Nhiều nỗ lực để thực phẩm an toàn đến tay bà nội trợ

06/02/2019 - 18:00

PNO - Thời gian qua, Hội LHPN TP.HCM đã có nhiều hoạt động truyền thông, xây dựng nhiều mô hình hay để đưa thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng.

Trước vấn nạn thực phẩm kém chất lượng đang tràn lan, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, thời gian qua, Hội LHPN TP.HCM đã có nhiều hoạt động truyền thông, xây dựng nhiều mô hình hay để đưa thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng. 

Nhieu no luc de thuc pham an toan den tay ba noi tro
Nhiều cán bộ, hội viên, phụ nữ tìm hiểu về các loại rau, củ, quả an toàn do VinMart cung cấp tại hội thảo "Từ ăn sạch đến sống xanh"

Hai tháng nay, mỗi khi bước vào khu bán rau, củ, quả ở khu B, chợ Hòa Hưng (Q.10, TP.HCM), khách đi chợ đều thấy sạp rau củ quả của chị Phạm Thị Thu Loan treo băng-rôn "Điểm kinh doanh rau an toàn". Đây là điểm bán rau an toàn đầu tiên được triển khai trong hệ thống các chợ ở Q.10, góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình, cộng đồng”. Các loại rau, củ, quả bày bán tại đây đều được trồng theo chuẩn VietGap. 

Giữa tháng 11/2018, hơn 10 hộ kinh doanh thực phẩm trong tuyến hẻm 214 Nguyễn Trãi, P.3, Q.5 đã ra mắt mô hình "Phố an toàn thực phẩm" do Hội LHPN và Trạm Y tế P.4 phối hợp tổ chức. Các hộ kinh doanh thực phẩm ở hẻm này cam kết kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn, vệ sinh.

Trước đó, cuối tháng Mười, Hội LHPN Q.6 và Phòng Kinh tế, Phòng Y tế Q.6 cùng UBND P.13, Q.6 phối hợp tổ chức lễ phát động thực hiện mô hình “Hộ kinh doanh thực phẩm 3 có, 4 đảm bảo” tại phố ẩm thực của phường. Tại phố này, các hộ kinh doanh hàng quán cam kết đảm bảo “3 có” gồm có giấy đăng ký kinh doanh, có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, có giấy xác nhận kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm và “4 đảm bảo”, gồm đảm bảo vệ sinh, đảm bảo an toàn, đảm bảo nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và sức khỏe. 

Ngày 13/12, tại hội thảo "Từ ăn sạch đến sống xanh" do Hội LHPN TP.HCM phối hợp với nhãn hàng VinMart tổ chức, bà Nguyễn Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM - cho biết, để kiểm soát thực phẩm từ nơi sản xuất đến bàn ăn, TP.HCM đã chủ động xây dựng đề án thí điểm quản lý theo “chuỗi thực phẩm an toàn”. Đến tháng 9/2018, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã thẩm định và cấp 229 giấy chứng nhận cho 128 cơ sở sản xuất, kinh doanh với tổng sản lượng gần 110.000 tấn thực phẩm đảm bảo an toàn mỗi năm. 

Góp phần vào việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức nhiều hoạt động như vận động hội viên thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, ký kết chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành về đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị và sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn; duy trì tốt việc kết nối với các công ty, hợp tác xã ở TP.HCM và các tỉnh cung cấp cho các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn của hệ thống Hội; duy trì và nâng chất mô hình “Vườn rau dinh dưỡng gia đình”; phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) và các doanh nghiệp tổ chức phát hành “thẻ hội viên liên kết” cho hội viên phụ nữ, nhằm cổ động hội viên mua sắm hàng có chất lượng, xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý.

"Thông qua các hoạt động của mình, Hội LHPN TP.HCM mong muốn cùng cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, các doanh nghiệp và đặc biệt là hội viên, phụ nữ làm cho thực phẩm ngày càng an toàn hơn, đồng thời làm lan tỏa phong cách sống xanh, bảo vệ môi trường sống, vì tương lai của thế hệ mai sau" - bà Trần Thị Huyền Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, chia sẻ. 

 Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI