Tháng 7 và những ký ức không thể phai mờ về một thời hào hùng của các nữ cựu tù chính trị

23/07/2025 - 08:13

PNO - Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), chiều 22/7, Hội LHPN phường Tân Hoà, TPHCM đã tổ chức đoàn đến thăm hỏi, tặng quà và tri ân các nữ cựu tù chính trị, thương binh trên địa bàn phường.

Trong không khí thân tình và ấm áp, các cán bộ Hội phụ nữ đã dành nhiều thời gian để trò chuyện, lắng nghe những câu chuyện về những năm tháng bị giam cầm, tra tấn nơi lao tù, những ký ức không thể phai mờ của một thời đấu tranh bất khuất vì độc lập, tự do của dân tộc cùng các nhân chứng lịch sử.

Đoàn đã đến thăm hỏi, tặng quà và tri ân bà Lưu Thị Hát (bí danh Mười Thắng) – 74 tuổi, nữ cựu tù chính trị, thương binh, nhiễm chất độc hóa học, hiện cư trú tại khu phố 1, phường Tân Hòa.

Đoàn đến thăm và tặng quà đến nữ cựu tù chính trị Lưu Thị Hát
Đoàn đến thăm và tặng quà đến nữ cựu tù chính trị Lưu Thị Hát

Sinh ra và lớn lên tại quê hương Trà Vinh (nay là tỉnh Vĩnh Long), năm 14 tuổi, khi chứng kiến cảnh xóm làng bị tàn phá bởi bom đạn, chết chóc, bà Mười Thắng đã không ngần ngại ghi tên tòng quân, theo bước các chú, các anh lên đường làm cách mạng.

Ban đầu, bà tham gia làm giao liên công khai của Tỉnh ủy Trà Vinh. Đến năm 1969, bà được điều động về làm giao liên bí mật của Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. Bà thường xuyên vượt sông, đi qua chiến trường ác liệt để chuyển tài liệu, thư từ, mệnh lệnh giữa các cơ sở cách mạng.

Năm 1970, trong một lần đang làm nhiệm vụ, bà bị địch bắt giữ. Bị giam giữ và tra khảo suốt hơn 2 tháng, bà kiên quyết không khai báo dù chỉ một lời. Địch dùng các hình thức tra tấn dã man nhưng không thể khuất phục ý chí người nữ chiến sĩ.

Sau đó, bà bị đưa ra trại giam Nữ tù binh Phú Tài, Quy Nhơn, nơi giam giữ hơn 1.000 nữ tù bị bắt từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau. “Trong điều kiện khắc nghiệt, tôi và đồng đội, các nữ tù khác phải tự lo cơm nước, sinh hoạt, sống chen chúc 20 người/phòng, hứng chịu tra tấn mỗi ngày, bị đánh chết đi, sống lại ”, bà Mười Thắng kể lại.

Năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, bà được trao trả tại sân bay Lộc Ninh. Sau thời gian điều trị bệnh, bà tiếp tục công tác tại đơn vị cũ, sau đó được cử đi học.

Sau khi hoàn thành việc học, bà Mười Thắng tiếp tục đóng góp cho thành phố trong vai trò cán bộ tại Bưu điện TPHCM, Ban Quản lý Công trình, Ban Quản lý Vật tư.

Hiện nay dù tuổi đã cao, sức khỏe bị ảnh hưởng bởi vết thương chiến tranh và nhiễm chất độc hóa học, nhưng bà vẫn giữ tinh thần lạc quan, giản dị và kiên trung, tích cực tham gia các phong trào Hội tại địa phương, truyền lửa cho thế hệ con cháu của mình.

Tiếp đó, đoàn tiếp tục đến thăm nhà bà Mai Thị Tuyết (95 tuổi), ngụ tại khu phố 24. Bà Tuyết là nữ cựu tù chính trị, thương binh hạng 4/4.

Để khắc ghi lại những dấu ấn lịch sử hào hùng của đời mình, đồng thời truyền lửa cách mạng cho thế hệ sau, bà Tuyết đã viết và xuất bản cuốn hồi ký mang tên “Chút tình gửi lại”.
Để khắc ghi lại những dấu ấn hào hùng của đời mình, đồng thời góp phần truyền lửa cho thế hệ sau, bà Tuyết đã viết và xuất bản cuốn hồi ký “Chút tình gửi lại”.

Sinh ra ở thôn Hải Môn, xã Phổ Minh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi cũ), năm 15 tuổi, bà Tuyết quyết tâm theo truyền thống cách mạng của cha. Bà bí mật học võ, nhận nhiệm vụ theo dõi, cảnh giới lính Tây để báo tin cho lực lượng kháng chiến.

Năm 1947, bà chính thức trở thành cán bộ thiếu niên thôn Hải Môn, chuyên vận động các em nhỏ tham gia sinh hoạt, học tập đường lối cách mạng, rồi tiếp tục trở thành chấp hành viên thanh niên xã Phổ Minh. Năm 18 tuổi, bà được đứng vào hàng ngũ của Đảng và đến năm 1952 trở thành Ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã Phổ Minh.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ không lâu, Hiệp định Giơ- ne-vơ được ký kết, bà Tuyết vẫn kiên trì bám đất, bám dân, hoạt động cách mạng tại cơ sở. Khi bị phát hiện nuôi giấu cán bộ, bà bị địch bắt. Trong 3 tháng giam giữ, bà bị tra tấn tàn bạo nhưng vẫn kiên quyết không khai báo. Sau đó, địch phải thả bà.

Bà Nguyễn Thị Thuỷ Tiên – Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Hoà bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh, cống hiến to lớn của các cô, các dì trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng thời gửi tặng lời chúc sức khỏe, mong các cô tiếp tục là tấm gương sáng, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay.
Bà Nguyễn Thị Thuỷ Tiên – Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Hoà (thứ ba từ trái sang) bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh, cống hiến to lớn của các cô, các dì trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đến năm 1964, bà bị bắt lần 2 cũng với tội nuôi giấu cán bộ trong nhà. Sau hơn 2 tháng bị giam giữ và không thu được thông tin gì, địch buộc phải thả bà về.

Năm 1965, bà được điều chuyển về căn cứ hoạt động trên rừng. Sau ngày đất nước giải phóng, bà sống tại khu tập thể dành cho cán bộ phụ nữ tại huyện Đức Phổ. Bà cùng đồng đội tiếp tục vận động bà con cùng lao động, sản xuất, ổn định đời sống kinh tế trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ những năm tháng tù đày, với nhiều vết thương chưa lành, năm 1978, bà xin nghỉ hưu sớm để tránh ảnh hưởng đến công việc chung.

“Đối với tôi, được góp một phần sức lực cho cách mạng, góp phần giành lại hòa bình, độc lập cho dân tộc là niềm vinh dự và tự hào lớn lao trong đời. Ngày nay, tôi càng cảm thấy ấm lòng khi chứng kiến nhiều bạn trẻ trưởng thành, tiếp nối truyền thống, sống có trách nhiệm với Tổ quốc và cộng đồng. Chính điều đó khiến tôi tin rằng, mọi hy sinh của thế hệ chúng tôi đều xứng đáng.” – bà Mai Thị Tuyết chia sẻ.

Đoàn đến thăm gia đình ông Lưu Như Hoan, thương binh 1/4
Đoàn đến thăm gia đình ông Lưu Như Hoan, thương binh 1/4

Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI