Phim truyền hình có đang “trọng nam khinh nữ”?

16/03/2023 - 06:05

PNO - Trong các bộ phim truyền hình, tất nhiên luôn phải có tuyến chính diện và phản diện. Có điều, tuyến phản diện là các nhân vật nữ thường được khắc họa khó ưa một cách quá lố.

Một trong những lý do khiến phim Đừng nói khi yêu gây tranh cãi là xây dựng các nhân vật nữ rất khó ưa. Nữ chính Ly tính tình bồng bột, đỏng đảnh, vô tư đến vô duyên. Nữ phụ Linh - em gái Quy - vô công rỗi nghề nhưng ăn chơi đua đòi, tính tình đanh đá, bộp chộp. Một nhân vật nữ phụ khác là Trang - bạn Linh - bề ngoài tỏ ra dịu dàng, tử tế nhưng bên trong âm thầm thuê giang hồ dàn cảnh để vu oan cho Ly. 

Nhân vật nữ dạng hiền lành cam chịu như Son trong Dưới bóng cây  hạnh phúc (ảnh trên) hay đỏng đảnh trẻ con như Ly trong Đừng nói khi yêu đều gây khó chịu người xem
Nhân vật nữ dạng hiền lành cam chịu như Son trong Dưới bóng cây hạnh phúc (ảnh trên) hay đỏng đảnh trẻ con như Ly trong Đừng nói khi yêu đều gây khó chịu người xem

Trong phim Đừng làm mẹ cáu kết thúc cách đây chưa lâu, nữ phụ Mai Anh vì ganh tị với tình cảm của nam chính Quân dành cho nữ chính Hạnh nên luôn tìm cách để Quân hiểu lầm Hạnh là cô gái hư hỏng. Nữ phụ Tuyết trong phim Dưới bóng cây hạnh phúc gây khó chịu vì tính tình sĩ diện, thích khoe mẽ, lười biếng, lừa gạt tiền anh chị chồng, xem thường chị dâu.

Dạng những nhân vật xấu tính, độc hại như trên làm người xem ức chế không có gì khó hiểu, nhưng kể cả những vai nữ tuyến chính, là người tốt thì cách xây dựng nhân vật cũng khiến khán giả bực mình vì hiền lành đến cam chịu hoặc hoàn hảo quá mức.

Son trong Dưới bóng cây hạnh phúc hay Phương trong Hành trình công lý, Giang trong Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ là những điển hình. Son sống với đại gia đình chồng phải làm mọi việc trong nhà nhưng vẫn bị chồng và mọi người coi thường. Cô bị cha chồng xét nét, đổ tội oan, bị em dâu bắt nạt, bị chồng chì chiết mạt sát. Nhiều bi kịch cứ ập đến cho Son theo kiểu đạo diễn, biên kịch đã “làm quá”, chẳng hạn Son bị chồng tát vì chưa kịp đính chính với nhà chồng chuyện mình không bị ung thư như nghi ngờ của bác sĩ. Hoặc Son lỡ say rượu liền bị cả gia đình chồng “tổng sỉ vả”, cha chồng đòi trả về nhà mẹ đẻ.

Trailer Đừng làm mẹ cáu:

 

Giang trong Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ được xây dựng với hình tượng một người vợ, người mẹ kế bao dung, hoàn hảo tới mức khó hiểu, phi thực tế. Phương trong Hành trình công lý được xây dựng theo kiểu “hào quang nữ chính”. Nghiệp vụ non kém nhưng được tung hô là luật sư giỏi, việc gì khó cũng đến tay. 

Trong khi các nhân vật nữ được mô tả ở khía cạnh tốt tính hay xấu nết đều theo hướng làm người xem thấy ác cảm thì hầu hết các nhân vật nam, nhất là vai chính, được biên kịch ưu ái hơn. Hình ảnh của họ thường chiếm thiện cảm bởi sự lịch lãm, hiền lành, tốt tính. Như Quy trong Đừng nói khi yêu, Quân trong Đừng làm mẹ cáu là những quý ông giàu có, giỏi giang, hành xử lịch thiệp. Nam phụ Duy trong Thương ngày nắng về là cậu ấm nhưng tính cách hiền lành, hòa đồng, không kênh kiệu, chịu làm việc chứ không ăn chơi “phá gia chi tử”.

Nam phụ Hùng trong Hành trình công lý là người chồng hiếm có khó tìm, vừa có đức vừa có tài. Kể cả một số nhân vật nam được miêu tả như “trai hư” như Hoàng trong Hành trình công lý từng mắc lỗi ngoại tình hay Tuấn Khang trong Anh có phải đàn ông không ăn chơi, sát gái thì cách khắc họa cũng không lố đến mức gây tranh cãi. 

Phim truyền hình cần những yếu tố kịch tính để giữ chân khán giả dài ngày. Một trong những cách đó là xây dựng nhiều tình tiết kịch tính xoay quanh nhân vật. Nhưng những phim đã và đang phát sóng đang cho người xem cảm giác đạo diễn, biên kịch đang thiếu công bằng, “trọng nam khinh nữ” khi xây dựng hình ảnh phụ nữ xấu xí, gây ức chế nhiều hơn nhân vật nam. 

Nguyễn Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI