Sẽ trình Chính phủ kế hoạch mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương ngay trong tháng 6

07/06/2023 - 19:38

PNO - Bộ trưởng Bộ GTVT vừa thông tin tại Quốc hội về việc mở rộng 2 tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương và THCM - Long Thành.

 

Tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương

Tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương hiện có lưu lượng quá đông, gây tắc nghẽn, đặc biệt vào dịp cuối tuần

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng, ĐBQH Trần Anh Tuấn (TPHCM) đặt câu hỏi về kế hoạch mở rộng 2 tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương và TPHCM - Long Thành khi thường xuyên quá tải, tắc nghẽn, đặc biệt là những ngày cuối tuần.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ này đang chuẩn bị đầy đủ các nội dung, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 này về phương án đầu tư tuyến TPHCM - Trung Lương, vì đây là một tuyến lưu lượng rất đông, hiện nay không còn đảm bảo nữa.

Ông thông tin thêm, tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đang phải tính toán đến. Bộ GTVT đang có đề xuất rồi, dự kiến trình Chính phủ ngay trong tháng 6 này. 

Đối với tuyến TPHCM - Long Thành, dự án hiện nay do Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) đang đầu tư, khai thác. Hiện nay, quy hoạch từ 8 đến 10 làn xe. VEC đã có công văn gửi cho Bộ GTVT, gửi cho Chính phủ xin được tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến này. “Đây cũng là nội dung rất quan trọng, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm vì liên quan đến sân bay Long Thành. Nếu như sân bay Long Thành hoàn thiện thì tuyến này phải từ 8 đến 10 làn xe, chưa kể chúng ta còn phải đầu tư tiếp các tuyến đường sắt mới đảm bảo được”.

 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết đã có kế hoạch mở rộng 2 tuyến cao tốc tại TPHCM

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết đã có kế hoạch mở rộng 2 tuyến cao tốc tại TPHCM

ĐBQH Trần Anh Tuấn cũng nêu vấn đề, một số dự án đã phê duyệt chủ trương theo hình thức PPP, tuy nhiên, sau đó thì lại chuyển qua hình thức đầu tư công. Dự án chưa triển khai thực hiện mà phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, làm thời gian chuẩn bị dự án kéo dài và có thể ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai sau này.

Nêu giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận, đây là vấn đề mà ông cùng ngành GTVT rất trăn trở. Ông cho rằng, cần hệ thống các giải pháp hết sức đồng bộ trong vấn đề này để tạo được lòng tin cho các doanh nghiệp. Cụ thể như vấn đề thể chế cũng phải xem xét để có những điều chỉnh cho phù hợp. 

Ông nêu, một dự án BOT thường có thời gian thu phí bình quân là khoảng 20 năm, nhưng quy định của ngân hàng chỉ cho vay tối đa 10-12 năm thôi. Trước đây khi kinh tế tốt, sức khỏe doanh nghiệp tốt thì doanh nghiệp lấy các nguồn doanh thu để bù vào. Song hiện kinh tế khó khăn như thế này, vòng đời của dự án là 20 năm mà lại chỉ cho vay 10-12 năm thì không thể làm được. 

“Vừa rồi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có một phương án là nguồn vốn nhà nước hỗ trợ vào, thay vì 20-25 năm thì giảm xuống 10 - 15 năm, như vậy mới có tính khả thi. Nguồn vốn của doanh nghiệp bớt đi, nguồn vốn ngân hàng vào cũng giảm rủi ro”, ông nói.

Sắp tới, Bộ trưởng cho hay, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức Hội nghị xúc tiến, mời gọi đầu tư các doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế. Trước khi tổ chức chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các bộ, ngành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề huy động các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI