Những lớp học hạnh phúc đang dần nảy nở

14/09/2023 - 17:46

PNO - Đó là những lớp học được xây dựng từ tình yêu thương của thầy cô giáo với các em học sinh. Những lớp học này thực tế đã hình thành từ nhiều năm qua trong một số trường và đang tiếp tục được vun đắp.

3 năm nay, Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) áp dụng mô hình đưa giáo viên tư vấn tâm lý vào lớp “học” cùng học sinh, để hỗ trợ học sinh hòa nhập. Đầu năm học, từ thông tin của giáo viên chủ nhiệm về tình hình trẻ trong lớp, chuyên gia tư vấn sẽ học cùng với trẻ trong một số giờ học để quan sát, ghi nhận biểu hiện của trẻ trong giờ học, từ đó phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường xây dựng biện pháp hỗ trợ trẻ phù hợp nhất.

Đến thời điểm này, cô Trần Bé Hồng Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, nhà trường hiện có khoảng 8 trẻ đang gặp các khó khăn trong giao tiếp, hành vi, rải rác ở các khối lớp. Trong số đó, chỉ có 2 trẻ có giấy xác nhận.

Lớp học hạnh phúc giúp trẻ hoà nhập dễ dàng hoà nhập ở trường
Lớp học hạnh phúc giúp trẻ dễ dàng hòa nhập ở trường

“Giáo viên tư vấn tâm lý sẽ lập hồ sơ cho từng trẻ, trong từng tuần phối hợp với giáo viên chủ nhiệm ghi nhận sự tiến bộ của trẻ, cùng với giáo viên xây dựng biện pháp để làm sao giúp trẻ hòa nhập dễ dàng hơn. Trong trường hợp khó khăn thì chính giáo viên tư vấn tâm lý sẽ cùng với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường cùng ngồi với phụ huynh, phân tích sâu về tình trạng của trẻ để cùng phối hợp. Nhiều phụ huynh khi nghe giáo viên chủ nhiệm trao đổi thì không chấp nhận về tình trạng của trẻ nhưng khi giáo viên tư vấn tâm lý có kinh nghiệm, chuyên môn trao đổi thì phụ huynh lại có sự hợp tác rõ rệt…” - cô Trần Bé Hồng Hạnh chia sẻ.

Đặc biệt, cô Hạnh đánh giá, mô hình giúp nhà trường nắm rất rõ về tính cách, sở thích của từng trẻ. Hầu hết các em đều sẽ bị thu hút bởi một hoạt động nào đó, có em thích vẽ, có em thích bóng đá, có em lại thích đàn… Vì vậy, để giúp trẻ hòa nhập với bạn bè, thầy cô, nhà trường thành lập nhiều câu lạc bộ (miễn phí), “kéo” trẻ vui chơi, tiến bộ mỗi ngày.

“Hiện nay, trường có đến 13 câu lạc bộ hoạt động sau giờ học, giờ ra chơi như vẽ, đàn organ, nhảy hiện đại, aerobic, cờ vua, bóng đá, bóng rổ, steam, robotic, khoa học vui, bạn gái… Khi được tham gia vào hoạt động mà các em yêu thích, các em trở nên mạnh dạn hơn, cười nói với bạn bè, giao tiếp với thầy cô. Có trẻ còn thích thú kể lại với ba mẹ…” - cô Hạnh vui vẻ nói.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Học trong giờ học
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Học trong giờ học

Năm học này, Trường tiểu học Tân Hưng (quận 7) cũng ghi nhận 11 trẻ hòa nhập có giấy xác nhận rải rác 5 khối. Cô Trần Thị Lan Hương - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, tình trạng trẻ gặp các khó khăn về ngôn ngữ, khó kiểm soát hành vi đang ngày càng gia tăng. Có năm trường ghi nhận đến 20 em. 

“Chỉ có tình yêu thương, sự ân cần của thầy cô mới giúp trẻ tiến bộ từng ngày. Giáo viên sẽ phải quan sát trẻ, thấu hiểu tích cách của trẻ để áp dụng phương pháp phù hợp trong chính giờ học, khi tổ chức hoạt động giáo dục. Khi trẻ cảm thấy được tình yêu thương, con sẽ cởi mở hơn với cô, phối hợp với cô, từ từ có sự tiến bộ”.

Mặc dù vậy, cô Hương cho biết một số phụ huynh chưa thực sự thấu hiểu với phương pháp giáo dục của giáo viên thì sĩ số lớp học đông cũng gây khó cho giáo viên, nhất là giáo viên lớp 1 trong việc hỗ trợ trẻ…

Lớp học hạnh phúc giúp trẻ tiến bộ

Năm học này, lớp 1/2 Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) ghi nhận 2 trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp, kiểm soát hành vi. Để kéo trẻ đến gần với giáo viên, tạo không khí vui vẻ, yêu thương trong lớp học, cô Phạm Thị Hồng Thi - giáo viên chủ nhiệm lớp - đã xây dựng góc yêu thương, lớp học hạnh phúc ngay cửa lớp. Sau mỗi buổi học, trước khi ra về, mỗi học sinh sẽ chọn các cách thể hiện yêu thương với giáo viên, gồm: ôm, cụng tay, đập tay, hi-five.

“Điều này sẽ giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương của cô, thấy sự gần gũi, trẻ cảm thấy bản thân được cô quan tâm, được giống như mọi bạn bè. Trẻ không còn e dè nữa mà mạnh dạn thể hiện tình cảm với cô. Chính điều này sẽ giúp trẻ cởi mở, tiến bộ, hòa nhập mỗi ngày…”. 

Lớp học hạnh phúc ở lớp 1/2, Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1)
Lớp học hạnh phúc ở lớp 1/2, Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1)

Cô Thi đánh giá, điều quan trọng nhất trong giáo dục trẻ hòa nhập chính là sự kiên trì, không nóng vội ở cả phía giáo viên và phụ huynh về sự tiến bộ của trẻ. Giáo viên phải chia sẻ với trẻ, kiên trì động viên trẻ, giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương của cô. Đặc biệt, gia đình cần có sự hỗ trợ trẻ ở nhà, sẵn sàng ngồi lại cùng với giáo viên để tìm biện pháp hỗ trợ tốt nhất cho trẻ.

“Có thể toán, tiếng Việt trẻ không học được nhưng các môn khác trẻ lại thích học. Giáo viên có thể lấy các môn đó để bổ trợ thêm cho trẻ học ở tất cả các môn khác. Nếu trẻ thích vẽ thì ngay trong giờ toán, tiếng Việt giáo viên cũng có thể thêm phần vẽ, giúp trẻ tự tin, tiếp nhận kiến thức một cách dễ dàng hơn. Bạn chậm nói, giáo viên sẽ từ từ trao đổi với bạn, gợi mở trong từng câu chuyện để dạy trẻ nói lên thành 2-3 từ, nói tròn câu…” - cô Thi chia sẻ.

Đẩy mạnh mời phụ huynh vào trường cùng học, cùng ăn với trẻ

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2022-2023, thành phố có 428 trường tiểu học triển khai giáo dục hòa nhập, với 4.794 học sinh. Số giáo viên trực tiếp giảng dạy trẻ hòa nhập là 2.427 giáo viên. 

Bà Lâm Hồng Lãm Thúy - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM - thừa nhận, số học sinh khuyết tật mắc chứng khó học bậc tiểu học trong lớp, trong trường ngày càng nhiều, khiến giáo viên gặp khó khăn giảng dạy. Trong khi đó, một bộ phận học sinh lại không có đủ hồ sơ về học sinh khuyết tật hòa nhập...

“Năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức nhiều hơn các chuyên đề đi sâu hơn về các loại tật để giáo viên có thêm kỹ năng hướng dẫn học sinh học hòa nhập. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh mời phụ huynh cùng tham gia vào giờ học, giờ ăn của trẻ để không chỉ công khai, nâng cao chất lượng giáo dục mà hơn nữa phụ huynh thêm đồng hành, thấu hiểu với giáo viên cũng như thấu hiểu về con em mình nhiều hơn…”.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI