Những công dân tốt không biết sử

11/07/2018 - 08:00

PNO - Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 với tỷ lệ 80,9% thí sinh TP.HCM có điểm môn sử dưới trung bình không khiến ai bất ngờ.

Tại Đồng Nai, tỷ lệ này là 87,24%. Năm trước, cả nước có đến 61,9% thí sinh thi sử đạt điểm dưới trung bình. Năm 2016, tỷ lệ dưới trung bình môn sử là 56,16%. Những con số cho thấy thực trạng dạy và học sử tại Việt Nam, dù giải thích cách nào, đều tệ hại. 

Nhung cong dan tot khong biet su
Hình minh họa

Hãy nhìn vào các tiết học sử của học sinh trung học để thấy rằng, các em đang ngập chìm trong những số liệu, những chiến dịch, bối cảnh lịch sử… mà hầu hết các em đều chỉ nghe giảng, ghi chép và cố nhét vào đầu để rồi rụng rơi ngay sau đó, chẳng còn gì đọng lại. 

Không thể trách các em và cũng chẳng thể trách các giáo viên khi chính giáo viên cũng không nắm được hết những gì mình dạy. Bao nhiêu giáo viên sử đã từng đến Mai Châu, ăn xôi nếp, để hiểu được câu thơ “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”, để có thể giảng cho học trò cái mùi thơm đầy quyến rũ vương vấn trong lòng những chiến sĩ trong bài thơ Tây Tiến? Những bài học lịch sử trên giấy đã nằm lại trên giấy sau khi “tạm trú” trong trí nhớ học trò mỗi mùa thi.

Thực trạng trong nhà trường là thế, thực trạng xã hội trao cho học sinh những kiến thức lịch sử nào? Chúng ta kêu gọi thanh niên phải biết sử ta, mong muốn thế hệ trẻ luôn ý thức giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng ta nhắc nhớ học trò về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng chúng ta đã nói gì với học sinh về sự kiện ngày 19/1/1974? Sáng 10/7/2018, tập sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử chính thức ra mắt độc giả Việt Nam sau bốn năm ròng rã chờ cấp phép. Bao nhiêu học sinh trung học biết về sự kiện ngày 14/3/1988, khiến chúng ta mất Gạc Ma, mất những người con ưu tú của Tổ quốc? Nếu không biết, con em chúng ta sẽ bảo vệ chủ quyền biển đảo như thế nào?

Tối 29/6, buổi nói chuyện chuyên đề Lệ Chi viên và hành trình điện ảnh của nhóm Sử talk tại Trường đại học Hoa Sen đã thu hút hàng trăm sinh viên tham dự để cùng thảo luận về một trong những vụ án oan thảm khốc nhất lịch sử Việt Nam. Buổi nói chuyện kéo dài hơn ba giờ mà vẫn đầy hào hứng. Rõ ràng, thế hệ trẻ không thờ ơ với sử. Có chăng, học sinh đã không chọn sử cho một hệ thống giáo dục nặng về thi cử, xét tuyển đại học và cơ hội việc làm trong tương lai. Nhưng đó cũng chính là “cái chết” của lịch sử nước nhà. 

Ở một góc nhìn khác, tỷ lệ thí sinh TP.HCM đạt điểm trên trung bình môn giáo dục công dân trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 là 98,56%. Nghĩa là chúng ta có một thế hệ học sinh nắm vững kiến thức pháp luật trong hầu hết các lĩnh vực, nhưng lại không biết mình là ai, không biết quê hương xứ sở đã từng trải qua những biến cố gì, không biết ông cha mình ăn mặc ra sao, gìn giữ những tập tục nào… Thế hệ trẻ liệu có trở thành những công dân tốt theo cái nghĩa hiểu biết pháp luật nhưng vong bản? 

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI