Rau củ quả có màu lạ, vì sao?

04/05/2015 - 11:42

PNO - PN - Nhiều loại nông sản là sản phẩm của công nghệ đột biến gen đã bị nhầm tưởng là sản phẩm biến đổi gen. Màu sắc lạ lẫm của những nông sản này khiến không ít người tiêu dùng e ngại.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhầm tưởng chỉ để làm kiểng

Su hào tím, cà rốt nhiều màu, khoai tây tím... gần đây được nhiều doanh nghiệp đưa ra thị trường. Với màu sắc “bất thường”, các loại rau củ quả này khiến nhiều người tiêu dùng tỏ ra e dè.

Chị Hoàng Thị Ngoãn, ngụ tại P.Tân Định, Q.1, TP.HCM cho biết, cách đây không lâu một lần ghé cửa hàng nông sản số 176 Hai Bà Trưng (Q.1), chị khá bất ngờ khi thấy cửa hàng bày bán loại su hào có vỏ màu tím, dù hình dạng, kích cỡ (trung bình 3-4 củ/kg) tương tự củ su hào xanh thường thấy. Loại củ này cũng có vị thơm và ngọt hơn su hào thông thường. Giá su hào tím, theo chị Ngoãn không chênh lệch nhiều so với su hào xanh, khoảng 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên sau khi dùng thử và chia sẻ với một số đồng nghiệp, có người nói đó là sản phẩm (SP) biến đổi gen, nên chị không dám tiếp tục sử dụng. Từ nhiều tháng nay, một số điểm bán giống cây trồng đã bán cây giống ổi tím (thân cây, nụ hoa, vỏ và ruột trái đều có màu tím). Theo giới thiệu, trồng giống cây này có thể vừa làm cảnh vừa ăn trái.

Nhiều bà nội trợ cũng phân vân khi mua khoai tây tím được giới thiệu là “hàng xách tay” từ Mỹ. Loại khoai này, toàn bộ phần vỏ và ruột đều có màu tím sậm. Thực tế, khoai tây tím có nguồn gốc từ Mỹ xuất hiện tại thị trường Việt Nam khá lâu, nhưng theo khảo sát của chúng tôi, hiện một số siêu thị như BigC chỉ bày bán loại khoai tây có vỏ tím, ruột củ vẫn màu trắng chứ không có màu tím ngắt như một số SP từng được chào bán trước đây.

Anh Lê Văn Dũng, chủ cửa hàng hạt giống tại Tân Xuân, H.Hóc Môn, TP.HCM cho biết, hầu hết những loại giống cây trồng cho củ, quả có màu sắc lạ (cà rốt màu trắng, tím; củ cải đỏ, su hào tím...) đều được trồng phổ biến tại nhiều nước. Tuy nhiên do màu sắc sặc sỡ, lạ mắt nên nhiều người e ngại. “Có người khách đến mua hạt giống củ cải đỏ về trồng. Thu hoạch củ lại để hư thối. Hỏi vì sao không ăn thì vị khách này cho biết, tưởng loại củ này chỉ để trồng làm kiểng, mà màu lạ quá nên không dám ăn”, anh Dũng chia sẻ. Giá các loại hạt giống cây có yếu tố “lạ” này cũng cao gấp đôi so với hạt giống thông thường. Chẳng hạn, hạt giống cà rốt nhiều màu, 30.000-35.000 đồng/gói (mỗi gói có từ 25-33 hạt). Tương tự, hạt giống su hào tím, 1.500 đồng/hạt.

Rau cu qua co mau la, vi sao?

Su hào tím được bán trên thị trường

Đột biến gen không phải biến đổi gen

Theo tiến sĩ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, hầu hết loại rau củ có màu sắc lạ mắt, sặc sỡ là SP của công nghệ đột biến gen chứ không phải là SP biến đổi gen. Tức là những hạt giống, cây giống này được đem đi chiếu xạ bằng công nghệ hạt nhân, nhằm mục đích sắp xếp lại gen để thay đổi một số đặc tính (thay đổi một số đặc tính của cây con so với cây bố mẹ), tạo ra đột biến di truyền. Chẳng hạn các loại hoa lan rừng, thông thường một năm chỉ cho hoa một lần, nhưng sau khi chiếu xạ có thể cho hoa tới ba, bốn lần trong năm. Sử dụng SP từ những loại cây trồng đột biến gen hoàn toàn không có bất cứ vấn đề gì phải lo ngại về vấn đề an toàn.

Hầu hết các SP biến đổi gen hiện còn gây tranh cãi, và mới chỉ có 29 quốc gia trên thế giới cho phép trồng cây biến đổi gen. Trong khi đó, những SP cây trồng từ công nghệ đột biến gen được xem là an toàn. Ngay cả những nước thuộc châu Âu, Nhật Bản vốn chưa cho phép phổ biến cây trồng biến đổi gen, nhưng đã tạo ra những giống khoai tây, cà chua, cà rốt, su hào... theo công nghệ đột biến gen.

Theo các nhà khoa học, nhiều loại rau, củ, quả được tạo ra từ công nghệ đột biến gen. Những SP tạo ra từ cây trồng đột biến gen không khác nhiều so với SP thông thường. Chỉ một số đặc tính nổi trội được tạo ra sau khi chiếu xạ gây đột biến.

Chẳng hạn, cà rốt nhiều màu khi chế biến sẽ tạo sự đa dạng màu sắc các món ăn, trong khi hàm lượng dinh dưỡng tương đương giống cà rốt truyền thống. Tương tự, một số loại cây có hạt sẽ được xử lý bằng công nghệ hạt nhân để tạo ra giống quả không hạt, giúp dễ dàng sử dụng chứ không làm thay đổi về thành phần dinh dưỡng như nhiều người đã thổi phồng nhằm nâng giá bán.

Thị trường đã có một số SP từ công nghệ đột biến gen do các nhà khoa học trong nước thực hiện từ nhiều năm trước. Chẳng hạn, loại bưởi đường lá cam Tân Triều (Đồng Nai) được Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Đông Nam bộ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thực hiện chiếu xạ để cho ra giống bưởi không hạt. Giống quýt hồng của Đồng Tháp cũng sẽ được nghiên cứu thử nghiệm chiếu xạ gây đột biến để tạo ra giống quýt với những đặc tính: vỏ hồng, ít hạt hoặc không hạt, tróc vỏ, phần thịt có màu cam đỏ bắt mắt...

 THƯ HÙNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI