Phát triển dịch vụ, đào tạo nghề cho lao động nữ

06/03/2024 - 05:57

PNO - Rất nhiều lĩnh vực dịch vụ hiện nay cần nhân công thạo việc nhưng chúng ta thiếu rất nhiều, như chăm sóc người lớn tuổi, người bệnh...

Trước bất cứ một biến cố chính trị, xã hội nào trên bình diện nhân loại hay quốc gia như chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, phụ nữ bao giờ cũng là giới gánh chịu thiệt thòi nhất, đặc biệt là phụ nữ ở độ tuổi trung niên. Đó là độ tuổi mà họ phải gánh vác việc chồng, con và gia đình 2 bên. 

Cả nhân loại phải đối mặt cùng lúc với 2 thách thức là khủng hoảng kinh tế toàn cầu và chuyển đổi xã hội lên cấp độ cao hơn. Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, mọi người giảm tiêu dùng, các nước đang phát triển không còn nhận được đơn đặt hàng từ các nước phát triển. Nhiều công ty ở TPHCM không có nhiều việc làm, buộc phải cho công nhân nghỉ việc. 

Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm liên kết vùng giữa TPHCM với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày 24/11 - Ảnh: Tú Ngân
Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm liên kết vùng giữa TPHCM với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày 24/11 - Ảnh: Tú Ngân

Thành tựu của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa cũng khiến các công ty không cần nhiều nhân lực nữa, cần cắt giảm nhân công. Đối tượng bị giảm giờ làm, giảm lương hoặc cần cho nghỉ việc mà các ông chủ nhắm tới đầu tiên là phụ nữ từ 40 tuổi trở lên bởi sức lực họ đã bị bào mòn rất nhiều sau 20 năm đứng máy, trong khi ở ngoài cửa nhà máy lúc nào cũng có một đội quân trẻ, khỏe chờ chực. 

Tiếng là công nhân nhà máy may, nhưng kỳ thực, các chị quanh năm suốt tháng chỉ làm có mỗi việc là ủi áo, may cổ áo chứ không tự mình làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Khi tuổi đã đứng, sức khỏe đã vơi, tay nghề không có (nếu có thì chỉ là lao động giản đơn), không có kỹ năng, kỹ thuật ở mức trung bình trở lên, nếu bị mất việc, các chị xoay xở vô cùng khó khăn. 

Cấu trúc nền kinh tế ngày càng có xu hướng giảm lao động phổ thông. Ở nông thôn, người ta cũng đã cơ giới hóa, tin học hóa trong sản xuất nên không cần nhiều nhân lực. Ở các khu công nghiệp, giảm dần lao động phổ thông là xu hướng tất yếu. 

Để tìm lối ra cho lao động nữ trung niên, cần có nhóm giải pháp tổng hợp trả lời 4 câu hỏi: thứ nhất là cần tái cấu trúc nền kinh tế như thế nào để tạo ra những khoang rỗng chứa được nhiều lao động phổ thông; thứ hai là họ cần được đào tạo lại như thế nào để có thể tự mình mưu sinh trong bối cảnh mới; thứ ba là sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách và sự chung sức của các nguồn lực xã hội và cuối cùng là sự nỗ lực vươn lên của chính lao động nữ. 

Chính vì thế, lúc này, rất cần những giải pháp từ tầm vĩ mô. Trước hết, trong cơ cấu kinh tế của một quốc gia, chỉ có khu vực dịch vụ là chứa được nhiều lao động nhất. Ngày nay, dịch vụ đã lan rộng đến nông thôn thay thế cho nền kinh tế, xã hội tự cung tự cấp. Rất nhiều lĩnh vực dịch vụ hiện nay cần nhân công thạo việc nhưng chúng ta thiếu rất nhiều, như chăm sóc người lớn tuổi, người bệnh, chăm sóc trẻ em, phục vụ gia đình, chăm sóc thú cưng, chăm sóc và nuôi dưỡng cây xanh, tham gia vào chuỗi bán hàng online, nấu ăn theo cho từng gia đình… 

Ở Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu, nguồn nhân lực dư thừa được tái phân bổ chủ yếu vào các khâu dịch vụ. Mới đây nhất, hãng tin Kyodo của Nhật Bản đăng tin, Nhật Bản cần khoảng hơn 100.000 điều dưỡng viên người nước ngoài làm việc trong các trung tâm dưỡng lão. Nhưng muốn làm được những công việc đó, cần tái đào tạo trong các trường dạy nghề chuyên nghiệp. Các trường dạy nghề của chúng ta nhiều nhưng chương trình đào tạo không sát với thực tiễn. 

Trong việc đào tạo lại nghề, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cần có sự chung tay của các đoàn thể, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp tư nhân và cả các tổ chức tôn giáo, tổ chức phi chính phủ. Tất nhiên, việc này còn phụ thuộc vào ý chí vươn lên, quyết tâm tìm con đường mưu sinh của mỗi phụ nữ. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI