Sống khác!

03/07/2018 - 10:21

PNO - Trong xã hội mà chúng ta đang sống đang tồn tại những nhân vật khác biệt, lắm lúc có vẻ như xung đột, mâu thuẫn, trái ngược hay phủ định cách thức thông thường.

Họ trẻ hoặc không còn trẻ nữa. Người bỏ cơ hội làm giàu, thăng tiến khi trở về nước với bằng cấp sau du học, quyết định tá túc trên rừng cao, chung sống và giúp những cô gái Chu Ru sớm làm mẹ kỹ năng của sự an nhiên. Một cô gái Hà thành trở thành đại sứ cho Quỹ United for Wildlife (Hoàng gia Anh) bởi nhận thức trách nhiệm trước môi trường thiên nhiên và chọn lẽ sống “trở về nơi hoang dã” cho mình. Có kẻ lại rũ sạch mọi thứ lấp lánh quy định xã hội hiện đại, chủ trương sống 100% không cần tiền bạc “no money, more honey”.

Song khac!

Tung hô, đả phá e vội vã. Bạn có thể chọn thái độ bình tĩnh quan sát để không “phi thường hóa” hay “đóng đanh” đó là những kẻ dị hợm. Dường như họ chỉ đang tìm phương thế khác với số đông, để đáp trả lời mời gọi mà mỗi cá nhân qua đó tìm và nhận diện được bản thân. Còn gì viên mãn hơn nếu ngay khi sống mà trả lời được tường tận ta là ai, nhận diện được ta đang là chính mình.

Khi Mark Boyle - chàng trai người Ái Nhĩ Lan - sống và giới thiệu về phong trào Freeconomy vào năm 2007, không có nghĩa là anh muốn khước từ quyền tư hữu. Nhưng “sống không cần tiền” chính là nhắc nhở người ta đừng quên nguyên tắc phổ quát của của cải.

Nguyên tắc này khẳng định chủ quyền tròn đầy và vĩnh viễn của tạo hóa trên mọi thực tại và luôn đặt của cải phải phục vụ mọi người, cũng như sự phát triển của toàn nhân loại. Thái độ không cần tiền bạc đề cao giá trị của lao động và bổn phận phải điều hòa quyền tư hữu – loại quyền không phải lúc nào cũng mang đến hạnh phúc cho con người.

Chúng ta tiếp tục chiêm ngắm chọn lựa sống của chị Nguyễn Thị Thu Trang - người sáng lập, điều hành tổ chức phi chính phủ WildAct bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam - và chị Huỳnh Thị Quốc Trị, thạc sĩ ngành phúc lợi xã hội, với dự án may thêu cho các cô gái dân tộc thiểu số tại Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng).

Hiểu một cách đúng đắn về môi trường, Trang sẽ ngăn chặn được thói giản lược thực dụng cho rằng, thiên nhiên chỉ là đồ vật không hơn không kém và người ta cứ sử dụng, khai thác tùy ý. Còn với Trị, con người không thể tìm được sự phát triển mỹ mãn, nếu bỏ qua sự kiện phải hiện hữu “với, vì và cho” kẻ khác.

Sự thật này không chỉ bắt con người phải sống với tha nhân ở các cấp độ khác nhau mà còn đòi hỏi họ phải không ngừng tìm kiếm - không chỉ trong trí tưởng mà còn cả trong hành động cụ thể.

Tất cả là những nỗ lực tìm kiếm sự thật toàn vẹn về bản thân: con người là gì, con người có thể làm được những gì và con người phải như thế nào? Bạn có thể yêu hoặc ghét, ủng hộ hoặc chẳng quan tâm nhưng những người như Mark, Trị và Trang đang đại diện cho thái độ tích cực nhất mà con người muốn đặt khái niệm “giá trị”.

Chúng ta nên tôn trọng và hiểu rằng, họ đang tận hưởng chọn lựa của mình - những sự lựa chọn có ích cho cộng đồng, cho bản thân họ mà không hề lập dị.

 Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI