Ở đó, cơm có thịt là… xa xỉ

10/10/2013 - 18:10

PNO - PN - Nắng chiều vương vài vạt hiếm hoi sau cánh rừng. Những đứa trẻ vội bày cơm ra ăn. Mâm cơm là… nền đất. Một nồi cơm. Một nồi canh rau rừng. Chén đâu? “Dạ, tụi cháu không có chén, bố mẹ không có tiền mua”.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Hồ Thị Lương, lớp 8, nói. Hai đứa cầm hai nắp vung xới cơm vào ăn ngon lành. Bữa ăn loáng nhanh. Nhanh như tụi nhỏ leo dốc, băng rừng. Các em phải ăn nhanh để kịp nhường chén đũa, nắp nồi cho những em khác. Lớp 6, 7 ăn trước, lớp 8, 9 ăn sau. Nhanh, nếu không sẽ ăn trong bóng tối. “Nước mắm à? - một thầy giáo cười buồn - ở đây nước mắm là xa xỉ, còn muối thì đã được hòa vào trong nồi canh rồi”. Ở nhóm bên kia, có chén đũa và chén nước muối. Bóng tối đổ sầm như trêu ngươi trên gương mặt những đứa trẻ.

O do, com co thit la… xa xi

Bữa cơm của học sinh THCS Trà Thọ

Trường THCS Trà Thọ, huyện Tây Trà này, là trường nghèo nhất của huyện nghèo nhất tỉnh Quảng Ngãi. “Được ăn no là quý lắm rồi”, giọng một cô giáo vang lên, chát như muối. Câu nói này, hôm trước ở Trường tiểu học Ba Khâm, H.Ba Tơ, tôi đã từng nghe. Đầu tuần các em mang gạo, măng, vượt hơn 10 cây số đến trường học. Mưa rừng ập xuống, áo quần đầu tóc có thể phó mặc cho mưa gió, nhưng gạo thì phải bảo quản thật kỹ. Phải che chắn bằng bất kỳ cách gì đó, nếu không cả tuần sẽ đói.

“Bao nhiêu năm rồi vẫn thế mà”, cô Phan Thị Diễn, kế toán Trường tiểu học Ba Khâm thở dài. Ở trường này, chỗ ăn ở của thầy cô không hơn gì học sinh. Phòng ăn cũng là phòng ngủ của giáo viên. Áo quần sách vở một góc. Góc kia là củi, bếp khói mịt mù. Đúng trưa, tôi ăn cơm với các thầy cô. Món ăn là canh bí và đĩa thịt heo đầy mỡ. “Tôi hỏi anh nhé - thầy Dương lên tiếng - bố mẹ chúng nó quá nghèo, lấy đâu ra tiền mua cá thịt? Có cơm ăn là quý rồi”. Thầy Phạm Hổ, hiệu trưởng nói: “Thiếu sách, vở, bút thì thầy cô cho, chứ thực phẩm thì chịu”.

Tôi đến Trường THCS Ba Khâm, hỏi về chuyện ăn uống của học trò. Cô Phan Thị Thúy Oanh Kiều, Tổng phụ trách Đội của trường cho hay, thức ăn quen thuộc của các em quanh năm là muối và rau rừng; thiếu chén đũa, có đứa ăn bốc. Một giáo viên lý giải hài hước: “Ăn cơm không chén là đúng, bởi ở đây không có nước sạch, học sinh phải đi xách từng can trong suối xa, mà mạch nước suối đó nhỏ li ti, mùa mưa thì còn đỡ, mùa nắng thì khổ trần ai”. Năm học này, các em bán trú mới có giường để nằm, do tổ chức từ thiện Hoa Nhân Ái tại TP.HCM giúp, còn năm trước thì kê ván nằm dưới nền đất.

O do, com co thit la… xa xi

Các em phải tự tìm nước uống là nước suối

Những ngôi trường tôi đã đến trên những cánh rừng ở phía Tây Quảng Ngãi, bao nhiêu năm rồi, cứ vào năm học mới là thầy cô lại phập phồng, nơi vui vì xóa tranh tre, nơi còn tạm bợ thì lo mưa nắng. Chuyện ăn uống thì…

Thầy Phạm Sơn, Phó phòng GD huyện Tây Trà, hơn 25 năm giảng dạy nơi heo hút cực khổ nhất tại Quảng Ngãi, nói rằng chuyện học sinh ăn uống kham khổ là nỗi ám ảnh buốt lòng, nhưng đành chịu vì nghèo quá. Để cải thiện bữa ăn học trò, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49 ngày 14/5/2010, hỗ trợ cho các em bán trú 70.000đ/em/tháng. Thế nhưng, câu chuyện này đã và đang bùng nhùng, thậm chí hài hước đến trào nước mắt. Tiền, lẽ ra phải phát trong năm học, nhưng không, khi học sinh về nghỉ hè, tiền hỗ trợ mới có. Cha mẹ các em nhận, thế là mua này nọ, hoặc biến thành một bữa nhậu.

Trường tiểu học Ba Khâm mỗi đợt nhận khoảng 200 triệu đồng. Còn THCS Ba Khâm, tương tự, năm 2011-2012, có 135 em được nhận, 2012-2013 có 108 em được nhận, nhưng tiền đó giờ vẫn chưa có. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại các trường miền núi Quảng Ngãi, nhiều năm qua số tiền hỗ trợ vẫn chưa được cấp phát. Cụ thể: Tây Trà gần tám tỷ, Ba Tơ gần năm tỷ, Trà Bồng tám tỷ, các huyện Sơn Hà, Sơn Tây… cũng tương tự.

Chính phủ quy định ngành LĐ-TB-XH đứng ra chi trả, nhưng có nơi lại bảo đó là chuyện của ngành GD, rồi năng lực có hạn, lực lượng mỏng, địa bàn rộng, nên lập danh sách không đủ, không kịp thời, dự toán giao chậm... Nghĩa là không có ai chịu trách nhiệm trong việc này. Thầy Phạm Sơn - Phó phòng GD H.Tây Trà cười chua chát: “Học sinh được nhận 70.000đ/tháng, kể từ lúc đi học mẫu giáo, nhưng có đứa nay đã học lớp 2 mà vẫn chưa có đồng nào”.

Những tiếng lanh canh được bọn trẻ hồn nhiên dùng muỗng đánh vào nắp nồi ở Tây Trà cứ làm tôi nhớ mãi. “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Câu khẩu hiệu này thấy nhan nhản ở các trường đồng bằng. Ở vùng miền núi Quảng Ngãi, có lẽ các em vui vì không phải đi làm rẫy, nhưng cánh tay rừng sẵn sàng kéo các em trở về sống trong kiếp nghèo bởi quá mệt mỏi vì bụng cứ sùng sục sôi mà phải ôm thêm cái chữ. Tây Bắc đang có chương trình “cơm có thịt” do một người đứng ra khởi xướng và được nhiều người ủng hộ. Còn ở các địa phương miền núi Quảng Ngãi, biết đến bao giờ bữa ăn của các em có thịt, cá?

 Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI