Tự hào là vợ thương binh
Đón đoàn cán bộ Hội LHPN phường Bình Lợi Trung đến thăm, bà Trần Thị Em xúc động kể lại những kỷ niệm về chồng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh Nguyễn Văn Thương. Sau khi chăm chút bàn thờ và ngắm thật lâu di ảnh người chồng đã khuất, bà chậm rãi nói: “May mà ổng đi trước, tôi đỡ lo. Chứ ổng đi sau thì ai săn sóc”.
Kể lại cơ duyên gặp gỡ chồng, bà Em cho biết, những ngày hoạt động hợp pháp trong vùng địch tạm chiếm ở Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi (cũ), người em của bà thỉnh thoảng có đưa ông Thương ghé qua thăm nhà. Ông thường mặc bộ bà ba đen, đội nón lá và giắt trong người 1 khẩu súng nhỏ. Tình yêu giữa bà và người chiến sĩ tình báo nảy nở từ những câu thăm hỏi và những cuộc trò chuyện chóng vánh.

Cuối năm 1963, bà Em 25 tuổi, thủ trưởng của ông Thương đã đến nhà tác hợp, gắn kết 2 cuộc đời. Nhưng ngay cả khi đã nên duyên vợ chồng, thời gian ông bà bên nhau vẫn tính bằng tích tắc. Ngay sau ngày cưới, ông Thương được cử đi học 2 năm tại Trung ương cục và chỉ về thăm nhà 1 lần. Năm 1966, bà Em mang bầu cho đến khi sinh con trai đầu lòng được một tháng rưỡi, ông mới trở về nhìn mặt con trong chốc lát rồi lại vội vã lên đường.
Năm 1969, ông Thương bị bắt tại sông Thị Tính, vùng Bến Cát. Đơn vị cử người về báo tin cho bà biết nhưng lại không rõ ông đang bị giam cầm ở đâu. Nỗi đau và sự bất lực bao trùm người vợ.
Trong hành trình mịt mờ tìm chồng, bà Em tình cờ biết tin ông đang bị giam ở nhà giam Hố Nai. Với thân phận của một người hoạt động cách mạng, bà không thể đứng đơn thăm nuôi mà phải nhờ người làm đơn, rồi đóng giả người đi thăm cháu trốn lính. Bà dắt theo con trai 3 tuổi đến trại giam tìm chồng. Khoảnh khắc gặp lại chồng trong tù khiến bà nhớ như in: “Mỗi thân nhân chỉ có 5 phút ngắn ngủi để thăm nuôi tù nhân. Tôi nắm tay con trai đứng bên ngoài hàng rào kẽm gai, cách nơi tù nhân đứng khoảng 50m. Giữa biển người chen lấn, tôi cố tìm rồi rụng rời chân tay, ngồi bệt xuống đất khi thấy chồng mình được một tù nhân khác cõng trên lưng. Thấy vợ, ông Thương gượng cười chỉ xuống đôi chân đã cụt lên sát đùi. Sợ hết thời gian thăm, tôi nén nghẹn ngào, đứng dậy hỏi chồng có khỏe không. Ông Thương đáp lời tôi bằng cái gật đầu cùng nụ cười chiến thắng rồi nhìn sang con trai gọi lớn: “Liêm! Ba nè con!”. Nghe tiếng ba, thằng bé vùng chạy về phía trước, tìm cách chui qua hàng rào kẽm gai. Chui được nửa người thì con bị lính canh kéo lại”.
Nỗi đau và sự bất lực của người vợ, người mẹ quyện trong bà, khắc sâu một vết hằn không thể xóa nhòa. 1 tháng sau, bà Em quay lại Hố Nai thì biết chồng không còn ở đó. Bà bặt tin ông suốt hơn 4 năm. Cho đến năm 1973, nhận tin chồng được trao trả tại Lộc Ninh, bà Em tức tốc lên đường đi thăm chồng và phải rong ruổi suốt 23 ngày. 5 ngày ngắn ngủi bên chồng cũng là khoảng thời gian dài nhất bà được ở bên chồng trong suốt 10 năm làm vợ.
 |
Bà Huỳnh Thị Thúy Phương (bìa phải) - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng quà vợ thương binh |
Bà Em vỡ òa trong hạnh phúc xen lẫn xót xa, vừa cười vừa khóc trong vòng tay yêu thương của đồng chí, đồng đội. Rồi bà phải chia tay chồng để trở về, còn ông Thương được đưa ra Bắc báo cáo điển hình và an dưỡng. Bà khẳng định, 12 năm trời từ lúc cưới cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, số ngày vợ chồng bà được sống bên nhau đếm không hết 10 ngón tay.
Sau giải phóng, bà làm nhân viên phân phối hợp tác xã để nuôi con và ngày đêm mong ngóng chồng. Mãi đến năm 1976, bà xin Nhà nước cho chồng về an dưỡng tại gia đình, để được tự tay chăm sóc. “Một đời làm vợ thương binh, tôi vất vả nhiều. Nhưng tôi luôn tự hào khi được làm vợ ông - một người đã không tiếc thân mình vì đất nước” - bà Em trải lòng.
Trọn vẹn đạo lý “uống nước nhớ nguồn”
Chiều 24/7, Hội LHPN TPHCM tổ chức chương trình họp mặt vợ thương binh nặng như một dịp để bày tỏ lòng biết ơn của cán bộ, hội viên phụ nữ đối với người thân của các thương binh nặng - những người đã cống hiến tuổi xuân và một phần cơ thể cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trong không khí thân tình, thương binh Nguyễn Chung Thành (phường Phú Thọ Hòa) đã nói những lời yêu thương, trân trọng dành cho vợ mình là bà Trần Thị Liên. Ông Thành cho biết, năm 1977, khi đang tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, ông bị thương ở đầu, hỏng gần như cả 2 con mắt. Trở về với một phần cơ thể thiếu khuyết, ông nghĩ cuộc đời đã chấm hết. Thương người thanh niên đã mất một phần thân thể vì đất nước, bà Trần Thị Liên đã dành tất cả tình cảm, lòng yêu thương cho ông.
Vượt qua những rào cản, ngăn cấm từ người thân, bà nguyện làm vợ ông với mong muốn mang tình yêu thương để bù đắp, giúp ông vơi bớt những thiệt thòi. Ông Thành bộc bạch: “Người phụ nữ lấy chồng mong có một chỗ dựa. Nhưng bao nhiêu năm nay, bà ấy như là cây trụ vững chắc, là đôi mắt để tôi nương vào mà đi qua những tháng ngày khó khăn”. Nghe chồng nói, bà Liên rối rít xua tay. Bà khẳng định mình cảm thấy hạnh phúc và chưa bao giờ hối hận khi làm vợ một thương binh.
 |
Bà Huỳnh Thị Thúy Phương (bìa trái) - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng quà thương binh Nguyễn Chung Thành và vợ là bà Trần Thị Liên - Ảnh: Thu Lê |
Bà Huỳnh Thị Thúy Phương - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - gửi lời tri ân đến những người vợ, người thân của các thương binh đã luôn nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn để chăm lo cho chồng, thay chồng chăm lo cho con, một tay xây dựng gia đình hạnh phúc. Bà Thúy Phương khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ, hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong các cuộc đấu tranh đó, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Phía sau mỗi người anh hùng đó là một hậu phương vững chắc, là minh chứng sống động cho tình yêu, sự kiên nhẫn và lòng tận tụy phi thường.
Họ đã biến đau thương thành sức mạnh để dìu người chồng đi qua năm tháng cuộc đời. “Không ít người vợ thương binh đã lèo lái con tàu gia đình vượt qua khó khăn, sản xuất kinh doanh giỏi, chăm sóc chồng, phụng dưỡng cha mẹ già, nuôi dạy con, cháu trưởng thành...” - bà Thúy Phương nói. Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM cũng khẳng định, trong thời gian tới, Hội LHPN TPHCM sẽ tiếp tục nỗ lực để có nhiều hoạt động cùng các cô, các dì, các chị là vợ, người thân của thương binh chăm lo, cải thiện đời sống gia đình tốt hơn.
Thắp sáng ngọn lửa tri ân trong cán bộ, hội viên phụ nữ Song song với chương trình họp mặt, những ngày qua, các cấp Hội LHPN TPHCM đã và đang thắp sáng ngọn lửa tri ân bằng hàng loạt hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”. Hội đã tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Bên cạnh các hoạt động thăm hỏi, nhiều năm nay, Hội LHPN các cấp cũng thường xuyên phối hợp với các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm thực hiện tốt công tác tri ân người có công với cách mạng bằng hình thức hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, thăm hỏi, tặng quà, nhằm giúp các hộ gia đình chính sách vơi bớt khó khăn. |
Nguyệt Minh