Sâm Ngọc Linh bị làm giả vì giá quá cao

05/09/2019 - 06:37

PNO - Nhiều người đổ về tỉnh Lâm Đồng để tìm kiếm loài cây gần giống sâm Ngọc Linh. Một số lương y cảnh báo, sâm Ngọc Linh có thể bị làm giả để trục lợi.

Rao sâm Ngọc Linh, bán... củ ráy

Theo ông Bùi Văn Hởi - Chủ tịch UBND H.Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng - tại huyện này, xuất hiện một số người từ tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk rủ rê nhiều người dân địa phương đi tìm kiếm, đào gốc loài cây có hình dạng bên ngoài giống với cây sâm Ngọc Linh. Những người này cho biết, thương lái thu mua gốc cây này với giá 15 triệu đồng/kg. 

Trong tháng Tám vừa qua, đã có hàng trăm người từ các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk và H.Đam Rông đi dọc Quốc lộ 27C và Tỉnh lộ 722 (thuộc H.Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) rồi tìm cách xâm nhập vào Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà để tìm loài cây giống với cây sâm Ngọc Linh. 

Sam Ngoc Linh  bi lam gia vi gia qua cao
Nhiều loài cây cho củ giống sâm Ngọc Linh

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa (Hội Dược liệu TP.HCM) cho rằng, việc thương lái thu mua cây gần giống với sâm Ngọc Linh có thể nhằm mục đích xấu. Sau khi đem về, thương lái có thể nói rằng đó là sâm Ngọc Linh để bán giá cao, kiếm lời, vì sâm Ngọc Linh hiện nay có giá 60 triệu đồng/kg tươi (loại 3 năm tuổi).

Hiện có nhiều loài cây cho củ giống sâm Ngọc Linh, như sâm vũ diệp, sâm tam thất hoang, sâm bảy lá một hoa (còn gọi là thất diệp nhất chi hoa). Những cây này có tên khoa học, hình dáng, mùi vị rất giống sâm Ngọc Linh. Mặc dù một số loài cũng nằm trong Sách đỏ Việt Nam như sâm bảy lá một hoa nhưng công dụng không thể so sánh với sâm Ngọc Linh. 

Do đó, thương lái thường bỏ tiền thuê người vào rừng tìm các loài cây này và thu mua với giá cao, mang về giả làm sâm Ngọc Linh. Có người còn bơm chất kích thích vào cây tam thất hoang để củ tròn, mập mạp giống sâm Ngọc Linh hoặc lấy củ vũ diệp, tam thất chôn ở đất núi Ngọc Linh, sau đó đem ngâm trong nước pha từ sâm cho có mùi sâm. Thậm chí, có nơi còn dùng củ ráy giả làm sâm Ngọc Linh; nếu không am hiểu về cây thuốc, sẽ không thể phân biệt được. 

Sâm Ngọc Linh ngày càng bị đẩy giá 

Dù được cho là hàng hiếm nhưng ngay tại TP.HCM, loài được cho là sâm Ngọc Linh được bán nhiều vô kể tại tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5) hoặc bán qua mạng với đủ mức giá, từ 28-55 triệu đồng/kg tươi. 

Tại cửa hàng T.H. trên đường Hải Thượng Lãn Ông, một vị nữ chủ tiệm cho biết, chỉ bán sâm Ngọc Linh rừng đã ngâm rượu, giá từ 12-20 triệu đồng/bình; muốn lấy hàng, phải đặt cọc trước vì sâm rất đắt. Tuy nhiên, theo các lương y, nếu mua sâm đã ngâm rượu thì rất khó phân biệt được đó có phải là củ sâm Ngọc Linh thật hay giả. 

“Hiện nay, trên thị trường, còn xuất hiện sâm Ngọc Linh thật nhưng đã chiết hết dược tính. Do đó, người mua phải thật cẩn thận khi mua sâm đã phơi khô, ngâm sẵn vì có thể gặp sâm giả hoặc sâm đã chiết hết hoạt chất” - ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, thông tin. 

Để lấy lòng tin của khách, nhiều nơi đăng hình phiếu phân tích và kiểm nghiệm mẫu sâm, nhưng hình ảnh rất nhỏ, không thể nhìn rõ đó là mẫu kiểm nghiệm sâm Ngọc Linh hay một loại sâm khác. Thậm chí, có website sử dụng phiếu phân tích và kiểm nghiệm từ năm 2017 để quảng cáo, số lượng sâm đem phân tích cũng chỉ có một mẫu, khối lượng 680g. 

Theo ông Hồ Quang Bửu, để chắc chắn đó là sâm Ngọc Linh thật, người bán cần phải cung cấp giấy kiểm định chất lượng từng củ cho khách xem, giấy kiểm định phải thực hiện tại thời điểm bán sâm, nguồn gốc vườn trồng. Những nơi dùng giấy kiểm định năm 2015, đem chụp hình rồi sử dụng đến năm 2019 để quảng cáo hoặc dùng giấy kiểm định cho một củ sâm đại diện cho tất cả số sâm còn lại là không có ý nghĩa gì.  

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, chỗ bán khẳng định sâm Ngọc Linh rừng được thu gom tự nhiên từ vùng núi này, núi khác là lừa dối khách hàng. Sâm Ngọc Linh chỉ phân bố duy nhất tại vùng núi Ngọc Linh thuộc H.Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, khu vực giáp ranh với tỉnh Kon Tum. Đây là loài sâm mà không một nước nào trên thế giới có được. Nếu có thì cũng chỉ đem sâm Ngọc Linh đến nơi khác trồng chứ cây không tự phân bố. Trên núi Ngọc Linh, hiện chỉ còn sâm Ngọc Linh trồng, nhưng diện tích cũng rất hạn chế; sâm Ngọc Linh rừng gần như không còn. 

Một lương y cho biết, sâm Ngọc Linh được phát hiện từ năm 1973; năm 2015, sâm này mua tại núi Ngọc Linh chỉ 10 triệu đồng/kg. Nhưng theo thời gian, loài sâm quý này không được trồng thêm mà ngày càng thu hẹp, giá ngày càng tăng cao, được đẩy lên 60 triệu đồng/kg tươi loại 3 năm tuổi (5kg sâm tươi mới được 1kg sâm khô). Trong khi đó, nhân sâm Hoa Kỳ có dược tính tương đương với sâm Ngọc Linh nhưng do phát triển được vùng đất trồng nên giá trên thị trường hiện chỉ 10 triệu đồng/kg khô.

“Có một số công ty quảng cáo trồng 2.500ha sâm Ngọc Linh, mời tôi tư vấn, dẫn tôi tham quan nhà máy hiện đại nhất. Nhưng khi tôi đòi tham quan vùng trồng thì doanh nghiệp này không cho. Nếu thật sự trồng được trên diện tích đất này thì sâm Ngọc Linh đâu khan hiếm, bị đẩy giá cao như bây giờ. Có nhiều nơi “nổ” đang mở rộng vùng trồng để thu hút tiền đầu tư rồi lấy tiền làm việc khác chứ không trồng” - lương y này kể. 

Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt - cán bộ Viện Dược liệu Trung ương - về mặt hóa học, thân rễ và rễ củ sâm Ngọc Linh chứa 52 saponin, trong đó có 26 sanopin thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật. Trong lá và cọng, người ta đã phân lập được 19 saponin pammaran, trong đó 8 saponin có cấu trúc mới. Đã xác định được trong sâm Ngọc Linh 17 a-xít amin, 20 chất khoáng vi lượng và hàm lượng tinh dầu là 0,1%.

Sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ô-xy hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan, giúp bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, cải thiện hoạt động trí tuệ và thể lực, tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp. Ngoài ra, sâm hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI