Những khu vườn thơm ngát… tình người

01/02/2021 - 11:46

PNO - Ngoài chăm chút những sản phẩm để cung ứng cho thị trường, nhiều nhà vườn tại Q.12, TP.HCM còn chung tay với Hội Phụ nữ trồng hàng ngàn chậu hoa làm quà tết cho chị em nghèo.

Chung tay với Hội

“Mọi thứ đã xong, giờ chỉ còn canh chừng sâu bệnh và mong trời đừng mưa”, ông Lý Anh Thông, người nông dân 61 tuổi có tiếng mát tay với hai loại hoa mai và hoa sứ ghép ở khu phố 3A, P.Thạnh Lộc, cho hay.

Từ đầu tháng Chạp tới nay, mỗi ngày ông Thông chỉ ngả lưng khoảng hai tiếng, thời gian còn lại ông dành cho việc ngắt lá, nhổ cỏ, phun thuốc cho từng chậu hoa. Năm nay, trong khu vườn hơn 3.000m2, bên cạnh những chậu hoa mai, hoa sứ ghép có tuổi đời hàng chục năm, ông Thông còn trồng thêm 1.500 chậu vạn thọ lùn và 1.000 chậu mào gà bán tết. 

Trước năm 1990, sau khi đi nghĩa vụ về, ông Thông làm công nhân xưởng sản xuất vỏ xe ô tô. Ông gặp bà Phạm Ngọc Thúy Liễu rồi nên duyên vợ chồng. Dù công việc của hai vợ chồng khá ổn định, nhưng trong lòng ông Thông vẫn luôn nhớ đất, nhớ vườn, nên ông bỏ công nhân để trở về nhà ở Q.12 làm nông dân.

Vợ chồng ông Thông - bà Liễu cùng chăm sóc những chậu hoa giúp Hội
Vợ chồng ông Thông - bà Liễu cùng chăm sóc những chậu hoa giúp Hội

“Vùng này, ngày trước chỉ trồng hoa lài và quất bán chợ chứ chưa có kinh nghiệm làm hoa cảnh, hoa tết. Tụi tôi khởi đầu bằng cách mua sỉ những vườn hoa cúc, vạn thọ bên Q.Gò Vấp rồi tự cắt chở đi bán. Có những năm ế ẩm, phải bán tháo, lỗ muối mặt”, ông Thông nhớ.

Đến năm 2001, vợ chồng ông mới bắt đầu làm cây mai, cây sứ. Mai ghép có thể cho 12-20 cánh xếp tầng, hoa to, màu vàng ươm và sáng. Riêng sứ ghép thì bán quanh năm. Hỏi, học ở đâu để trồng được nhiều loại hoa đẹp như vậy? Ông Thông cười: “Từ những ngày cắt hoa chạy chợ, bán ế, bán lỗ, đến những đêm thức trắng trong vườn, tôi chỉ mày mò học theo anh em nông dân chứ không bài vở, trường lớp chuyên nghiệp gì”. 

Rồi tháng Chín âm lịch năm ngoái, nghe các chị Hội Phụ nữ P.Thạnh Lộc dự tính trồng hoa tặng chị em hội viên phụ nữ, nữ công nhân không có điều kiện, vợ chồng ông Thông xung phong “hỗ trợ”. Vậy là, chị em cán bộ, hội viên các khu phố tập trung đến vườn nhà ông để vợ chồng ông hướng dẫn ươm giống, cấy 1.000 chậu hoa.

“Tôi thấy cách làm là thiết thực. Sẵn vườn, tụi tôi làm luôn”, ông Thông nói. Bà Liễu xởi lởi: “Hồi mới về Thạnh Lộc làm dâu, tôi đâu biết trồng cây, trồng hoa. Chồng tôi phải cầm tay chỉ việc. Giờ nhìn chị em chăm chút từng chiếc lá, thấy nhớ mình hồi xưa”. Nói rồi, bà chỉ tay về phía những chậu hoa mào gà bắt đầu bung sắc đỏ và dặn chị Nguyễn Hồng Tươi - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ P.Thạnh Lộc: “Mai mốt nhớ mang cả đám hoa này tặng chị em. Ngày tết, trong nhà có chút sắc đỏ cho vui. Mình kiếm tiền thì cả đời chứ tính toán gì một cái tết giữa quá nhiều biến động, chật vật”.

Vợ chồng chị Thạch Thị Huy và anh Huỳnh Văn Mẫn ở tổ 6, khu phố 8, P.Tân Chánh Hiệp cũng đang tất bật lo vụ hoa tết. Toàn bộ khu vườn rộng 1.000m2 trồng hơn 7.000 chậu hoa các loại như dừa cạn, mào gà đuôi phụng, vạn thọ Pháp, hướng dương, trong đó có 400 chậu của Hội Phụ nữ phường nhờ chăm sóc.

Chị Huy khoe, hầu hết hoa đã được bạn hàng đặt trước, chỉ còn số ít bán lẻ tại vườn. “Mấy bữa nay tụi tôi tập trung tưới nước, đóng cọc giữ thẳng cây và bắt sâu, dang nắng suốt ngày, đêm cũng không có giấc ngủ. Hoa của Hội hay hoa nhà bán, tụi tôi đều chăm chút như nhau. Nghề trồng hoa phải kỹ càng, cẩn trọng dữ lắm, hễ thấy hoa ra đúng ngày, ra đẹp là mừng”, chị Huy thổ lộ. 

Chị Thạch Thị Huy vừa chăm vườn của mình, vừa chăm chút những chậu hoa của Hội LHPN địa phương nhờ chăm sóc
Chị Thạch Thị Huy vừa chăm vườn của mình, vừa chăm chút những chậu hoa của Hội LHPN địa phương nhờ chăm sóc

Khu vườn được vợ chồng chị Huy thuê đất để trồng hoa vạn thọ quanh năm. Cận tết họ mới xuống giống các hoa ngắn ngày. Từ năm 2015-2018, họ đầu tư trồng hoa lys suốt ba năm liền và đều thất bại, rơi vào cảnh nợ nần. Vì vậy, mấy năm gần đây họ dồn tâm sức vào những loại hoa ngắn ngày, buôn bán thuận lợi, nên đã trả bớt nợ.

Chị Huy cho biết, anh chị gầy dựng khu vườn cũng trần ai. Có dạo anh Mẫn chuyển sang trồng cỏ nuôi bò sữa, nhưng cuối cùng phải quay về với hoa. “Quê tôi ở Trà Vinh, từ nhỏ đã bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Ở Q.12, vợ chồng tôi được chị em giúp nhiều, từ vốn liếng đến giới thiệu sản phẩm. Cho nên, nghe Hội có ý định trồng hoa tặng chị em, tôi tán thành ngay. Cái này tôi chung sức với Hội được”. 

Chia sẻ niềm vui

Mấy hôm nay, nắng chùng chình trên những đóa hoa vạn thọ, mào gà, cúc tím, khiến không gian khu vườn của chị Huỳnh Thị Nhàn, ở khu phố 7, P.Thới An rộn ràng sắc xuân. Bình thường, chị Nhàn trồng các loại rau quả cung cấp cho chợ đầu mối Hóc Môn. Cận tết Nguyên đán, chị mới trồng hoa.

Những năm trước, cả vườn có tới 6.000-7.000 chậu hoa các loại. Năm nay, sợ sức mua giảm nên chị Nhàn giảm số lượng còn 4.000 chậu. Hiện đã có mối đặt 1.500 chậu, còn lại chị đưa ra phố bán lẻ. Bên cạnh việc chăm lo cho hoa của mình chị Nhàn còn hướng dẫn cán bộ, hội viên phụ nữ trồng 150 chậu vạn thọ, mào gà gửi tại vườn. 

Cũng vậy, từ đầu năm 2020, khu vườn nằm đối diện Nhà Thiếu nhi Q.12 của vợ chồng bà Phạm Thị Tuyết và ông Trần Văn Yên trở thành điểm đến của cán bộ, hội viên phụ nữ P.Hiệp Thành. Dù là đất thuê nhưng vợ chồng bà dành riêng 200m2 cho Hội Phụ nữ trồng các loại rau để gây quỹ và hỗ trợ chị em, bà con khó khăn. Nguồn rau trong vườn nhà ông bà đa dạng, mỗi ngày thu trung bình từ 50-100kg rau các loại đem bỏ mối. Hồi tháng 4/2020 vừa qua, khi ATM gạo hoạt động, vợ chồng bà đã ủng hộ gần một tấn rau tặng kèm cho bà con khi đến nhận gạo. 

Chị Trần Thị Thúy Hải (phải) và cán bộ,  hội viên phụ nữ P.Hiệp Thành rất vui khi những chậu hoa tếr đã bắt đầu khoe sắc
Chị Trần Thị Thúy Hải (phải) và cán bộ, hội viên phụ nữ P.Hiệp Thành rất vui khi những chậu hoa tếr đã bắt đầu khoe sắc

Gần đây, bà Tuyết bị bệnh, ông Yên phải vào bệnh viện chăm vợ, khu vườn giao lại cho vợ chồng cô con gái Trần Thị Thúy Hải chăm sóc. Chị Thúy Hải vẫn tiếp tục hỗ trợ Hội trồng rau. Như các nhà vườn khác, năm nay chị Thúy Hải cũng trồng 1.000 chậu hoa tết, đồng thời giúp Hội trồng và chăm sóc 150 chậu cúc vạn thọ.

Chị Hải tâm sự: “Gia đình tôi mấy thế hệ sống dựa vào rau và hoa. Khi Hội ngỏ ý nhờ phụ giúp, tôi rất ưng lòng, bởi lẽ, mình sống được với nghề thì cũng muốn sẻ chia cái được đó. Năm nay sương mù nhiều, thời tiết thì lúc lạnh quá, lúc nóng quá, nông dân trồng hoa đều hồi hộp. Nhưng nay hoa đã ra nhiều, có chậu hơn 20 bông, đều và đẹp. Chị em đưa hoa này đi tặng, tôi cũng tự tin và vui lây”. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI