Nhân chứng lịch sử kể về “Một thời hoa lửa”

24/07/2025 - 17:30

PNO - Ngày 24/7, Đảng ủy – Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Diên Hồng tổ chức chương trình họp mặt nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025) với chủ đề “Một thời hoa lửa”.

Tại chương trình, các thế hệ trẻ đặc biệt là đoàn viên, hội viên phụ nữ được gặp gỡ, giao lưu với những nhân chứng lịch sử từng trải qua năm tháng khốc liệt của chiến tranh, của lao tù đế quốc.

Các nhân chứng lịch sử chia sẻ về những ngày tháng tham gia cách mạng
Các nhân chứng lịch sử chia sẻ về những ngày tháng tham gia cách mạng gian khổ nhưng hào hùng

Trong dòng hồi ức sâu lắng, cựu tù chính trị Võ Ái Dân (83 tuổi) kể lại chặng đường tham gia cách mạng đầy vẻ vang. Từ khi 9 tuổi, ông đã tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước. Ông từng theo học tại trường La Kai - nay là trường Tiểu học Toàn Thắng trên đường Nguyễn Tri Phương. Năm 1961, ông bị địch bắt vì tham gia Hội Liên hiệp Học sinh - Sinh viên Giải phóng đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Bị kết án tù và đày ra Côn Đảo, ông trải qua gần 14 năm sống trong lao tù khốc liệt, trong đó có 10 năm bị giam tại khu trại giam tàn bạo Tràm Tốn.

Ông Dân kể, bản thân ông cũng như nhiều anh em khác phải chống lại âm mưu ác độc của bọn địch.

“Chúng tôi phải chống kẻ địch trong nhà tù cực kỳ gian khổ, đầy hy sinh, dù thế nào vẫn bảo vệ Bác Hồ, bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ dân tộc, không bao giờ khuất phục”- ông Dân chia sẻ.

Xúc động ngày gặp nhau của những nhân chứng lịch sử
Những nhân chứng lịch sử trong ngày gặp mặt

Tại buổi giao lưu, bà Bùi Thị Xuân – nữ cựu tù chính trị - xúc động chia sẻ về những năm tháng tuổi trẻ khi tham gia cách mạng mới 13–14 tuổi, trong bối cảnh chiến tranh miền Nam ác liệt (năm 1959). Quê hương bà ở Củ Chi - vùng "đất thép thành đồng", nơi bom đạn cày xới không còn cây cối. Từ khi còn rất nhỏ, bà đã tham gia công tác địa phương, làm nhiệm vụ theo dõi địch, báo tin cho bộ đội để hỗ trợ hoạt động tập kích.

Năm 1962, bà được kết nạp Đoàn. Đến năm 1964, khi phong trào thanh niên địa phương dâng cao, bà tình nguyện thoát ly, quyết tâm cầm súng chiến đấu dù gia đình và địa phương không đồng ý. Cuối cùng, bà phải trốn đi để gia nhập đơn vị. Tuy chuẩn bị tinh thần và vật dụng để chiến đấu trong rừng, nhưng khi vào đơn vị, bà được phân công hoạt động ở nội thành, phù hợp hơn với khả năng và hoàn cảnh của một nữ chiến sĩ trẻ.

Năm 1973, bà bị địch bắt và giam cầm tại Bình Dương, sau đó bị đưa xuống Tổng Nha. Trong suốt 18 tháng bị giam giữ, bà phải chịu đựng những trận tra tấn tàn khốc bằng dùi cui, điện giật, với nhiều thương tích trên người, rồi địch chuyển bà và các nữ cựu tù khác lên nhà lao Tân Hiệp (Đồng Nai) tiếp tục bị tra tấn dã man.

Ngày 30/4/1975, khi chính quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, bà và hơn 400 người tại nhà lao được thả tù. Trên đường đến Long Khánh, bà và đồng đội vẫn gặp phải nhiều ổ phục kích của quân thù, đối diện với cái chết cận kề, bom đạn dập vào liên tục, nhưng may mắn thay, bộ đội ta đã kịp thời giải cứu.

Bà Hà Thị Gái – Chủ tịch Hội LHPN phường Diên Hồng trao quà đến gia đình thương binh, bệnh bịnh.
Bà Hà Thị Gái - Chủ tịch Hội LHPN phường Diên Hồng - trao quà đến gia đình thương binh, bệnh binh

Bạn Lục Thị Ngọc Nữ - Phó bí thư Đoàn phường Diên Hồng xúc động nói: “Được lắng nghe những nhân chứng lịch sử kể về một thời hoa lửa, em cảm thấy rất xúc động và tự hào về hành trình chiến đấu kiên cường của thế hệ ông cha đi trước, trong điều kiện vô cùng khó khăn và khắc nghiệt. Là thế hệ trẻ hiện hôm nay, em sẽ cố gắng phấn đấu thật nhiều, học tập thật tốt và cố gắng rèn luyện, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, thực hiện những công trình, phần việc có ý nghĩa cho gia đình, cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh”.

Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI