NSƯT Thanh Lam: Từng bị khán giả đuổi “vào đi” khi thử phá cách với dân ca

31/10/2021 - 09:01

PNO - Trên sân khấu “Con đường âm nhạc” vào tối 30/10 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), ca sĩ Thanh Lam kể kỷ niệm năm 15 tuổi, chị bị khán giả “đuổi vào đi” khi thử hát phá cách với dân ca.

Khi Lam hát, bài hát trở nên khác hẳn

“Chương trình biểu diễn ấy diễn ra ở một trường đại học tại Hà Nội. Hôm đó, tôi đã chuẩn bị guitar để hát 3 bài; nhưng mới hát bài đầu tiên (Bèo dạt mây trôi) thì nghe bên dưới khán đài nói vọng to lên: “Vào đi”. Lúc đấy, tôi chẳng biết sợ là gì. Có lẽ vì bướng từ nhỏ, nên cứ hát thôi.

Tới bài thứ 2, mọi người có vẻ được hâm nóng lên một chút; tới khi hát xong bài thứ 3 thì khán giả vỗ tay”, ca sĩ Thanh Lam nhớ lại.

Thanh Lam
Ca sĩ Thanh Lam - Ảnh tư liệu

NSƯT Thanh Hương - mẹ ruột ca sĩ Thanh Lam - kể thêm về tính bướng của con gái bà. Lúc nhạc sĩ Thuận Yến còn sống, ông cũng hay góp ý về cách hát của con gái; nhưng “khó lắm, lúc nào nó cũng cãi lại”. Kể cả những sáng tác của nhạc sĩ Thuận Yến, đến Thanh Lam hát, cũng trở nên khác hẳn.

Năm 1990, lúc đó Thanh Lam đang học Trung cấp thanh nhạc ở Nhạc viện Hà Nội và có tham gia một cuộc thi hát. Nghệ sĩ Thanh Hương khuyên “nên chọn ca khúc nào thật hay, nổi tiếng, con không nghe mẹ là thất bại đấy”. Kết quả, Thanh Lam không nghe lời mẹ nên chẳng được giải gì, khiến bà “ăn” một “quả bực trong người”.

Nghe tâm sự của mẹ, NSƯT Thanh Lam nhớ về những lần tranh luận giữa chị và ba Thuận Yến. Khi ba có bài mới, ba hát “demo” với hy vọng con gái sẽ hát "sao y bản chính". Thế nhưng, Thanh Lam toàn làm ngược. Chị nhớ lại: “Có vài lần giận nhau đấy. Đến nỗi ông bực, xưng “mày - tao”. Đại ý, ông không nhờ tôi hát nữa. Ông sẽ nhờ người khác”; “Bao nhiêu người xin bài của ba, ba không cho, ba đưa cho con hát, con sửa hết bài của ba”.

Nghệ sĩ Thanh Hương kể thêm, lúc đầu, nhạc sĩ Thuận Yến không chấp nhận nhưng sau này, ông nói với bà “cách hát của nó văn minh”.

“Trong cuộc sống, điều khó nhất chính là tạo được niềm tin. Thanh Lam từng trả những cái giá rất đắt, rồi sau đó lấy được niềm tin của ba. Sau này, Lam hát ra sao, ba cũng đồng ý vì ông tin rằng, tôi có làm gì cũng dốc hết lòng vào đó”, ca sĩ Thanh Lam nhớ về người cha quá cố.

Khách mời của đêm nhạc có Trọng Tấn, Việt Hoàn, Thăng Long
Khách mời của đêm nhạc có Trọng Tấn, Việt Hoàn, Thăng Long

Lam xưa hòa trong Lam nay

Chương trình Con đường âm nhạc khởi động số thứ 2 với nhân vật chính là NSƯT Thanh Lam sau mấy tháng hoãn vì dịch COVID-19. Với thời lượng một tiếng rưỡi, Con đường âm nhạc tái hiện một cách chấm phá (chưa đầy đủ) chặng đường hoạt động nghệ thuật không ngừng nghỉ của “nữ hoàng nhạc nhẹ” Thanh Lam. Từ khi chị 13 tuổi, nổi lên như một giọng ca mới; tới năm 1987, tham dự Festival âm nhạc tại Cuba và giành giải “Giọng hát được ái mộ” nhất; rồi tới năm 1991, đoạt giải thưởng lớn tại cuộc thi Đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc lần 2 với điểm kỷ lục.

Sau đó, bắt đầu những chặng đường phiêu du mới với sức mạnh sáng tạo, tiên phong, và sự hòa quyện trong âm nhạc của Thanh Lam: tour xuyên Việt đầu tiên của không chỉ Thanh Lam mà còn tạo đà và gợi cảm hứng cho cả nhạc Việt Cho em một ngày (1997); Mây trắng bay về - album hay nhất của Thanh Lam, thể nghiệm world music với một “tinh thần đổi mới, muốn hội nhập” (lời nhạc sĩ Dương Thụ)…

Ca sĩ Thanh Lam tâm sự, ngay từ nhỏ, chị đã thử nhiều phong cách để tìm ra lối hát của riêng mình
Ca sĩ Thanh Lam tâm sự, ngay từ nhỏ, chị đã thử nhiều phong cách để tìm ra lối hát của riêng mình

Nhiều ca khúc quen thuộc gắn với giọng hát Thanh Lam một lần nữa trở lại trong đêm nhạc mang tên chị: Giọt nắng bên thềm (Thanh Tùng), Chia tay hoàng hôn, Em tôi (Thuận Yến), Này chân đất ơi (Lưu Hà An), Hồ trên núi, Không thể và có thể (Phó Đức Phương), Gọi anh (Dương Thụ), Đố tình (Quốc Trung), Người ở người về (Lê Minh Sơn)...

Ở đó, có một người đàn bà hát Thanh Lam rực lửa men say, khi cất giọng thì muốn gọi cho bằng hết trăm mối tơ vò nhân gian trong một khoảnh khắc, “cháy” hết mình trên sân khấu mà vẫn chưa một ngày ráo cạn tình tứ, lúng liếng, nồng nàn. Một Lam xưa và một Lam nay hòa trong một “cái chớp mắt” để đi tìm mình.

Dĩ nhiên, khi người đàn bà hát ấy cất giọng, không điều gì có thể “nuốt chửng” được. Nhưng vẫn hơi tiếc cho một sân khấu rối rắm, nhiều màu và không cần thiết; vì giọng hát ấy có lẽ đang ở thời kỳ “tĩnh” nhất dưới những con sóng trào hiện diện.

D.Nguyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI