Sinh viên Việt Nam còn nặng về biết mà nhẹ về hiểu

22/12/2022 - 20:05

PNO - Đó là nhận xét của bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM tại buổi tọa đàm “Sự chuyển mình của giáo dục đại học để đáp ứng các năng lực cần thiết của lực lượng lao động tương lai” do Trường đại học Văn Lang tổ chức ngày 22/12.

Các đại biểu tại tọa đàm
Các đại biểu tại tọa đàm

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, hiện nay kiến thức toàn cầu là biển cả mênh mông, cho nên chìa khóa nắm bắt tri thức không phải là biết thật nhiều. Thế giới kiến thức càng mở rộng, càng phức tạp hóa thì cái càng phải trang bị cho sinh viên là khả năng giải mã. Sinh viên cần có tư duy phân biệt được cái gì là chính yếu, then chốt cho vấn đề mình cần giải quyết.

“Tiếng Việt rất sâu sắc, có từ “hiểu biết”, biết là chưa đủ mà biết phải đi đôi với hiểu, biết nhiều mà chưa hiểu cũng không bằng người biết ít mà hiểu sâu. Trường đại học cần trang bị cho người học công cụ tư duy để giải mã, biết giữ cái gì, bỏ cái gì, sắp xếp ra sao. Tôi đánh giá đây là điều mà sinh viên Việt Nam cần phải phấn đấu nhiều, còn hơn nặng về biết mà nhẹ về hiểu” - bà Tôn Nữ Thị Ninh nói.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh
Bà Tôn Nữ Thị Ninh

Lấy dẫn chứng bản thân học văn học nhưng lại trở thành nhà ngoại giao, bà Ninh cho rằng vai trò của trường đại học chủ yếu cung cấp cho sinh viên nền tảng, công cụ tư duy kiến thức và công cụ về hành vi xã hội. Nếu công cụ đó tốt thì dù "thả" sinh viên vào môi trường nào thì cũng phát huy được. Nhà trường, cá nhân và tương tác của cá nhân với cuộc sống, hành trình của cá nhân là chìa khóa trả lời đâu là con đường các bạn trẻ sẽ đi.

Tiếp xúc nhiều với giới trẻ, bà Tôn Nữ Thị Ninh đánh giá sinh viên Việt Nam có khả năng thích nghi tốt, chăm chỉ, sáng tạo và làm chủ được công nghệ. Tuy vậy, hầu như rất ít sinh viên dám mạnh dạn, quả quyết xác định rõ con đường, mong muốn mình sẽ trở thành ai, thành người thế nào trong tương lai. Hầu như rất ít bạn dám thể hiện mong muốn và vạch ra con đường rõ ràng để đi đến mong muốn đó. Tin tưởng vào tuổi trẻ Việt Nam nhưng bà cho rằng con đường phía trước còn nhiều chông gai, trong đó trách nhiệm của các trường đại học Việt Nam trong hành trình của thế hệ trẻ là rất lớn. 

Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Văn Lang
Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Văn Lang

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Văn Lang - cũng cho rằng điều quan trọng nhất để sinh viên thành công vẫn là tư duy. Quản lý giáo dục phải luôn dõi theo sự thay đổi của xã hội, nhu cầu của doanh nghiệp - những người sử dụng sản phẩm của giáo dục. Xã hội đang thay đổi nhanh chóng, bất định không đoán trước và đầy rủi ro, nhất là sau đại dịch COVID-19.

"Vậy thì ở góc độ trường đại học, cách tiếp cận sẽ như thế nào, khi chúng ta không dự báo được những kiến thức sẽ thay đổi trong tương lai. Trước đây dạy kỹ năng sản xuất 1 cái ly, nếu vài năm tới người ta không sử dụng cái ly đó thì thế nào? Vậy phải chuyển từ dạy kỹ năng cụ thể sang giáo dục kỹ năng sáng tạo thích ứng. Ở góc độ giáo dục, tôi từng chứng kiến câu chuyện: một em bé được kiểm tra đầu vào lớp 1 tất cả đều không đạt. Nhưng khi ra sân, thấy quả bóng em liền bước tới tâng bóng thì cả trường trầm trồ. Vậy thì nhìn dưới góc độ giáo dục, cậu bé đó là dở hay có tài? Do đó, triết lý giáo dục là đào tạo sinh viên trở thành phiên bản tốt nhất của các em, phát huy được tài năng, thế mạnh bản thân” - ông Nguyễn Cao Trí nhận định.

P.Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI