Những chiến sĩ trẻ nơi đầu sóng ngọn gió

01/06/2014 - 07:32

PNO - PNO - Tàu cảnh sát biển 2012 (thuộc Hải đội 201, Vùng cảnh sát biển 2) là một trong hai chiếc tàu đầu tiên của Viêt Nam ra Hoàng Sa tiến hành đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển Việt...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trên chiếc tàu từng có nhiều "vết thương tích" này, có những người lính tuổi đời còn rất trẻ luôn sẵn sàng hy sinh thân mình vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Nhung chien si tre noi dau song ngon gio

Chiến sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn neo tàu vào bờ. Ảnh: Thanh Tuấn

Nhớ biển như nhớ nhà

Con tàu rẽ sóng nước đưa chúng tôi ra biển. Nắng rát, hơi muối và cơn say sóng khiến chúng tôi mệt đừ người.

"Ăn sóng nằm gió" đã quen, những chiến sĩ cảnh sát biển gương mặt đen sạm vẫn thản nhiên đứng ở mũi tàu, trực chỉ hướng ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), nơi có những ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm hôm 26/5.

Không giống những ngày căng mình đối đầu với sự bao vây, phun vòi rồng, đâm húc của tàu Trung Quốc ở Hoàng Sa, hôm nay các chiến sĩ trong bộ áo quần vải trở về đời sống bình dị, chuyền tay nhau tờ báo đọc hoặc cuộn mình trong chăn nằm xem phim.

Nhung chien si tre noi dau song ngon gio

Ba chiến sĩ trẻ tuổi nhất trên tàu cảnh sát biển 2012, từ trái qua: Tuấn, Hưng, Linh. Ảnh: Thanh Tuấn

Nguyễn Khánh Hưng (20 tuổi), quê Lệ Thủy, Quảng Bình là chiến sĩ cảnh sát biển trẻ nhất trên tàu. Hưng tâm sự: "Sau khi hoàn thành xong khóa huấn luyện, em được cấp trên phân công nhiệm vụ ra Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ chấp pháp trên biển. Đã 4 lần em được ra Hoàng Sa, mỗi lần đều có những cảm nhận khác nhau. Hoàng Sa mênh mông, sóng gió đôi khi dữ dằn nhưng có khi lại êm đềm kỳ lạ. Cũng như nỗi nhớ nhà, lâu ngày không được ra biển là lòng em lại cảm thấy nhớ".

Nhiều lần chứng kiến tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, cố tình gài bẫy tàu 2012, Hưng và các đồng chí của mình đều sôi sục lòng căm giận, luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, đồng thời bảo vệ con tàu trước sự hung hãn của phía bên kia, nhưng tất cả đã phải rất kiềm chế.

Nhà có hai anh em, Hưng là anh cả trong nhà. Những ngày biển Đông dậy sóng, Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền, cũng là ngày mà bố mẹ Hưng ở quê lòng dạ như lửa đốt. "Lúc tàu bọn em nằm trực chiến ở Lý Sơn, điện thoại có sóng nhưng rất chập chờn. Nghe tiếng ba mẹ ở quê, em nhớ nhà, nhớ thằng em trai ghê lắm" - Hưng kể.

"Dù lo lắng nhưng lần nào bố mẹ cũng động viên em giữ vững quyết tâm, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ở nhà bố mẹ luôn tin tưởng, dõi theo em. Chừng nào Trung Quốc rút giàn khoan HD - 981 ra khỏi vùng biển của ta thì khi đó em mới xin phép cấp trên về thăm nhà" - Hưng quả quyết.

Nhung chien si tre noi dau song ngon gio

Nỗi nhớ nhà, nhớ biển luôn rao rực trong lòng lính trẻ. Ảnh: Thanh Tuấn.

Bình dị đời lính trẻ

Gần 2g trưa, Hưng cùng Nguyễn Mạnh Linh (21 tuổi), quê Bố Trạch, Quảng Bình xung phong vào bếp. Linh cho biết: "Ở đây, tàu là nhà, anh em chiến sĩ là một gia đình. Mọi người thay phiên nhau nấu cơm ăn. Hôm nay hai đứa em sẽ nấu cơm cho gần 30 đồng chí trên tàu và cả khách mời là các nhà báo".

Lương thực dự trữ trên tàu, đồ tươi được một tháng gồm rau củ quả, đồ khô khoảng ba tháng.

Nhung chien si tre noi dau song ngon gio

Trên tàu CSB 2012, bất kể chiến sĩ nào cũng thành đầu bếp. Ảnh: Thanh Tuấn.

Hỏi Linh, lỡ như "đầu bếp" nào nấu cơm canh không ngon, mọi người ăn không nuốt nổi thì sao? Linh cười: "Đời lính biển, bữa cơm vui vẻ, thân mật, tự dưng thấy no, ngon lành rồi. Không ai quan trọng chuyện cơm khê, canh mặn cả".

Nét mặt cương nghị, làn da rám nắng vị mặn mòi của nước biển Đông, trông Linh dày dặn hơn hẳn so với tuổi 21 của mình.

Dáng người phốp pháp, khỏe mạnh, chiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn (24 tuổi), quê Quảng Trạch, Quảng Bình nỗ lực kéo dây thừng neo tàu trong bộ cảnh phục biển.

Tuấn tâm sự: "Em mới ra Hoàng Sa lần đầu tiên. Mới đầu lên tàu cảnh sát biển, em là tân binh nên say sóng liên tục. Vậy mà ra giữa Hoàng Sa, thấy tàu Trung Quốc hành hoành, tự nhiên như được tiếp thêm sức mạnh, em thấy người khỏe hẳn lên, bắt tay nhanh vào công việc".

Những tối rãnh rỗi, Tuấn thường thư giãn bằng cách câu cá mực giữa biển khơi, cải thiện cuộc sống cho anh em. Thỉnh thoảng Tuấn ra phía sau đuôi tàu chăm sóc đàn gà đang nuôi.

Những ngày tàu nằm trực chiến ở đảo Lý Sơn, chỉ chờ lệnh cấp trên là tức tốc ra Hoàng Sa ngay, Tuấn thường xuống biển lặn mò con ốc biển, sao biển. Khi nào được về đất liền thì mang tặng người yêu.

"Đời lính lênh đênh trên biển, bạn gái ở hậu phương thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn đó nên lúc nào bắt sóng điện thoại được là động viên, chia sẻ với em ngay" - Tuấn nói.

Thanh Tuấn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI