Những vũ khí của nữ doanh nhân trong cuộc chiến “bình thường mới”

21/10/2021 - 00:48

PNO - Tại buổi toạ đàm “Nữ doanh nhân trong cuộc chiến “bình thường mới” do Trung tâm Báo chí TPHCM phối hợp với Hội LHPN TPHCM tổ chức, nhiều nữ doanh nhân đã rơi nước mắt khi nhắc lại khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong giai đoạn dịch COVID-19. Nhưng cũng có những giọt nước mắt của niềm tự hào vì sự kiên cường, đồng lòng vượt qua khó khăn, cả niềm hạnh phúc vì TPHCM vượt qua cơn bĩ cực để bước vào thời kỳ “bình thường mới”.

Tọa đàm: Nữ doanh nhân trong thích ứng điều kiện bình thường mới
Tọa đàm: Nữ doanh nhân trong "thích ứng điều kiện bình thường mới" tối 20/10

Những nữ doanh nhân tham gia tuyến đầu chống dịch 

Bà Cao Thị Ngọc Dung - Phó chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TPHCM chia sẻ, ngay từ đầu năm 2020, Hội đã chuẩn bị tinh thần cho hội viên của mình bằng các diễn đàn chương trình, xây dựng kịch bản ứng phó với phương châm doanh nghiệp (DN) "khoẻ mạnh" thì mới hỗ trợ được cho cộng đồng. Hội đã huy động trên 67.000 tỉ đồng để thực hiện hàng loạt chương trình như ủng hộ quỹ vắc xin,  “siêu thị 0 đồng”. Giúp đỡ khoảng 100.000 hộ gia đình; tổ chức “1 triệu bữa ăn cho người lao động”… 

Tuy nhiên, có không ít khó khăn mà những người tham gia thương trường nhiều năm cũng không thể lường trước. Bà Dung kể, do chuỗi cung ứng đứt gãy, dù có tiền cũng khó mua trang thiết bị. Dịch bệnh xảy ra vào tháng 8 nhưng có nơi thông báo đến cuối 9 mới có hàng.

“Tôi đã khóc ba lần vì thấy làm từ thiện sao mà khó quá. Lần thứ nhất là huy động được tiền để triển khai “siêu thị 0 đồng” nhưng không thể mua trứng, sữa. Lần thứ hai khi triển khai Chỉ thị 16, thành phố bắt buộc phải ngưng các hoạt động này, có tiền mà không trao được cho người đang cần. Lần thứ ba là đến Chỉ thị 16+, công ty huy động 1.000 nhân viên xuống địa phương hỗ trợ các khu phong toả nhưng lại không có xe chở đi, phải xin giấy tờ khắp nơi. Nhưng sau đó chúng tôi vẫn cố gắng tìm cách để các chương trình này hoạt động vì hiểu rằng nếu để người dân đói thì họ sẽ tìm cách ra đường mưu sinh, công tác phòng chống dịch sẽ như “muối bỏ bể” - bà Cao Ngọc Dung nói.

Đồng cảm, bà Nhan Húc Quân, Tổng giám đốc công ty TNHH bao bì giấy nhôm New Toyo cho biết, bản thân cũng phải xách vali vào công ty để sản xuất “3 tại chỗ”. Khi DN xuất hiện ca F0, bà rất hoảng loạn, không biết nên tiếp tục hay ngưng. Cuối cùng, vì nghĩ đến đời sống người lao động, nếu dừng thì đứt gãy chuỗi cung ứng, DN quyết định hoạt động tiếp. Khu vực DN hoạt động là vùng đỏ, bị ngưng cung cấp thực phẩm. Ngày nào bà cũng tự đi siêu thị mua thực phẩm cho công nhân. Công ty có đến 43 ca F0, nhiều nhân viên các lĩnh vực khác cũng xắn tay xuống nhà máy sản xuất để đảm bảo nguồn hàng cho khách.

"Thời gian đó rất nhiều căng thẳng, nước mắt, mồ hôi. Có 3 hình ảnh mà tôi không quên được là lực lượng y, bác sĩ trong các bộ đồ kín mít, làm việc cường độ kinh khủng; các chú đi trao hài cốt cho các gia đình có người thân không may mắn mất do dịch và hình ảnh thứ ba là của các doanh nhân. Trong đại dịch khó khăn, từ các đại gia tới doanh nghiệp nhỏ đều rất hào phóng, nhiệt tình, lập kế hoạch để kịp thời đem đến cho người dân và xã hội từ vắc xin, máy thở, khẩu trang, đến cái nhỏ nhất là từng ký gạo, suất ăn” - bà Quân nhớ lại.

Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TPHCM, chỉ số sản xuất công nghiệp của TPHCM giảm trên 12,7%, mức thấp nhất trong hơn 10 năm. Ngành lương thực vẫn sản xuất trong suốt mùa dịch nhưng sụt giảm khoảng 8%. Vừa thiếu nguyên liệu, vừa thiếu công nhân, nhà máy có F0, muôn vàn khó khăn nhưng tất cả DN đều vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất vì Hội hiểu rằng người dân chưa chết vì dịch nhưng sẽ chết vì đói nếu thiếu lương thực. Thành công hiện nay là tất cả DN đều bán huề vốn, chấp nhận lỗ để không tăng giá. Chưa bao giờ, tất cả đoàn kết đồng lòng như vừa rồi và phải nhờ sự nỗ lực cực lớn của nhiều DN thì tình hình mới tạm ổn như thế này.

Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội Liệp hiệp Phụ Nữ TPHCM cho biết, rất nhiều phong trào được Hội phát động sẽ không thể thành công nếu thiếu sự giúp sức của các Mạnh Thường Quân, đặc biệt là các doanh nhân. Như chương trình “Triệu phần quà san sẻ” cung cấp suất ăn, nước, chiếu gối cho các bệnh viện, các khu dân cư; chương trình “Đồng hành vượt cạn” được các DN tài trợ 5 tỷ đồng, dự kiến trao 1.000 suất cho mẹ bầu (trị giá 3 triệu đồng/suất), nhưng hiện đã lên con số 2.000 suất; chương trình “Vòng tay yêu thương” cùng với DN chăm sóc nuôi dưỡng đỡ đầu 1.200 bé mồ côi cha mẹ đến khi các bé 18 tuổi…

Cũng nhờ các DN, Hội đã vận động 3.000 chủ nhà trọ giảm tiền thuê 25.000 phòng trọ, tổng số tiền giảm gần 20 tỉ đồng; vận động các tình nguyện viên vào chăm sóc trẻ sơ sinh có cha mẹ mắc COVID-19 tại bệnh viện Hùng Vương; giảm giá 50% các sản phẩm sữa, trứng… “Thời gian qua, ngoài hình ảnh bộ đội, bác sĩ, vai trò của nữ doanh nhân rất lớn góp phần sức cho công tác chống dịch của thành phố” - bà Phương Hoa nói.

Không kìm được nước mắt, bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM cho biết, đối với những nhà báo, nhìn những tổn thất của TPHCM bằng lý trí thì đó là số người tử vong, số trẻ em mồ côi, mức tăng trưởng kinh tế sụt giảm nghiêm trọng, hàng triệu người giảm thu nhập... Nếu nhìn bằng trái tim thì đó là những giọt nước mắt khi chứng kiến cảnh những đứa trẻ mồ côi cha mẹ.

Bà Lý Việt Trung bày tỏ lòng ngưỡng mộ tinh thần thiện nguyện của người dân thành phố, trong đó có vai trò của phụ nữ, các nữ doanh nhân. Vào thời điểm đó, chúng ta thấy tất cả những ai đủ sức chống chịu với dịch bệnh đều lao ra đường làm thiện nguyện, song song đó là hình ảnh của các anh chị cán bộ chính quyền đoàn thể, mặt trận các cấp mang các gói an sinh đến cho bà con. Hình ảnh này xuất hiện khắp nơi, ở mỗi góc phố, con hẻm, nhiều người mang thức ăn, thực phẩm, thuốc men, tiền bạc cho bà con khó khăn. Cán bộ Hội phụ nữ có 50 chị nằm xuống, nhiều người gác công việc gia đình sang một bên, dành sức chăm lo cho bà con. Trong những ngày khó khăn đó, an ủi chúng ta nhiều nhất là tinh thần thiện nguyện, đồng bào đã phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”. Các doanh nhân còn khó khăn hơn khi sản xuất đình trệ, những vẫn quyết tâm hỗ trợ, đó là phiên chợ 0 đồng, những chương trình hỗ trợ cho người nghèo.

“Ngày thường, các nữ doanh nhân áo dài, áo vest nhưng thời gian vừa qua ai nấy đều xắn quần ống thấp ống cao, đầu bù tóc rối để trao những phần cơm, để giúp bà con. Có nhiều người hỏi lý do vì sao chị em phụ nữ  mình kiên cường như vậy, tôi xin mượn lời chị Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, câu trả lời chính là tình yêu thương đã giúp cho chị em phụ nữ kiên cường, dũng cảm vượt qua đại dịch này” - bà Lý Việt Trung chia sẻ.

Các doanh nghiệp vẫn linh hoạt thích ứng để đảm bảo sản xuất, chăm lo đời sống người lao động
Các doanh nghiệp vẫn linh hoạt thích ứng để đảm bảo sản xuất, chăm lo đời sống người lao động

DN sẽ biến nguy thành cơ 

Bà Trần Thị Phương Hoa tin tưởng các nữ doanh nhân sẽ là thuyền trưởng, dù khó khăn sẽ không nản, không ngại tìm cách xử lý vì sau lưng họ là hàng chục ngàn công nhân, người thân công nhân. Bà tin tưởng các nữ doanh nhân sẽ thích ứng với điều kiện mới và hơn hết, với tình yêu thương của các DN đối với cộng đồng thì chắc chắn cộng đồng sẽ hết lòng hỗ trợ lại, biến nguy nan thành cơ hội. Bằng chứng là đã có nhiều nữ doanh nhân ra nước ngoài, tìm được các hợp đồng hàng triệu USD.

Bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết, đại dịch giúp DN thấy rằng nếu có sự chuẩn bị kế hoạch, kịch bản thì sẽ bình tĩnh vượt qua nhẹ nhàng. Còn ngược lại nếu không giải quyết được khó khăn, mất bình tĩnh thì sẽ rất rối, bởi đợt dịch lần này trôi qua sẽ có thể thêm đợt 5, đợt 6. Khó khăn sẽ hiện hữu trước mắt nên DN cần chủ động, phân định, sắp xếp. Trước đây chúng ta thấy vốn bằng tiền là quan trọng nhưng nay vốn lao động, vốn quan hệ xã hội là quan trọng nhất, có xây dựng lâu dài vốn này thì DN mới bền vững. Qua đại dịch, người ta quan tâm con người hơn vì đây là yếu tố quyết định sự tồn tại của DN và nền kinh tế, nếu ai chưa quan tâm thì phải có sự chuẩn bị và đảm bảo đời sống cho người lao động.

“Thuận lợi của lãnh đạo nữ là sự quan tâm đối với công nhân, gắn bó với lao động đậm đà hơn. Hiện người lao động đang rất khủng hoảng tinh thần, phải làm sao xây dựng cho họ có thân khoẻ mạnh, tâm an lạc, trí vững vàng thông qua nhiều chương trình để tạo nền tảng lâu dài cho những khó khăn sắp tới” - bà Cao Thị Ngọc Dung đề nghị.

Bà Nhan Húc Quân nói, DN của bà cũng đã lập kế hoạch duy trì sản xuất ổn định, đồng thời đã có kịch bản khác chuẩn bị cho những phát sinh sắp tới. Bà cũng cho rằng, trong các yếu tố bà lập ra như con người, quy trình, lợi nhuận, mối quan hệ xã hội thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất.

Bà Lý Kim Chi cũng thông báo tin mừng là nhờ được sự quan tâm của chính quyền thành phố, hiện công nhân đang quay trở lại các nhà máy. Nhiều doanh nghiệp thực phẩm đã khôi phục sản xuất đến 80% và có thể đạt được 100% trong thời gian ngắn sắp tới.

Bà Lý Việt Trung cam kết sẽ phản ánh những vướng mắc của các DN trên các mặt báo vì đây là kênh truyền đạt thông tin, tiếng nói của chị em. "Thời gian qua, chủ đề xuyên suốt của báo là bảo vệ gia đình trong đại dịch bởi các anh chị lo việc lớn, chúng tôi muốn đồng hành cùng các anh chị bảo vệ gia đình. Các anh chị đã nỗ lực gấp ba lần so với chúng tôi, nhưng nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình sẽ rất khó khăn. Chúng tôi giúp anh chị bảo vệ gia đình để anh chị yên tâm lao động, sản xuất. Nếu dịch được kiểm soát tốt hơn, chúng tôi mong muốn Chính phủ và chính quyền TPHCM trao tặng anh hùng lao động vì các anh chị đã làm gấp năm gấp mười trong suốt mùa dịch và góp phần khôi phục kinh tế''.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI