Phòng tránh tai nạn khi trẻ nghỉ hè

12/05/2023 - 06:27

PNO - Trong tháng Tư, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cũng tiếp nhận 4 trường hợp trẻ bị đuối nước.

 

Vào mùa hè, trẻ rất dễ gặp tai nạn đuối nước (trong ảnh: Một buổi dạy thực hành kỹ năng chống đuối nước cho trẻ em ở tỉnh Đồng Tháp) ẢNH: HUỲNH LỢI
Vào mùa hè, trẻ rất dễ gặp tai nạn đuối nước (trong ảnh: Một buổi dạy thực hành kỹ năng chống đuối nước cho trẻ em ở tỉnh Đồng Tháp) - Ảnh: Huỳnh Lợi

Tuy học sinh chưa vào kỳ nghỉ hè nhưng số trẻ bị tai nạn ghi nhận tại các bệnh viện ở TPHCM và các tỉnh, thành đã có chiều hướng tăng. Nguyên nhân của điều này là do người lớn bất cẩn, việc trang bị kỹ năng cho trẻ còn hạn chế...

Trẻ hiếu động, không lường được mối nguy

Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - cho biết, tai nạn ở trẻ em đang có chiều hướng gia tăng. Tình trạng này thường kéo dài cho đến khi bắt đầu năm học mới. Khoa này từng tiếp nhận trẻ nhỏ bị phỏng điện do cho tay vào ổ cắm, bị phỏng nước sôi do đột ngột lao đến ôm người lớn đang nấu ăn. Khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng tiếp nhận khá nhiều trẻ bị té ngã từ chung cư, nhà cao tầng…

Trong 10 ngày đầu tháng Năm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 4 trẻ bị ngạt nước, đuối nước, hầu hết không qua khỏi hoặc bị tổn thương não nặng. Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, tai nạn nước chực chờ với cả trẻ ở nông thôn lẫn thành thị. Trẻ ở thành thị thường cúi đầu vào lu, xô, chậu để vọc nước, dễ bị ngã chúi đầu, ngạt nước. Do đó, phụ huynh không nên để trẻ nhỏ chơi một mình, không để các vật chứa nước trong khu vực trẻ chơi đùa. 

Phần lớn trẻ ở nông thôn sớm biết bơi nhưng mực nước ở suối, sông, hồ nông sâu, dòng chảy nhanh chậm khó lường, hoặc trẻ bơi thành nhóm, khi 1 bé bị sự cố, những bé khác có thể bị tai nạn theo do không biết cách cứu, do bị bạn nắm chặt tay. Do vậy, người lớn nên giám sát kỹ khi con mình xuống nước.

Tại Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế, có nhiều trẻ nhập viện do bị tai nạn, thương tích. Theo các bác sĩ ở trung tâm này, tai nạn thường xảy ra với trẻ em vào mùa hè là do trẻ được nghỉ học, ở nhà nhiều hơn. Các tai nạn thường gặp là: dị vật đường thở, điện giật, phỏng, ngạt nước, uống nhầm hóa chất, chấn thương. Trong khoảng 1 tháng qua, ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã có ít nhất 5 trẻ tử vong do đuối nước. Nguyên nhân là do tiết trời đầu mùa hè nóng bức, học sinh ra sông, biển giải nhiệt nhiều mà không có người lớn giám sát.

Lớp dạy bơi miễn phí cho con em công nhân ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM. Việc trang bị kỹ năng bơi lội và sinh tồn dưới nước giúp trẻ tránh được tai nạn đuối nước - ẢNH: SƠN VINH
Lớp dạy bơi miễn phí cho con em công nhân ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM. Việc trang bị kỹ năng bơi lội và sinh tồn dưới nước giúp trẻ tránh được tai nạn đuối nước - Ảnh: Sơn Vinh

Ở tỉnh Nghệ An, đã xảy ra nhiều vụ đuối nước mà nạn nhân đa số là học sinh. Đơn cử như đầu tháng Tư, 3 trong số 7 nữ sinh lớp Sáu tắm ở bãi biển xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc đã bị đuối nước, tử vong. Cũng ở tỉnh này, chiều 9/5, bé P.N.M.A. (5 tuổi) đã rơi từ tầng 10 của tòa nhà 11 tầng ở phường Lê Mao, TP Vinh xuống đường Trần Hưng Học, tử vong tại chỗ. Trước đó, bé gái này ở nhà chơi với mẹ, khi người mẹ vào nhà tắm, bé gái này chạy ra hành lang chơi, với tay lấy chiếc khăn thì bị lọt khỏi lan can, rơi thẳng xuống dưới. 

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tân - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An - cho biết, những ngày qua, khoa tiếp nhận nhiều trẻ em bị té ngã, bị vật sắc nhọn đâm trúng: “Trẻ nhỏ thường hiếu động, thích khám phá mọi thứ xung quanh nhưng không lường được mối nguy hiểm. Chỉ cần người lớn lơ là, bất cẩn trong tích tắc, trẻ có thể gặp nạn”.

 Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tập huấn cho học sinh về kỹ năng xử trí khi gặp nạn dưới nước - ẢNH: THUẬN HÓA
Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tập huấn cho học sinh về kỹ năng xử trí khi gặp nạn dưới nước - Ảnh: Thuận Hóa

Phòng tránh tai nạn cho trẻ: Không khó

Theo bà Trang Jena Nguyễn - đồng sáng lập, Phó giám đốc Công ty Survival Skills Vietnam (SSVN) - tai nạn trẻ em có thể xảy ra quanh năm, bất kể trong nhà, ở trường lớp hay những nơi công cộng, ngoài đường. Riêng mùa hè, tiết trời nắng nóng nên các phụ huynh thường đưa trẻ đi chơi, du lịch nên số vụ tai nạn đuối nước, ngất, sốc nhiệt, co giật, đột quỵ diễn ra nhiều hơn. Ngoài ra, khi chơi các môn thể thao vận động, trẻ có thể bị té ngã, trầy xước, gãy xương, rạn nứt xương, bong gân… 

Theo bà, cách tốt nhất là cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ (ông bà, giáo viên, người giúp việc) và chính các em đều nhận biết các rủi ro để phòng tránh: “Khi sự cố xảy ra, chỉ có 3-4 phút vàng để cứu người bị nạn nghiêm trọng (ngưng thở, ngưng tim). Do đó, cha mẹ, giáo viên và trẻ em đều cần được học, thực hành các kỹ năng sơ cấp cứu để giảm được tỉ lệ tử vong trước khi nhập viện”.

Bà Trang Jena Nguyễn cho hay, chính phủ các nước phát triển xem trọng việc đào tạo kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho mọi người dân, bắt đầu từ lứa tuổi mẫu giáo. Trẻ được giáo viên, bảo mẫu lồng ghép nội dung sơ cứu vào các lớp học; khi lên bậc phổ thông, trẻ được hướng dẫn sơ cấp cứu thường xuyên, định kỳ.

Điều kiện cấp bằng lái xe máy, xe hơi cho công dân là phải có kèm chứng nhận đã học sơ cấp cứu. Giáo viên, bảo vệ, nhân viên các trường, các dịch vụ đều phải có chứng nhận sơ cấp cứu và định kỳ 12 hoặc 24 tháng, phải học ôn nhắc lại. Do vậy, ở Việt Nam, mọi người nên quan tâm đến việc trang bị kỹ năng sơ cứu, nhà trường và các ban ngành nên đưa ra quy định bắt buộc học sơ cấp cứu đối với nhân sự của mình.

Nhiều phụ huynh mệt mỏi đợi tin con trước Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - ẢNH: PHẠM AN
Nhiều phụ huynh mệt mỏi đợi tin con trước Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - Ảnh: Phạm An

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Hữu Trí - Phó giám đốc Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế - cho rằng, cách phòng ngừa tai nạn chung nhất là luôn có người giữ trẻ, để ý trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 3 tuổi; thiết kế, trang trí ngôi nhà, môi trường trong nhà an toàn cho trẻ, giảm thiểu các nguy cơ có thể gây hại cho trẻ mà phụ huynh cảm nhận, ý thức được.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - khuyến cáo, người lớn không nên để trẻ nhỏ ở nhà một mình; nên đậy kín các vật chứa nước trong nhà; nên cho trẻ học bơi; nên liên tục quan sát khi trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông. Đặc biệt, không cho bệnh nhân động kinh bơi. Khi cho trẻ đi tắm hồ bơi, không để trẻ nhỏ vào hồ bơi dành cho trẻ lớn, người lớn; luôn để mắt trông chừng trẻ, tốt nhất là người lớn tắm chung với trẻ.

Bác sĩ Trần Văn Cương - Phó giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An -  khuyến cáo, gia đình có trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi, cần tuyệt đối không dự trữ xăng dầu trong nhà; nếu cần phải dự trữ thì không đựng xăng dầu trong vật dụng dễ bị nhầm lẫn như chai đựng nước uống, ly, chén… và cần phải để dầu thắp ở nơi cách xa tầm tay trẻ em. Người lớn cũng không nên để trẻ nhỏ vừa ăn vừa chơi bởi dễ khiến trẻ bị hóc dị vật đường thở.

Bà Nguyễn Thu Tư - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau - cho biết, sở đang lên kế hoạch phối hợp với các đơn vị triển khai các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong mùa hè 2023. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường dạy bơi và các kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ. Sở dự kiến, mỗi xã phải tổ chức được ít nhất 1 lớp dạy bơi cho trẻ. 

2 nữ sinh cứu người đuối nước nhờ thực hành ở trường

Mới đây, em Nguyễn Thị Bảo Thi và Nguyễn Thị Phương Trâm - cùng học lớp 6A, Trường THCS Nghi Thuận, xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - đã cứu được 1 em nhỏ 2 tuổi bị ngạt nước. Bà Hoàng Thị Thu Thanh - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Thuận - cho biết, 2 nữ sinh này biết cách hô hấp nhân tạo là nhờ đã được học ở trường. Thời gian qua, nhà trường đã đưa chương trình phòng, chống tai nạn đuối nước vào 15 phút sinh hoạt đầu buổi học bằng cách cho học sinh xem các video hướng dẫn cách phòng, chống đuối nước, kỹ năng cứu người đuối nước. Nhà trường cũng cho học sinh thực hành cách sơ cứu người bị đuối nước vào giờ chào cờ đầu tuần. 

Phan Ngọc

Dạy kỹ năng bơi và chống đuối nước cho khoảng 1.800 trẻ
Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho biết, đã lên kế hoạch tổ chức hơn 60 lớp dạy bơi miễn phí trong mùa hè 2023 cho khoảng 1.600-1.800 thiếu niên, nhi đồng. Các lớp này cũng dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ. 

Một lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp - ẢNH: HUỲNH LỢI
Một lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: Huỳnh Lợi

Huyện đoàn Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cũng đang thực hiện mô hình Tổ phát thanh măng non ở các liên đội trường học nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về ngăn ngừa đuối nước và tai nạn ở trẻ em. Huyện đoàn cũng yêu cầu các tổ chức đoàn thanh niên cơ sở rà soát, cắm biển báo ở những đoạn kênh, rạch, sông nguy hiểm, đồng thời phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em.

Huỳnh Lợi

Chỉ dạy cho trẻ biết bơi là chưa đủ

Bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - nhận định, cách đây 4 năm, đã có thống kê rằng mỗi năm, có hơn 2.000 trẻ em thiệt mạng. Hiện tại, con số có thể cao hơn, bởi tai nạn - đặc biệt là đuối nước - xảy ra ngày càng nhiều. Với đuối nước, dù biết bơi, tai nạn vẫn có thể xảy ra. 

Theo ông, địa hình nông thôn Việt Nam có nhiều sông, suối, kênh, rạch. Mùa hè nắng nóng, trẻ thường rủ nhau xuống nước trong khi cha mẹ chúng phải lo kiếm sống, không có điều kiện giám sát. Do phân bố dân cư, việc có các bể bơi công cộng ở nông thôn là không thể. Do đó, chỉ có thể tận dụng các mặt nước tự nhiên để xây dựng khuôn viên an toàn, có người hướng dẫn, có người cảnh giới và dạy cho trẻ em các kỹ năng an toàn.

Ông cho rằng, quan trọng nhất là phải trang bị cho trẻ kỹ năng tồn tại dưới nước: nếu không may gặp tai nạn thì phải hít thở thế nào, cơ thể ở dưới nước phải ra sao để kéo dài thời gian, chờ những người lớn xung quanh đến cứu. Đồng thời, cần trang bị cho các em các kỹ năng xử lý tình huống khi thấy người gặp nạn. “Phụ huynh, thầy cô giáo, nhà trường và các địa phương cần phải thay đổi nhận thức. Chúng ta không chỉ dạy cho các em biết bơi mà cần phải dạy cho các em kỹ năng phòng, chống tai nạn và đuối nước, kỹ năng tồn tại trong môi trường nước”.

Cũng theo ông, nhà có em bé lẫm chẫm thì các xô, chậu khi sử dụng xong phải được úp xuống; các chum, vại phải được đậy lại. Với trẻ lớn hơn, cha mẹ phải nắm được việc con đi đâu, làm gì, với ai. Kế đến là vai trò của cộng đồng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ xã hội làm công tác bảo vệ trẻ em. Đội ngũ này phải hướng dẫn kỹ năng cho những người làm cha mẹ. Các hội đồng đội, đoàn thanh niên cũng cần tham gia dạy kỹ năng cho trẻ em. 

 Minh Tuệ (ghi)

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI