Những thiên thần trong lớp học Hạnh phúc

06/07/2020 - 07:08

PNO - Ở đó không có bảng đen, phấn trắng; cô giáo không đứng trên bục giảng, trò không “đóng khung” trên bàn ghế. Ở đó, có rất nhiều vòng tay ôm…

Nhìn những cái đầu rụng tóc vì xạ trị lúi húi tập vẽ, tô màu, nhìn những cánh tay non run run cầm bút khi kim truyền vẫn đang cố định dưới lớp gạc dày… chúng tôi nhận ra, hạnh phúc hiện hữu trong những điều bình dị. Và để những đứa trẻ ấy được vui chơi, học hành như bao bạn bè cùng trang lứa, thực sự là dấu cộng nỗ lực của cả cộng đồng, gia đình, và chính những thiên thần đang giành giật sự sống với các chứng bệnh ung thư.

Yêu thương luôn đầy ắp ở lớp học Hạnh phúc
Yêu thương luôn đầy ắp ở lớp học Hạnh phúc

Giữa mùi thuốc sát trùng và sắc trắng đặc trưng của bệnh viện, gian phòng của lớp học Hạnh phúc nằm ở tầng ba thuộc Khoa Nhi - Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (H.Thanh Trì, TP.Hà Nội) là một không gian hoàn toàn khác: những bức tranh tường vui tươi như mọi trường, lớp mầm non khắp mọi miền đất nước; trong lớp có sách giáo khoa, vở tô màu, truyện tranh dành cho thiếu nhi, đàn organ, bút vẽ… Đến giờ học, bọn trẻ ào vào lớp như bầy sẻ nhỏ sà xuống vuông sân đầy nắng. Da dẻ đứa nào cũng tái tái, xanh xao vì bệnh tật và hóa chất, nhưng ánh mắt vẫn trong veo, nụ cười tươi và hồn nhiên hết cỡ.Bầy sẻ nhỏ giữa bệnh viện

Hoàng Văn M. không tự đến phòng học được. Anh Hoàng Văn B. một tay bế con, một tay vác theo cột truyền cùng vào lớp. Trên đầu đứa trẻ bảy tuổi lún phún tóc, gương mặt tròn, hai má phúng phính. Lúc anh B. bế M. vào lớp, nhìn cháu có vẻ yếu, nét mặt cũng không được vui. Thế mà vừa chậm chạp ngồi xuống bàn học cùng cô giáo và các bạn, đôi mắt cháu đã lấp lánh như sao, nụ cười thì chao ơi là rạng rỡ! Tay phải vẫn đang truyền nước, M. cầm cọ bằng tay trái, cùng cô giáo vẽ những bông hoa bồ công anh trắng muốt trên thảm cỏ xanh.

Bé Ngọc B. cũng bảy tuổi mà nhỏ xíu, cháu cặm cụi bên những ô màu cô giáo mới đưa. Nghe chúng tôi khen bức vẽ được phối màu đẹp, B. ngước mắt, nhoẻn miệng cười: “Ở nhà, cháu hay lấy giấy và bút màu của anh ra vẽ. Nhưng vẽ bằng bút sáp màu nhạt lắm, thỉnh thoảng mới có mấy vệt đậm. Vẽ bút dạ thì màu in cả sang phía sau, chứ không đẹp như màu của các cô giáo cho đâu. Cô nhìn đây này, màu đều mà phía sau không bị hằn” - B. giơ những bông hoa vừa vẽ lên, tít mắt khoe. 

Tay phải còn dụng cụ truyền dịch, bé vẫn say mê tô màu bằng tay trái
Tay phải còn dụng cụ truyền dịch, bé vẫn say mê tô màu bằng tay trái

Ở góc phòng, bé Lê Hoài V. vừa tô màu cho ngôi nhà vừa giục rối rít: “Mẹ, mẹ gọi cho bố đi để con nói chuyện với chị K.”. Mẹ cháu bấm cuộc gọi video, vừa thấy bố và chị gái trong điện thoại, V. đã nói như reo: “Bố, hôm nay con vẽ được ngôi nhà này. Chị K., chị có thấy giống cái nhà chị hay vẽ cho em không?”.

Những giọt nước mắt hạnh phúc

Từ tỉnh Bắc Giang, năm ngoái anh B. đưa con về Hà Nội khám và nhận kết quả M. bị ung thư. Gương mặt ông bố chừng ba mươi tuổi sạm đen, vừa hiện rõ những buốt xót trước bệnh tật của con, vừa đầy những lo toan về tiền bạc. Anh B. ngồi cạnh, lặng lẽ giữ cột treo bình truyền cho con trai vẽ, có lúc anh lén gạt nước mắt.

Nói chuyện với chúng tôi, nước mắt anh lã chã: “Lúc còn đến trường được, M. rất thích học. Mấy tháng phải ở viện liên tục, cháu chỉ hỏi khi nào được về để con còn đến lớp. Từ hôm viện mở “lớp học Hạnh phúc”, cứ đến thứ Hai, thứ Sáu - lịch học của lớp lá là cháu đòi sang”. Có những hôm M. yếu, vẫn phải truyền nhưng cháu đòi anh cho đến lớp bằng được. Anh bảo “Ở lớp, thấy cháu ham học, vui vẻ nói chuyện, cười đùa cùng cô giáo và các bạn tôi cũng thấy vui”.

Mỗi thứ Ba, thứ Năm - lịch học của lớp mầm là chị Nguyễn Thị X. lại cùng con trai Thành L. chuẩn bị đồ sang lớp học Hạnh phúc. Năm Thành L. ba tuổi, cháu đã được đi mẫu giáo ở quê nhà Hà Tĩnh. Một năm sau, gia đình chị X. nhận chẩn đoán con trai mắc u nguyên bào thần kinh, bệnh đã sang giai đoạn bốn. Thế là cậu bé lũn cũn phải theo mẹ đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều này, thay cho trường mẫu giáo. Năm thứ hai điều trị ở viện, cũng là năm thứ hai L. hoàn toàn xa bạn, xa cô.

Chị X. tủi mủi: “Sức khỏe của cháu không tốt, nên chưa có một buổi nào được đi học lại”. Ở viện, ngoài nhớ nhà, nhớ bố, thỉnh thoảng cậu bé năm tuổi ấy lại bảo mẹ rằng nhớ các bạn. Từ ngày bệnh viện mở lớp học Hạnh phúc, L. vui vẻ, hoạt bát hẳn lên. Nhiều hôm một bên là mẹ, một bên là cô giáo cùng cháu nắn nót từng nét chữ. Có lúc ngồi ở góc lớp, thấy cô giáo ôm con vào lòng, chị X. đã khóc. Những giọt nước mắt ấy, có hạnh phúc khi được hòa cùng niềm vui thơ bé, giản dị của con; và một phần không nhỏ trong những giọt nước mắt ấy, là sự biết ơn những tấm lòng đã mang đến cho bọn trẻ kém may mắn lớp học đầy ắp yêu thương, tiếng cười.

Lan tỏa niềm vui

Những cô giáo của lớp học Hạnh phúc đều là những giáo viên đã và đang giảng dạy ở các trường mầm non, tiểu học trong khu vực. Mỗi tuần bốn ngày, các thầy cô của Trường Xanh Tuệ Đức, Trường mầm non Cự Khê và những thành viên của nhóm từ thiện Minh Tuệ (gồm các giáo viên đã nghỉ hưu) chia nhau “ngồi lớp”. Bởi ở lớp học này không có bảng đen phấn trắng, chỉ có “cô giáo như mẹ hiền” ngồi xuống cùng học, cùng chơi với các con. Bà giáo già Trần Thị Thành (nguyên hiệu trưởng một trường tiểu học) tâm sự: “Chúng tôi không chỉ mong trang bị thêm được kiến thức cho các cháu, mà còn hy vọng những câu chuyện về thế giới xung quanh, những bài học đơn giản nhất về kỹ năng sống sẽ mang tiếng cười, niềm vui đến các cháu”.

Được đến lớp học Hạnh phúc bé nào cũng vui và lan tỏa niềm vui đến mọi người xung quanh
Được đến lớp học Hạnh phúc bé nào cũng vui và lan tỏa niềm vui đến mọi người 

Những bệnh nhi mắc ung thư nói chung và ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều nói riêng, phần lớn đều có hoàn cảnh khó khăn. Trong các “chiến binh nhí” ấy, cũng có những cháu, sau đợt điều trị đã đủ sức khỏe để trở lại trường cùng bạn bè, sách bút. Nhưng phần nhiều, cái sức trẻ con, non như cua bấy của các cháu phải tạm dừng điều giản dị - được học hành ấy lại.

Đồng cảm với bao khó khăn của những ông bố bà mẹ, với niềm vui thơ bé của các bệnh nhi, năm 2019, bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh - Trưởng phòng Công tác Xã hội của Bệnh viện K cơ sở Tân Triều - đã nảy ra ý tưởng về một lớp học Hạnh phúc. Như nói hộ được trăn trở của các y bác sĩ và những tấm lòng nhân ái, ý tưởng này nhanh chóng trở thành hiện thực. Ai cũng mong sau giờ điều trị, các cháu được học tập, vui chơi như bao bạn bè đồng trang lứa. Đó cũng sẽ là liều thuốc tinh thần giúp các cháu quên đi nỗi đau, sợ hãi để chống chọi với bệnh tật.

Niềm vui, hạnh phúc bé mọn ấy như đã “lây lan” đến không ít người đang điều trị tại đây. Chị Trần Thị T. là bệnh nhân đang điều trị ung thư bên khoa khác. Từ ngày lớp học Hạnh phúc hoạt động, hễ không phải giờ điều trị là chị T. lại sang đây, đứng ngoài hành lang ngắm nhìn lớp học qua ô cửa kính. Chị bảo đã được vui lây niềm vui của bọn trẻ. Bởi chị vừa là người bệnh, vừa là phụ huynh, nên những đồng cảm trong chị lớn hơn rất nhiều. 

Có lúc chị gạt nước mắt: “Nhìn bọn trẻ được vui chơi, học hành sau những giờ chiến đấu với bệnh tật, tôi cũng vơi đi nỗi nhớ con. Ai trong cảnh này mới hiểu, việc được khỏe mạnh, lành lặn; nhìn các con có thể học, có thể chơi đã là may mắn và hạnh phúc rất lớn rồi”. 

Uông Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI