Phép thử của niềm tin

12/08/2019 - 17:00

PNO - Với phương pháp tái hiện lịch sử bằng kỹ thuật hiện đại, bộ phim Những cánh én đầu tiên đã làm tròn nhiệm vụ kết nối những khán giả sống trong thời đại công nghệ gần hơn với lịch sử..

“Đánh Mỹ rất khó. Mình đánh với kẻ sừng sỏ thế giới phải hy sinh và tổn thất nhiều” - lời mở đầu của trung tướng Trần Hanh - một trong những phi công đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ ở thời chiến - trong phim Những cánh én đầu tiên (đạo diễn Lê Nguyên Bảo, xưởng phim Én bạc sản xuất, khởi chiếu ngày 9/8) giúp người xem hình dung phần nào những gì sắp diễn ra trên màn ảnh. Nhưng phải đến sau khi xem hơn 40 phút phim, người ta mới cảm nhận được hết “sức nặng” của câu nói trên cùng lời đúc kết của ông: “Chiến tranh phải thế, phải có hy sinh mới thắng được”.

Phep thu cua niem tin
Những cánh én đầu tiên áp dụng cách làm phim hiện đại - kết hợp phong cách tài liệu với kỹ xảo và diễn xuất minh họa

Việt Nam đã có rất nhiều tác phẩm âm nhạc, văn chương, điện ảnh, truyền hình… ca ngợi những trận đánh oanh liệt của quân và dân ta, tôn vinh những anh hùng, nhưng nhờ Những cánh én đầu tiên, khán giả mới biết thêm về một lực lượng mà màn ảnh hiếm khi đề cập: không quân Việt Nam.

Trước khi xem phim, liệu có bao nhiêu người trẻ biết những người lính năm xưa đã bước vào cuộc không chiến đầu tiên với Mỹ với tương quan lực lượng quá chênh lệch: thể hình nhỏ, trình độ văn hóa thấp, kinh nghiệm bay chỉ 200 - 400 giờ, phương tiện chiến đấu chỉ có 30 chiếc Mig 17 cổ lỗ sĩ trong khi phi công đối phương từng tham gia thế chiến I, thế chiến II, chiến tranh Triều Tiên với trung bình hơn 2.000-3.000 giờ bay/người, sử dụng hàng ngàn máy bay hiện đại?

Liệu có bao nhiêu người biết đến những cái tên Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm - 4 phi công đã làm nên chiến thắng trên không ngày 4/4/1965 ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) năm xưa?

Dù có biết, điều đó vẫn không thể so với việc ngồi trước màn hình, nghe lời kể của người trong cuộc và nhận định từ những người am hiểu như cựu phi công, sử gia; xem những thước phim minh họa cuộc chiến bằng hình ảnh infographic kết hợp kỹ xảo và diễn xuất - một phương cách làm phim tài liệu của thời công nghệ. Kỹ xảo hành động trong Những cánh én đầu tiên chẳng là gì nếu so với Fast & Furious: Hobbs & Shaw - bộ phim Hollywood đang “tung hoành” phòng vé Việt trong cùng thời điểm, nhưng cảm xúc ở tác phẩm tài liệu này hơn hẳn bom tấn kia, mà đối với khán giả, cảm xúc đôi khi lại quan trọng hơn cả nội dung hay, dở.

Trailer Những cánh én đầu tiên:

Dù có biết, điều đó vẫn không thể so với việc ngồi trước màn hình, nghe lời kể của người trong cuộc và nhận định từ những người am hiểu như cựu phi công, sử gia; xem những thước phim minh họa cuộc chiến bằng hình ảnh infographic kết hợp kỹ xảo và diễn xuất - một phương cách làm phim tài liệu của thời công nghệ. 

Xem để nhận ra, anh hùng chẳng cần đến sức mạnh cơ bắp như phim ảnh Hollywood mô tả mà có thể là những người bình thường mang trong mình trái tim biết hy sinh vì quê hương, người thân, đồng đội. Đoạn nhân vật Trần Hanh ở phần minh họa điện ảnh reo lên: “Cháy rồi” và gọi “số 2, số 2 ở đâu?” nhưng chẳng có ai đáp lại lời anh, cả khán phòng như lặng đi. Nghe tâm sự của trung tướng Trần Hanh - người duy nhất sống sót trong trận không chiến ngày 4/4/1965 - nước mắt người xem chực rớt: “Anh em hỏi tôi sao bắn rơi máy bay địch mà vẫn buồn. Tôi trả lời vì tôi nhớ đồng đội, 4 máy bay cất cánh mà 3 đồng chí đã không về”.

Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm ra đi khi tuổi đời mới ngoài 30, để lại bao tiếc thương cho người ở lại. “Phạm Giấy quê Quảng Bình, được anh em gọi như người chị của phi đội, vì nó khéo léo tay chân, quần áo rách đều khâu vá được hết. Lê Minh Huân người Quảng Xương, Thanh Hóa tính tình linh hoạt, chiến đấu giỏi. Trần Nguyên Năm là người con của Nghệ An, còn trẻ, lúc về nước, kinh nghiệm bay chưa rành, nhưng sau đó được kèm cặp nên bay rất tốt, chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ” - trung tướng Trần Hanh kể.

Họ, những thanh niên yêu nước, sẵn sàng nhận mệnh lệnh mà Đảng và Nhà nước đặt ra khi đưa đội bay 60 người sang nước ngoài học tập hồi năm 1956, trước khi về nước chiến đấu. “Mọi người vì một người, một người vì mọi người”. Tinh thần quyết tâm đó là hành trang duy nhất để những phi công trẻ năm xưa bước vào cuộc chiến mà so về hầu hết mọi mặt, họ đều thua sút kẻ thù.

Phep thu cua niem tin
Phim trường, thiết bị, đạo cụ, diễn viên theo kiểu “cây nhà lá vườn” của đoàn phim Những cánh én đầu tiên

Phép thử của niềm tin đã cho ra kết quả chính xác: ngay trận đánh đầu tiên, không quân Việt Nam đã bắn rơi máy bay địch, phá vỡ âm mưu của địch định đánh sập cầu Hàm Rồng. Phi công Trần Hanh trở thành người duy nhất trên thế giới tránh được tên lửa rắn đuôi kêu của Mỹ - vũ khí có độ chính xác được đánh giá cực cao.

Hoàn cảnh tạo nên con người, lịch sử tạo nên những anh hùng và với phương pháp tái hiện lịch sử bằng kỹ thuật hiện đại, bộ phim Những cánh én đầu tiên đã làm tròn nhiệm vụ kết nối những khán giả sống trong thời đại công nghệ gần hơn với lịch sử theo cách như vậy.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI