Show ca nhạc cuối năm: Hai trạng thái đối nghịch

23/12/2021 - 06:13

PNO - Mùa cuối năm thường là dịp các show ca nhạc trực tiếp được tổ chức rầm rộ, nhưng năm nay vắng lặng. Các show phát hành trực tuyến hiện vẫn nắm ưu thế.

Show ca nhạc có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa sôi động 

Hôm 18/12, The Show Vietnam sẽ diễn ra show thứ hai với sự tham gia của ca sĩ Hoàng Dũng, Orange. Trước đó, show đầu tiên với sự góp mặt của Phan Mạnh Quỳnh và Bùi Lan Hương. Đây là show diễn trực tiếp hiếm hoi diễn ra cuối năm nay. Dự kiến, The Show Vietnam sẽ phát triển đường dài, gồm hai mini show mỗi tháng và một show lớn/quý. 

Gần đây, chuỗi concert được tổ chức tại Vừng ơi mở ra cũng là thương hiệu được khán giả yêu thích. Ban đầu, đơn vị tổ chức chỉ muốn thử nghiệm với đêm diễn của ca sĩ Văn Mai Hương vào đầu tháng 11, nhưng đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của công chúng. Thừa thắng xông lên, đơn vị này tổ chức thêm nhiều đêm diễn cho Trịnh Thăng Bình, Jimmy Nguyễn, Bùi Lan Hương, Hà Nhi, Hoàng Dũng… 

Top Hits Vietnam cũng đã tổ chức được vài chương trình tại một địa điểm có khuôn viên rộng, sức chứa khá lớn ở Q.1, TP.HCM. Các ca sĩ từng có đêm nhạc tại đây là Lệ Quyên, CeCe Trương, Thảo Trang…

Ca sĩ Hiền Hồ trong Eye contact live
Ca sĩ Hiền Hồ trong Eye contact live

Dẫu số lượng vẫn còn ít nhưng đó là những tín hiệu khả quan sau thời gian dài thị trường này gần như đóng băng. Thường, từ tháng 11 cho đến cận tết Nguyên đán là thời điểm thị trường các show ca nhạc rất sôi động. Các trung tâm văn hóa, nghệ thuật tại Hà Nội như Nhà hát Lớn Hà Nội, Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, tại TP.HCM như Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), Nhà hát Bến Thành… luôn kín lịch. Muốn có địa điểm diễn, các nhà tổ chức thường phải ký hợp đồng, đặt cọc giữ chỗ trước vài tháng. Nhưng năm nay, tình hình vắng lặng hẳn. Các phòng trà lớn cũng chưa có kế hoạch biểu diễn trở lại. 

Các show được tổ chức vừa qua đều có phần nghe, nhìn ở mức thỏa mãn được khán giả, dù quy mô chỉ ở mức nhỏ, trung bình, vì hiện tại tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Các đơn vị tổ chức đều thực hiện theo quy định chỉ đón 50% lượng khán giả so với tổng công suất phục vụ. 

“Khán giả vẫn còn e ngại dịch bệnh nên các đơn vị sản xuất chỉ đang cố gắng duy trì thói quen thưởng thức nghệ thuật trực tiếp của khán giả. Chúng tôi đầu tư nhiều nhưng không thể thu lại được lợi nhuận. Tuy nhiên, đây là dự án đường dài nên chúng tôi hy vọng khi đi qua thời điểm khó khăn này sẽ có những tín hiệu tốt hơn”, đại diện nhà sản xuất (NSX) The Show Vietnam chia sẻ. 

Bài toán hiệu quả, giữa kinh phí đầu tư và lợi nhuận đã khiến nhiều đơn vị chùn bước. Bởi ngoài nhân sự còn phải tốn thêm chi phí khác để vận hành địa điểm biểu diễn. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, các NSX đều phải thắt lưng buộc bụng.

“Hai năm qua, các show live đã phát triển. Khán giả cũng bắt đầu chịu chi tiền cho hình thức này. Đó là tín hiệu vui để hy vọng. Ngành giải trí sẽ hồi phục sau cùng, sau các ngành khác, khi hết dịch. Vì vậy cần có thời gian, để có thể thu hút lại sự quan tâm, chú ý của khán giả. Tôi hy vọng từ sau tháng 6/2022 trở đi sẽ có nhiều chương trình hơn để khán giả có thể quay lại với âm nhạc một cách an toàn, yên tâm để thưởng thức”, đạo diễn Vân Trình (NSX TOP Live show) chia sẻ.

Ca sĩ Hoàng Dũng và 25 mét vuông
Ca sĩ Hoàng Dũng và 25 mét vuông

Các show trực tuyến đa dạng

Gần đây ca sĩ Mỹ Tâm công bố thực hiện dự án Acoustic & Lofi-Chill với chuỗi đêm nhạc trực tuyến mang tên My Soul 1981 Unstaged Live Music, gồm sáu đêm nhạc. Giá xem show là một triệu đồng/vé gây bất ngờ, bởi con số này khá cao.

NSND Bạch Tuyết kết hợp với NSƯT Diệu Hiền tổ chức đêm Gửi người tri kỷ 2, với giá 500.000 đồng/vé. Đêm diễn được ghi hình tại trường quay, như một buổi diễn thực ngoài sân khấu. Đây là hai show hiếm hoi bán vé với hình thức diễn trực tuyến.

Thực tế, mô hình này đã phát triển khá mạnh thời gian qua trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các đơn vị sản xuất vẫn còn e ngại. Hiện, nhiều chương trình phát miễn phí với chất lượng đầu tư tốt về hình ảnh, âm thanh. Vì thế, việc tổ chức show bán vé sẽ phải chịu sức ép, sự cạnh tranh không nhỏ. Giữa việc phải bỏ tiền với việc được xem miễn phí, tâm lý chung của khán giả vẫn muốn chọn điều có lợi hơn. Chưa kể, việc trải nghiệm trực tuyến không mang được cảm giác như ở sân khấu thật, nên người xem vẫn có tâm lý chần chừ.

Hiện, các dự án âm nhạc phát trên các nền tảng số miễn phí phát triển khá mạnh. Chúng thường là những chương trình ngắn, được chia thành nhiều kỳ. Ca sĩ Phương Mỹ Chi có Bolero lâu phai, làm mới các sáng tác có tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Không chỉ khiến khán giả thỏa mãn phần nghe, Phương Mỹ Chi còn mang đến phần nhìn hòa hợp với từng tác phẩm mang tính hoài cổ. Eye contact live quy tụ sự tham gia của loạt ca sĩ: Đức Phúc, Phạm Đình Thái Ngân, Hiền Hồ, Ly Ly, Anh Tú…

Ca sĩ Orange trong đêm diễn của The Show VietNam
Ca sĩ Orange trong đêm diễn của The Show VietNam

Mỗi tập, ca sĩ chọn không gian quán cà phê tĩnh lặng để hát, trò chuyện cùng khán giả. Dự án khiến khán giả thích thú vì hình ảnh đẹp, âm nhạc hay, cùng những màn giao lưu, chia sẻ thú vị. Vì thế, mỗi tập đều có hàng trăm ngàn đến vài triệu lượt xem. Ca sĩ Hoàng Dũng có 25 mét vuông, trình bày lại những ca khúc trong album 25 anh ra mắt trước đó. Ca sĩ hát live với ban nhạc, ghi hình lại và phát trên YouTube. Không chỉ đầu tư phần nghe, anh còn chú trọng phần nhìn khi kết hợp với đạo diễn Kiên Ứng, người chuyên thực hiện các MV. Ca sĩ Isaac, Quang Vinh… cũng có những series âm nhạc trực tuyến phục vụ khán giả trên kênh YouTube của họ. 

Trong giai đoạn dịch bệnh cao điểm, việc sản xuất bị hạn chế vì thiếu thiết bị, nhân lực, giờ thì ca sĩ đã chủ động hơn để mang đến sản phẩm chỉn chu cho khán giả. Việc phát trên YouTube ít nhiều đều mang lại nguồn thu cho ca sĩ, có thể bù đắp phần nào cho vốn đầu tư. Số tiền thu được tỷ lệ thuận với lượt xem trên từng sản phẩm cũng như độ hot của kênh. Một NSX nội dung số có gần 500.000 người theo dõi tiết lộ: với clip đạt hơn một triệu lượt xem, anh được trả hơn 40 triệu đồng từ YouTube.

Anh Hoàng Tuấn (quản lý ca sĩ Đan Trường) nhận định: “Việc kết nối, duy trì tương tác với công chúng là điều cần thiết khi việc biểu diễn trực tiếp vẫn còn một số trở ngại. Mô hình các series nhạc là lựa chọn vừa vặn. Vốn đầu tư cũng có thể nằm trong tầm tay của ca sĩ, ê-kíp. Vì thế, hình thức này chắc chắn sẽ còn phát triển trong thời gian tới, ít nhất đến khi dịch bệnh ổn định, kinh tế dần phục hồi để khán giả bắt đầu quay lại với các show trực tiếp”. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI