Những danh họa bất tử cùng đại dịch

22/08/2020 - 15:05

PNO - COVID-19 đã tước đoạt sinh mệnh nhiều nghệ sĩ tài danh trên khắp thế giới. Các trận đại dịch trong lịch sử nhân loại cũng từng như thế, chỉ có tác phẩm của họ là trường tồn với thời gian.

Nhân loại đã trải qua không dưới 10 đại dịch cấp toàn cầu, hủy diệt đáng kể dân số trái đất tại thời điểm mỗi cơn dịch quét qua. Trong số những đại dịch từng là nỗi khiếp sợ kinh hồn của lịch sử, đại dịch “Cái chết đen” đã ghi dấu sâu đậm nhất trong ký ức loài người, ngay từ tên gọi mang tính “hiện hồn” ấy.

Một bức trong loạt tranh khắc gỗ của của danh họa Hans Holbein
Một bức trong loạt tranh khắc gỗ của của danh họa Hans Holbein (Đức), người cũng qua đời vì dịch bệnh “Cái chết đen”. 

“Cái chết đen” xảy ra ở châu Á và châu Âu trong thế kỷ XIV, với đỉnh điểm bùng phát tại châu Âu là khoảng những năm 1346-1351. Nó đã lấy đi khoảng 30-60% dân số châu Âu thời ấy (tương đương 25-50 triệu người), giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn khoảng 350-375 triệu người, vào năm 1400. Cứ sau vài thế hệ dân số ở châu Âu thì dịch hạch quay trở lại với mức độ hủy diệt khác nhau, mãi đến thế kỷ XIX mới thực sự biến mất.

1. Danh họa Titian (khoảng 1473/1490-1576) người Ý, người lãnh đạo trường phái Venice thế kỷ XVI của phong trào Phục hưng Ý, đã chịu chung số phận thảm thương với dân chúng khắp châu Âu bởi những trận dịch hạch liên tục càn quét nơi này. Dịch hạch bùng phát ở Venice năm 1576 đã tước đoạt “tuổi trời” của danh họa này. Với sự nổi tiếng của mình, Titian là nạn nhân duy nhất bị bệnh dịch tại Venice thời ấy được thực hiện lễ tang tại nhà thờ. Ngay sau cái chết của Titian, con trai và là người trợ lý của ông cũng ra đi vì bệnh dịch này. 

Thế nhưng Titian, người họa sĩ Mặt trời giữa những ngôi sao nhỏ - như người đương thời ca tụng - trong những năm sáng tác đầy sung sức với nghệ thuật đỉnh cao của mình, vẫn kịp tạo tác cho đời rất nhiều danh tác hội họa, từ chân dung và phong cảnh cho đến các chủ đề thần thoại và tôn giáo. Đặc biệt, bức họa Danae (vẽ khoảng năm 1545) - tác phẩm trọng điểm và hấp dẫn nhất trong sự nghiệp của Titian, theo dòng thăng trầm của lịch sử chiến tranh thế giới đã trở thành một trong những báu vật nghệ thuật lớn nhất nước Anh. Bởi danh tác này là chiến lợi phẩm của Thống chế Arthur Wellesleyc - Công tước thứ nhất của Wellington, người chiến thắng trận chiến vĩ đại Waterloo (năm 1815, thuộc Bỉ) trước Napoléon đệ nhất, đánh đuổi quân Pháp ra khỏi Tây Ban Nha.

Trước đó, Joseph Bonaparte, người anh được Napoléon giao cai trị Tây Ban Nha, khi chạy trốn khỏi xứ này đã mang theo rất nhiều bức tranh trong bộ sưu tập của hoàng gia Tây Ban Nha. Nhưng rồi không thể cáng đáng nổi số hành lý nghệ thuật nặng nề trên đường rút lui, Joseph Bonaparte buộc phải để lại cho người Anh tiếp quản những báu vật đa quốc gia, trong đó có bức họa khỏa thân Danae truyền kỳ của Titian. 

Nàng Danae, theo thần thoại Hy Lạp, đã đón nhận cơn ân ái kỳ thú từ thần Zeus, dưới dạng một cơn mưa vàng. Trong thời Trung cổ và Phục hưng, Danae được nhìn nhận như một biểu tượng của sự cám dỗ vật chất và ái tình. Câu chuyện về kiệt tác nghệ thuật đầy gợi dục này được hình thành từ khát vọng dục tình không che giấu của một vị Hồng y thành Venice, với người mẫu là một kỹ nữ nổi tiếng đương thời, dưới bàn tay tài hoa cùng tâm hồn phiêu linh phóng đãng của một họa sĩ thuộc hàng bậc nhất thời ấy, tại xưởng vẽ ở Rome. Bức Danae khi mới vẽ xong rất nổi tiếng, đến độ thiên tài Michelangelo (1475-1564), người có danh hiệu “Nhân vật thời Phục hưng”, là bạn đồng thời là đối thủ xứng tầm với thiên tài toàn năng nhất lịch sử nhân loại Leonardo da Vinci (1452-1519), đã đích thân đến xưởng vẽ của Titian để chiêm ngưỡng kiệt tác hội họa này của đồng hương. 

Nhưng dịch bệnh “Cái chết đen” đã không nương tay với Titian, người họa sĩ từng được phong là Bá tước Palatine và cũng đồng thời trở thành một hiệp sĩ, sau khi vẽ một bức chân dung để đời cho Hoàng đế Charles V tại Bologna năm 1532. Tuy nhiên, với những sáng tác nghệ thuật vẫn còn để lại cho hậu thế, tên tuổi của danh họa Titian mãi mãi vượt thời gian. 

2. Tintoretto (1518-1594), một học trò xuất chúng của Titian, cũng sinh ra trong thời dịch bệnh hoành hành và phải đương đầu với cơn tai biến của lịch sử bằng nghệ thuật của chính mình.

Một trong những kiệt tác của danh họa Tintoretto
Một trong những kiệt tác của danh họa Tintoretto

Lớn lên trong một gia đình rất nghèo ở Venice, cha làm nghề thợ nhuộm nên từ bé Tintoretto đã biết dùng bột thuốc nhuộm để vẽ những bức tranh đầu tay trên vải rồi đem đi bán dạo. Nhờ thế, đến khi bắt đầu thành danh, Tintoretto có nhiều thủ thuật để thu hút khách hàng, ngoài tài nghệ vẽ tranh. Thời của ông, các họa sĩ sống chủ yếu bằng đơn đặt hàng dài hạn từ nhà thờ và tu viện của giáo hội hoặc từ giới quý tộc. Tintoretto không ngần ngại chào giá hạ để giành lấy các hợp đồng hoặc khách nào đặt hàng sẽ được ông hứa vẽ thêm tranh hay bích họa để biếu tặng, như một cách khuyến mãi thời nay. 

Dù tên tuổi nhanh chóng được nhiều khách hàng ở Venice biết đến, nhưng Tintoretto lại bị các nghệ sĩ cùng thời ghét bỏ. Tintoretto có năng lực vẽ tranh phi thường. Ông vẽ nhiều, vẽ nhanh, vẽ liên tục như thể ông không biết mệt. Và không hẳn ông vẽ nhiều để bán nhiều, khi đã nổi tiếng, vì một quá khứ từng nghèo túng. Về điều này, các nhà nghiên cứu cho rằng dường như Tintoretto vẽ trong tâm thế phải “sống gấp” giữa thời đại dịch, như hiện tượng phổ biến ở xã hội thời ấy mà nhà nhân học Giovanni Boccaccio đã đề cập và mô tả lại. 

Có lẽ cái chết vì dịch bệnh của bậc thầy Titian cũng là nhân tố ảnh hưởng đến cuộc “khổ nạn” nghề nghiệp này của danh họa Tintoretto. Năm 2018, viện bảo tàng Luxembourg (Pháp) đã tổ chức cuộc triển lãm “Tintoretto, ngày sinh của một thiên tài” (Le Tintoret, la naissance d’un Génie), nhân kỷ niệm 500 năm ngày sinh của danh họa này. 

3. Họa sĩ chân dung vĩ đại nhất của thế kỷ XVI, danh họa Hans Holbein (1497-1543) của Đức, cũng qua đời vì dịch bệnh “Cái chết đen”. Ông là người có lối vẽ theo phong cách Phục hưng phương Bắc, góp phần đáng kể cho lịch sử thiết kế và minh họa sách thông qua các sáng tác hội họa với bản in khắc gỗ. 

họa nổi tiếng của danh họa Hans Holbein: Dance Macabre
Bức họa nổi tiếng của danh họa Hans Holbein: Dance Macabre

Ngay trong thời hoàng kim của mình, trước khi dịch bệnh tìm đến “gõ cửa” tận nhà, danh họa Hans Holbein cực kỳ quan tâm đến chủ đề về cái chết. Điểm đặc biệt là ông đã cho chủ đề tưởng chừng lúc nào cũng u ám này mang một phong cách nghệ thuật mới, có phần châm biếm. Các tác phẩm của Hans Holbein cho thấy cái chết là lẽ vô thường, không phụ thuộc vào tuổi tác lẫn địa vị xã hội của bất kỳ ai. Thậm chí bóng dáng của cái chết sẽ song hành trong cuộc sống của các nhân vật mà không cần cảnh báo.

Đây cũng chính là quan điểm chung về cái chết của xã hội thời ấy ở châu Âu, thời dịch bệnh liên tục quét tới quét lui như cái đuôi dài mang tính tiên tri hắc ám truyền kiếp của “sao chổi”. Đó cũng là lời cảnh báo thường trực của tôn giáo thời kỳ này, nhắc nhở các tín đồ về sự vô thường và trống rỗng trên thế gian. Với nghệ thuật của Hans Holbein, loạt tranh in khắc gỗ Danse Macabre/The Dance of Death (Vũ điệu tử thần) vào khoảng năm 1538 là những khắc họa rõ nét nhất về chủ đề này. Bắc Âu trong suốt thời Phục hưng đã thông qua loạt tranh của Hans Holbein như một tín điều thường hằng. Thậm chí, đề tài thuộc loại ngụ ngôn thời Trung cổ này càng lúc càng trở nên phổ quát khắp châu Âu suốt nhiều thế kỷ. 

Cái chết vì dịch bệnh của danh họa Titian và danh họa Hans Holbein hoặc cuộc khổ nạn nghệ thuật của danh họa Tintoretto để tìm cách đương đầu với dịch bệnh, về phương diện nào đó là chứng nhân bất tử trong tiến trình sống của lịch sử nhân loại. Bởi, với những tác phẩm hội họa thuộc hàng danh tác mà họ để lại cho hậu thế, sự trường cửu của nghệ thuật và văn hóa của loài người đã được lưu dấu vĩnh cửu trong thời gian.

Châu Quang Phước

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI