. Nhiều giáo viên muốn đổi mới tiết học bằng cách chiếu phim tư liệu cho học sinh xem hoặc làm các dự án nhưng thời gian không cho phép. Các giáo viên cho rằng, cần cân đối lại chương trình dạy và học lịch sử theo hướng truyền cảm hứng lịch sử hơn là bắt học sinh phải nhớ sự kiện, con số. Với chương trình như vậy, cũng cần thay đổi cách ra đề thi. Thay vì bắt học sinh nhớ con số, sự kiện, hãy cho học sinh viết cảm nghĩ, suy nghĩ về sự kiện. 

Những vấn đề mà giáo viên đặt ra có vẻ sẽ được giải quyết trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 khi Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, chương trình này được xây dựng theo hướng mở, chú trọng đổi mới về phương pháp và hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá; khuyến khích sự tự học, cách học tập chủ động, sáng tạo của học sinh. Không chỉ giáo viên mà cả xã hội đều mong mỏi điều này, bởi nó giúp học sinh có thêm động lực để học tốt môn lịch sử. 

Trở lại việc nên để môn lịch sử là tự chọn hay bắt buộc, có ý kiến cho rằng, thay đổi lúc này không dễ vì phải thay đổi cả nội dung chương trình lẫn số tiết học. Nhưng, thà khó mà sửa kịp thời còn hơn phải trả giá đắt về sau. Còn nếu vẫn giữ lịch sử là môn tự chọn thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ sở khoa học thuyết phục hơn. 

Quế Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI