Phối hợp để giữ bình yên cho từng mái ấm gia đình

29/11/2021 - 11:12

PNO - Hơn tám năm qua, mô hình CLB Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội ngày càng khẳng định rõ vai trò trong góp phần bảo vệ an ninh trật tự.

Năm 2013, câu lạc bộ (CLB) Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội được Hội LHPN TP.HCM triển khai xuống tất cả các phường, xã. Đây là một trong những mô hình của Hội LHPN thành phố nhằm thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 về “Quản lý giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” giữa Bộ Công an và Hội LHPN Việt Nam. Đây cũng là lực lượng nòng cốt của Hội Phụ nữ trong công tác phòng, chống tội phạm ngay trên địa bàn dân cư, trong các khu phố và ngay tại hộ gia đình, vừa là "tai mắt" của công an trước những dấu hiệu bất thường. 

Các hoạt động truyền thông phòng, chống tệ nạn xã hội của Hội LHPN các cấp luôn có nòng cốt là thành viên các câu lạc bộ Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội
Các hoạt động truyền thông phòng, chống tệ nạn xã hội của Hội LHPN các cấp luôn có nòng cốt là thành viên các câu lạc bộ Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội

Dưới sự điều hành khéo léo của các thành viên ban chủ nhiệm và chỉ đạo sát sao của chi hội, Hội Phụ nữ phường, các CLB hoạt động rất đều đặn. Chị Aysa, một thành viên CLB Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội khu phố 2, P.1, Q.8, nhớ lại: “Trước đây, bạo lực cứ âm ỉ trong mỗi gia đình. Nhiều chị em do thiếu hiểu biết, ít giao tiếp, đã cắn răng chịu đựng bạo lực về tinh thần, kinh tế và đôi khi là cả thể xác. Nhận thấy đây là vấn đề nghiêm trọng, chúng tôi đã quyết tâm tìm đến các chị, khơi gợi để các chị nhìn ra vấn đề. Hiểu được nguyên nhân gây mâu thuẫn của từng cặp vợ chồng, chúng tôi phân công nhau kiên trì động viên, chia sẻ. Có chị được giúp việc làm, có chị được mời ra sinh hoạt CLB để mở rộng tầm nhìn... Cuối cùng, những mâu thuẫn gia đình được hóa giải nhẹ nhàng, các chị tìm lại cân bằng trong cuộc sống và hạnh phúc với cháu con”.

Không chỉ can thiệp vào những vấn đề thuộc về bạo lực gia đình, các CLB còn đấu tranh trực diện với tội phạm, gõ cửa từng nhà để vận động hội viên, phụ nữ cam kết phòng, chống tệ nạn xã hội. Tại Q.Bình Thạnh, mô hình “CLB gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội” thu hút 683 gia đình và 1.759 thành viên. Từ mô hình này, quận đã tổ chức 236 chuyên đề như “Ma túy - hiểm họa của mọi người, mọi nhà”, “Vai trò của hội viên phụ nữ trong công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy”, “Chung tay phòng, chống ma túy vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà”, “Tự phòng, tự quản phòng, chống trộm”, “Vai trò của cán bộ, hội viên phụ nữ trong công tác tuyên truyền phòng, chống mại dâm”; thực hiện mô hình “hai kèm một”, chi tổ hội an toàn thực hiện “bốn không với ma túy”...

Bác sĩ Ngô Thị Ánh Đông - Trung tâm Tham vấn và Hỗ trợ cộng đồng Q.Bình Thạnh - cho biết nhờ hệ thống chân rết từ các CLB Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội mà ở các khu phố có thanh niên cai nghiện hay vi phạm luật pháp trở về hòa nhập cộng đồng, luôn được “đón nhận”. Ban chủ nhiệm các CLB phân công nhau tiếp cận, chia sẻ, tìm cách giới thiệu việc làm, trợ vốn cho người mẹ trong gia đình, giúp các bạn trẻ học nghề, tìm lối vào đời trở lại. Nhờ vậy, những thanh niên từng vi phạm pháp luật của các khu phố vượt qua cám dỗ, trở về với cuộc sống bình thường hằng ngày. Từ việc truyền thông bền bỉ của Hội, phối hợp sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và công an mà nhiều vụ mua bán, tàng trữ các chất ma túy đã bị triệt phá; nhiều thanh thiếu niên sa vào tệ nạn cũng được cảm hóa, hoàn lương; nhiều “điểm đen” tệ nạn trên địa bàn Q.Bình Thạnh như khu Sở Thùng (P.11), chân cầu Hoàng Hoa Thám (P.3), ngã ba bụi đời Bùi Đình Túy (P.12)… dần được chuyển hóa để bình yên trở lại.
 

Các thành viên câu lạc bộ Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội tại Q.Bình Thạnh đăng ký “đồng hành chung tay bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy”
Các thành viên câu lạc bộ Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội tại Q.Bình Thạnh đăng ký “đồng hành chung tay bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy”

Hơn tám năm qua, CLB Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội ngày càng khẳng định rõ vai trò của mình trong việc góp phần bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn dân cư, được nhiều người dân tin cậy, nhiều gia đình tham gia. Ở các phường đông dân cư đã có đến hai CLB được thành lập. Nhiều địa phương như ở Q.1, Q.3, Q.5, Q.8… 100% CLB có cơ cấu thành viên ban chủ nhiệm là công an. Tại các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… các CLB Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội còn gắn chặt hoạt động với các mô hình khác như mô hình CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc, CLB Nữ chủ nhà trọ… để nội dung sinh hoạt không bị trùng lắp, giúp bổ trợ cho nhau trong bảo vệ giềng mối gia đình. Cũng nhờ có mô hình các CLB, trong đó có CLB Phòng, chống tệ nạn xã hội được xây dựng ở xã, phường, thị trấn mà cuộc vận động “Gia đình năm không, ba sạch” (năm không gồm: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; ba sạch gồm: sạch nhà, sạch ngõ, sạch môi trường) ngày càng được thực hiện có kết quả. Riêng tại TP.HCM, hằng năm có 100% chi hội đăng ký thực hiện. Tính đến năm 2020, có 1.635/2.030 chi hội thực hiện đạt, đạt tỷ lệ 80,54%, vượt kế hoạch đề ra là 50%.

Nhận định về việc triển khai thực hiện chủ đề năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em 2020 trên địa bàn TP.HCM, bà Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - từng khẳng định: “Có thể nói, CLB Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội chính là mô hình tiêu biểu trong thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 bên cạnh các hoạt động truyền thông. Mô hình cho thấy việc phòng, chống tội phạm không chỉ là việc của lực lượng công an mà còn phải dựa vào gia đình và cộng đồng. Hiệu quả của mô hình còn góp phần giúp việc lan tỏa, đẩy mạnh cuộc vận động “Gia đình năm không, ba sạch”, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 

Châu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI