Nhộn nhịp “thị trường” bằng lái giả sau Nghị định 100

19/02/2020 - 14:45

PNO - Không lâu sau khi lực lượng chức năng triển khai xử lý vi phạm theo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ, đã có hàng chục ngàn trường hợp vi phạm bị tước giấy phép lái xe (bằng lái xe). Số người khai báo mất bằng lái xe cũng tăng vọt, tình trạng mua bán bằng lái giả cũng trở nên công khai, nhộn nhịp.

Nạn làm bằng lái giả hoành hành

Ngày 18/2, Công an Q.5, TPHCM cho biết, đã triệt phá đường dây làm giấy tờ giả mạo công an. Trước đó, ngày 13/2, trong quá trình tuần tra, lực lượng chức năng phát hiện đối tượng sử dụng một bằng lái có dán hình công an và tự xưng mình đang công tác tại một đơn vị thuộc Công an Q.5.

Qua đấu tranh, đối tượng khai nhận “nhờ” một đối tượng khác làm giấy phép lái xe giả có dán hình công an với chi phí 7 triệu đồng, nhằm xuất trình khi bị cảnh sát giao thông kiểm tra. Công an cho biết, những tấm bằng lái giả loại này có xuất xứ từ tiệm photocopy ở Q.Phú Nhuận, do Trần Văn Tùng làm chủ. 

Khoảng một tháng qua, trên nhóm kín của một hội xe ôm công nghệ, nhiều tài xế liên tục than trời vì bị lực lượng chức năng tước bằng lái đến gần 2 năm. Tham gia nhóm kín này, chúng tôi phát hiện, ngay dưới các bài viết “than thở” này là các đường link dẫn đến các trang quảng cáo làm bằng lái siêu tốc, phôi chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải.

Bằng lái xe giả được rao bán
Quảng cáo làm bằng lái xe được đăng trên mạng xã hội
Các trang dành cho sinh viên cũng xuất hiện tình trạng quảng cáo làm bằng lái giả
Các trang dành cho sinh viên cũng xuất hiện tình trạng quảng cáo làm bằng lái giả

Anh Nguyễn Khánh Hưng - tài xế xe công nghệ, ở Q.Tân Bình, TPHCM - tiết lộ: “Hôm 16/1, tôi bị xử phạt và tước bằng lái gần 2 năm. Tôi lên nhóm thì lập tức có một người nhắn tin, hướng dẫn tôi làm lại. Họ nói chỉ cần thông tin bằng lái xe đã bị tước và một tấm ảnh là ngày hôm sau, sẽ có lại bằng lái”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trang mạng rao bán bằng lái giả nhiều nhất có tên là “Bằng lái ô tô”. Trang này sử dụng ảnh đại diện là hình quốc huy và trụ sở của một đơn vị trực thuộc ngành công an nên thu hút được hàng chục ngàn lượt truy cập, theo dõi. Trên trang này, dày đặc các mẩu quảng cáo làm bằng lái giả.

Ngày 16/2, chúng tôi liên lạc đến số điện thoại 0326xxx085 gặp một người đàn ông tên Minh để hỏi về “dịch vụ” làm bằng lái giả. Sau một vài câu trao đổi, Minh chốt ngay: “Em còn hình chụp bằng lái đã bị tước không? Nếu còn, em gửi qua Zalo cho anh, kèm một tấm ảnh là anh làm cho em luôn. Giá của bằng lái hạng C là 2,5 triệu đồng, khi nào nhận bằng, mới thu tiền”.

Qua trò chuyện, người đàn ông tên Minh còn tiết lộ, sau khi Nghị định 100 có hiệu lực (ngày 1/1/2020), có rất nhiều người liên hệ với ông để làm bằng lái giả. Ngoài trường hợp bị tước bằng làm “phôi mới” để chạy tạm trong một thời gian, cũng có rất nhiều người làm bằng “sơ cua”. 

“Anh nói thật với em, bên anh là phôi chuẩn của bộ, còn thông tin số hiệu bằng lái của em là thật nên không đời nào bị phát hiện. Nếu em ở TPHCM, hôm nay em gửi thông tin, sáng mai em nhận được bằng lái. Ở tỉnh thì khoảng hai ngày là có bằng thôi” - người tên Minh nói.

Không chỉ trong giới lái xe, tại các trường học, tình trạng rao bán giấy phép lái xe giả cũng đang ì xèo. Trên trang “Khu B - Ký túc xá Đại học Quốc gia”, có rất nhiều người vào rao bán bằng lái xe giả. Trong đó, có một phụ nữ tự giới thiệu tên là Mỹ Kỳ, liên lạc giao dịch bằng lái giả qua số điện thoại 0564xxx146. Khi chúng tôi nói muốn làm bằng lái giả, người này cho biết: “Chị nói luôn, bằng lái tước 6 tháng mà mấy em chạy Grab hay đi làm thêm, cảnh sát giao thông họ thổi lại là họ giữ xe luôn đó. Giờ em làm bằng lái xe máy thì chị làm cho, giá sinh viên luôn. Bằng lái xe máy giá 1,5 triệu, ngày mai lấy luôn”.

Theo Nghị định 100, nhiều hành vi vi phạm giao thông đã bị tăng mức xử phạt, trong đó có việc tước giấy phép lái xe với thời hạn dài hơn. Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, sau một tháng triển khai, đã có 10.695 trường hợp bị tước giấy phép lái xe có thời hạn.

Tại TPHCM, trong 45 ngày cao điểm trước, trong và sau tết, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TPHCM đã tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 6.031 trường hợp. 

Hình ảnh bằng lái giả được các đối tượng quảng cáo trên mạng
Hình ảnh bằng lái giả được các đối tượng quảng cáo trên mạng

Phạt nghiêm nếu khai man
Cùng với tình trạng rầm rộ mua bán bằng lái xe giả, từ đầu năm 2020, những trường hợp khai báo mất bằng lái xe tăng một cách bất thường. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong một tháng trở lại đây, số trường hợp xin cấp lại giấy phép lái xe do bị mất tăng tới 30% so với tháng trước khi Nghị định 100 có hiệu lực 
thi hành.

Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện chưa thể kết luận nguyên nhân gây ra tình trạng gia tăng trường hợp báo mất bằng lái xe để được cấp lại. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần tính đến khả năng do Nghị định 100 tăng nặng mức xử phạt và thời hạn tước giấy phép lái xe. Nhiều người khai báo mất bằng để làm sẵn những bằng lái khác, đối phó với lực lượng chức năng. 

Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông - cho biết: “Trước đây, một lái xe có thể có 2-3 giấy phép lái xe, có khi họ báo mất để được cấp lại, hoặc báo mất ở địa phương này để xin cấp lại ở địa phương khác. Nhưng hiện nay, đã có kết nối thông tin, nếu lái xe báo mất, trên hệ thống của Tổng cục Đường bộ sẽ kiểm tra được ngay”.

Theo ông Đức, từ năm 2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông đã thực hiện việc kết nối thông tin dữ liệu. Lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường có thể tra cứu và phát hiện các trường hợp vi phạm. Chính sự kết nối này đã khắc phục được tình trạng khai man để được cấp bằng lái mới.

Một lãnh đạo ngành cảnh sát giao thông ở TPHCM nhận định: “Việc tăng tỷ lệ cấp, đổi giấy phép lái xe có thể do nhu cầu thực tế chứ không phải khai man. Hiện nay, việc khai man rất khó vì đã có kết nối thông tin dữ liệu. Nếu người vi phạm bị tước bằng mà báo mất, sẽ lập tức bị phát hiện và xử lý rất nghiêm”. 

Người dân TPHCM đổ xô đi đổi bằng lái giấy 

Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, hiện tại, mỗi ngày, số hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe từ giấy bìa sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET tăng rất nhiều so với khoảng thời gian trước, đặc biệt là giấy phép lái xe không thời hạn các hạng A1, A2, A3. Sở dĩ có hiện tượng này là do người dân nghe theo những tin đồn rằng, các loại giấy phép lái xe bằng giấy bìa không còn giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2020.

Theo sở này, tại khoản 1, điều 37, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 38/2019/TT-BGTVT ngày 8/10/2019 (quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ), “việc đổi giấy phép lái xe bằng giấy bìa sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET được khuyến khích thực hiện trước ngày 31/12/2020”.

Do đó, sau ngày 31/12/2020, giấy phép lái xe giấy bìa không thời hạn các hạng A1, A2, A3 chưa làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe vẫn có giá trị sử dụng. Với những trường hợp bị hỏng, bong, tróc, người dân nên đến các điểm cấp, đổi giấy phép lái xe đã được công bố trên trang thông tin điện tử của Sở Giao thông Vận tải để thực hiện theo đúng quy định.

Sơn Vinh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Lê Xuân Lộc 20-02-2020 11:29:38

    Có cung ắt phải có cầu, tuy nhiên các cơ quan chức năng cần phải triệt để phá đường dây làm, mua bán bằng giả. Phải xử hình sự bọn làm bằng giả và cũng xử lý nghiêm bọn lái xe sử dụng bằng lái xe giả. Nói chung là bỏ tù hết người làm (người bán) cũng như người dùng (người mua).

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI