Nhờ nguồn vốn của Hội, đầm hoang thành điểm du lịch hấp dẫn

31/10/2018 - 15:00

PNO - Gần 10 năm nay, nhờ nguồn vốn của Hội, vợ chồng bà Phạm Thị Quý - tổ 7, khu phố Tam Đa, P.Trường Thạnh, Q.9, TP.HCM - đã cải tạo một vùng đầm lầy đầy rắn rết thành địa điểm tham quan hấp dẫn: đầm sen Tam Đa.

Đầm sen rộng 4ha này mỗi ngày đón hàng trăm du khách đến ngắm sen, chụp ảnh.

Nho nguon von cua Hoi, dam hoang thanh diem du lich hap dan
Vợ chồng bà Quý trên đầm sen Tam Đa.

Đầm hoang thành đầm sen

Là con gái thứ bảy trong gia đình nông dân 12 chị em ở tỉnh Đồng Nai, từ nhỏ, bà Quý đã quen chân lấm tay bùn. Năm 1990, bà về nhà chồng - ông Lý Văn Sáng (Hai Sáng), ở Q.9, TP.HCM. Ba người con lần lượt chào đời, đất đai không có bao nhiêu nên hai vợ chồng phải làm mướn suốt. 

Năm 2009, phần đất của đầm sen Tam Đa bây giờ vẫn còn bị bỏ hoang, cây ráng mọc um tùm. Gia đình bà Quý dựng căn chòi lá sát mép đầm. Mùa mưa, gió tốc mái, chòi xơ xác. Trong cảnh “màn trời chiếu đất”, ông Hai Sáng lên phường trình bày nguyện vọng được mượn đất, khai hoang để gieo trồng, được chính quyền địa phương chấp thuận. Mấy tháng liền, ông bà cùng chặt ráng, dọn đầm, ngày nào cũng lội nước 15, 16 giờ. 

Bà Quý nhớ lại: “Mình xuất thân nông dân nên khi có đất là nghĩ ngay đến trồng lúa, nhưng chuột cắn phá dữ quá, thu hoạch chẳng được bao nhiêu”. Từ năm 2012, nông dân ở các phường Long Phước, Trường Thạnh của Q.9 bắt đầu bỏ cây lúa, chuyển sang trồng sen lấy ngó bán. Ông Hai Sáng lui tới chỗ này chỗ kia học kỹ thuật trồng, chăm sóc sen. “Đi Đồng Tháp về, ổng nói mê sen mất rồi. Vậy là tui theo chồng, liều một phen” - bà Quý kể. 

Điểm đến của nhiều du khách

Thời gian đầu, vợ chồng bà Quý trồng sen lấy ngó, trung bình mỗi ngày khoảng 30kg, vừa bỏ mối, vừa bán lẻ ở chợ Trường Thạnh. Đến năm 2015, có người cầm máy ảnh đi chụp hình chơi, tình cờ thấy hai vợ chồng già lom khom dưới đầm sen xanh mướt, liền gợi ý: “Sen đẹp quá, sao cô chú không làm du lịch?”. Bà Quý suy nghĩ nhiều đêm, cũng muốn liều thêm phen nữa nhưng không có vốn. Hội LHPN P.Trường Thạnh đã cho mượn vốn, lại còn giúp quảng bá điểm du lịch mới này. 

Nhờ nguồn vốn Hội Phụ nữ, vợ chồng bà Quý đầu tư làm chòi nghỉ mát, xây cầu gỗ chạy quanh đầm, sắm xuồng ba lá và cho dựng thêm vài cây cầu khỉ. Một khung cảnh làng quê thanh bình với màu xanh ngút mắt hiện ra. Nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ của Q.9 khi đến tham quan mô hình du lịch sinh thái này đã ra sức quảng bá đầm sen Tam Đa trên mạng xã hội Facebook, Zalo.

Tiếng lành đồn xa, khách đến ngày càng đông, có hôm tới mấy trăm người, có cả khách nước ngoài. Bà Quý hồ hởi: “Mười năm trở về trước, còng lưng làm riết vẫn nghèo. Nếu không có chính quyền địa phương và Hội Phụ nữ giúp thì không có đầm sen Tam Đa bây giờ. Vợ chồng tôi vẫn chưa trả hết nợ vay Hội Phụ nữ, nhưng mấy cô bên Hội nói cứ lo làm ăn, vốn từ từ trả cũng được”. 

Chập choạng tối, bà Quý rời đầm sen, vô nhà chuẩn bị cơm tối cho má chồng - bà Nguyễn Thị Bọ, 83 tuổi. Mấy năm nay, bà Bọ bị lẫn, sức khỏe rất yếu. Sáng nào, bà Quý cũng bồng má chồng ra võng hoặc đẩy xe lăn đi dạo một vòng rồi mới bắt tay làm công việc hằng ngày. Ở Tam Đa, người dân quý mến vợ chồng bà Quý không chỉ ở nỗ lực thoát nghèo mà còn bởi tấm lòng thơm thảo.

Trước đây, dịp rằm tháng Bảy, gia đình bà Quý được các nhà hảo tâm tặng phiếu nhận gạo và nhu yếu phẩm; khi kinh tế bớt chật vật, bà đã nhường phiếu này cho người khác, lại còn xin thêm phiếu để chia cho chị em có hoàn cảnh khó khăn ở khu phố. 

Thấy ba đứa con của vợ chồng chị Mai Thị Thủy nheo nhóc, bà Quý tình nguyện trông nom, đưa đón đi học. Chị Thủy tâm sự: “Khi đầm sen Tam Đa trở thành điểm du lịch sinh thái, chị Quý kêu tôi đừng làm công nhân nữa, về chỗ chị nuôi gà, vịt, trồng rau, mở dịch vụ cho thuê áo dài, áo bà ba, áo yếm và bán các món ăn dân dã, sẵn đó chăm sóc các con cho tiện. Chị Quý nhờ Hội Phụ nữ, nhờ sen mà khá lên, còn gia đình tôi nhờ chị mà cuộc sống cũng 
dễ thở”. 

Mẫn Nhi

Mô hình du lịch sinh thái của chị Quý được địa phương đánh giá rất cao. Khu vui chơi, giải trí này góp phần tái hiện hình ảnh làng quê thanh bình với những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc liên quan đến sen. Là người ham tìm tòi, học hỏi, anh Hai Sáng cũng rất kỳ công trong việc chăm sóc đầm sen và luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người. 

  Bà Lê Thị Mỹ Hạnh - Phó chủ tịch Hội LHPN Q.9

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI