Những bông hoa trên tuyến lửa C1 và những ngày không thể nào quên

22/03/2024 - 16:14

PNO - Suốt 10 năm liền, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) đường C1 với những thiếu nữ tuổi từ trăng tròn băng rừng, lội kênh rạch để vác đạn dược, vận chuyển hàng hóa, đưa rước cán bộ, bộ đội, chăm sóc thương binh. Họ đã dùng tuổi thanh xuân, xương máu của mình làm nên con đường C1 huyền thoại.

Chiến trường khốc liệt

Ngày 22/3, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã tổ chức chương trình giao lưu, gặp gỡ các cựu nữ TNXP tuyến đường C1 với chủ đề Những bông hoa trên tuyến lửa C1.

Chương trình đã gặp gỡ những nữ TNXP trên tuyến đường C1 huyền thoại trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Ngoài nhiệm vụ làm công dân hỏa tuyến, xây dựng các con đường phục vụ kháng chiến, các TNXP còn là giao liên dẫn đường cho bộ đội, vận chuyển thư từ, hàng hóa và đưa thương binh về hậu cần để phục vụ cho tiền tuyến.

Bà Lâm Thị Minh Tâm - nữ chiến sĩ TNXP TP Cần Thơ, người từng giữ chức Trung đội trưởng, Phó chính trị viên đại đội - kể lại, cung đường đặc biệt mà bà cùng đồng đội đi qua từ lộ Cái Sắn đến kênh Vĩnh Tế. Đây là con kênh nằm giữa biên giới Việt Nam - Campuchia, từng là 1 địa danh ác liệt đến mức được lực lượng TNXP gọi là “kênh Vĩnh Biệt”…

Những cựu Nữ TNXP chia sẻ tại chương trình giao lưu
Những cựu nữ TNXP chia sẻ tại chương trình giao lưu Những bông hoa trên tuyến lửa C1

Những ngày đầu chưa quen, địa hình trắc trở khiến việc thi hành nhiệm vụ của các nữ TNXP vô cùng khó khăn.

“Ở miền Nam chỉ có 2 mùa nhưng ở chiến trường thì có 3 mùa: mùa nước nổi, mùa khô và mùa lỡ nước, lỡ khô. Mùa nước nổi, chúng tôi đi chủ yếu bằng xuồng ba lá - loại xuồng đi rừng vùng Hà Tiên. Mỗi chiếc xuồng mong manh mà chở được từ 400-500kg hàng.

Bên cạnh xuồng ba lá, còn có xuồng độc mộc chở được nhiều hàng hơn. Mùa khô thì chuyển sang đi đường bộ. Còn mùa lỡ nước, lỡ khô thì vẫn chèo xuồng, nhưng đến đoạn khô là phải vác xuồng và vác vũ khí để đi” - bà Minh Tâm kể.

Mỗi ngày, các nữ TNXP nhận hàng lúc 5 giờ chiều và chuyển hàng đến trạm, đổi xuồng rồi quay về trước khi trời sáng, có đợt đi liên tục 29 ngày trong tháng. Người thì lúc nào cũng ướt, do mũi xuồng va chạm vào cây là té xuống nước. Vậy mà có những người giấu nhẹm mình bị bệnh để được đi công tác.

Chia sẻ thêm những khó khăn, gian khổ khi tham gia TNXP trên tuyến đường C1, bà Nguyễn Xuân Phấn - con gái mẹ VNAH Ngô Thị May - một nữ TNXP giữ chức vụ trung đội trưởng của Liên đội II, và là Đại úy công an phụ trách hậu cần thuộc Sở Công an tỉnh Hậu Giang - cho biết, xác chết của địch và ta không kịp chôn, trôi sông mỗi ngày làm nguồn nước bị ô nhiễm, rồi căn bệnh sốt rét rình rập trong điều kiện làm việc thiếu thốn.

Trang phục chỉ có 2 bộ đồ để thay đổi, cả tháng không tắm, ngụp lặn trong nước bẩn suốt khiến áo quần chưa kịp khô thì đã ướt tiếp, nên chị em nào cũng bị lác da và bệnh phụ khoa. Thậm chí, mái tóc dài bóng mượt là niềm tự hào của các cô gái tuổi trăng tròn cũng rụng từng nắm. Để đỡ vướng víu khi làm nhiệm vụ, các nữ TNXP phải cắt tóc ngắn để đỡ xót xa khi nhìn bóng mình dưới nước.

Những bông hoa ngã xuống làm nên con đường mòn trên đất mẹ

Để giữ vững con đường huyết mạch phục vụ đánh địch, vận chuyển vũ khí, phương tiện chiến tranh, đưa quân từ miền Bắc vào miền Tây Nam Bộ, hàng trăm “bông hoa” đã ngã xuống “trên tuyến lửa C1 huyền thoại”.

Bà Phạm Tuyết Hồng - cựu nữ TNXP tỉnh Cà Mau - kể, bà thoát ly gia đình đi TNXP trên tuyến đường C1 khi mới 15 tuổi, với vai trò là một y tá ở Đại đội Nguyễn Việt Khái 2, Cà Mau. Mỗi ngày tham gia tải đạn, vận chuyển vũ khí, nhưng lúc nào bà cũng mang theo thùng thuốc bên mình, để khi đồng đội bị thương thì kịp thời cứu chữa.

Các đại biểu là cựu Nữ TNXP chia sẻ những kỷ niệm hoạt động trên tuyến đường C1
Các đại biểu là cựu nữ TNXP chia sẻ những kỷ niệm hoạt động trên tuyến đường C1

Vốn là người nhút nhát, nhưng trong một đêm năm 1967, bà chứng kiến cảnh trung đội trưởng của mình là nữ TNXP Phạm Thị Phiên bị thương nặng tại Gộc Xây, Hà Tiên. Cố gắng băng bó, cả người bà cũng ướt đẫm máu từ vết thương người đồng đội. Cuối cùng, trung đội trưởng Ba Phiên không qua khỏi.

Vì đơn vị phải chuyển hàng đi trong đêm, nên bà Hồng được phân công ở lại giữ xác đồng đội, chờ đơn vị đến chôn cất.

Nhớ lại thời khắc ấy, bà Tuyết Hồng xúc động kể: “Một người nổi tiếng nhát và sợ ma như tôi, chứng kiến đồng đội mình hy sinh, tôi không còn biết sợ là gì nữa. Tôi giăng mùng cho thi hài chị Ba đỡ lạnh và tránh bị ruồi muỗi bu. Đêm tối mịt, tiếng côn trùng kêu rỉ rả, nghe đau buốt tâm can. Thương chị, tôi bật khóc nức nở. Tình đồng đội đã giúp tôi vượt qua nỗi sợ hãi và đêm tối bao trùm”.

Bà Nguyễn Thị Thắm - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ - cho biết, tuyến đường C1 ra đời từ cuối thập niên 60 và những năm đầu thập niên 70, khi đường mòn Hồ Chí Minh trên biển bị địch phát hiện.

Để đảm bảo vận chuyển, chi viện của trung ương về chiến trường Khu Tây Nam Bộ, Khu ủy, Khu đoàn Tây Nam Bộ và Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã chỉ đạo hình thành tuyến đường vận tải C1 do lực lượng TNXP tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Trong hơn 800 người làm nên huyền thoại C1, có đến 2/3 là những cô gái tuổi từ 15 đến 20. “Ở nơi được mệnh danh là “Trường Sơn giữa đồng bằng”, nơi “sắt thép cũng tan chảy”, vậy mà những cô gái TNXP đã đưa hơn 13 ngàn tấn vũ khí cho chiến trường Tây Nam Bộ, đưa cán bộ, phương tiện về khắp các chiến trường khu 8, khu 9.

Có hơn 400 TNXP trên tuyến đường C1 đã hy sinh và rất nhiều người trong số đó không tìm thấy hài cốt. Họ đã làm nên huyền thoại con đường C1 lịch sử bằng tuổi thanh xuân và xương máu của mình.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI