Nhà văn Võ Thu Hương: “Tôi muốn viết về tuổi thơ thời chống Mỹ”

14/10/2022 - 07:42

PNO - Nhà văn Võ Thu Hương là một cây bút nữ khá lặng lẽ. Chị đã xuất bản 12 tựa sách, được trao nhiều giải thưởng văn chương, nhưng rất ít khi chia sẻ điều gì trên mạng xã hội. Chị cứ miệt mài ấp ủ đề tài, và cần mẫn viết…

Viết để lan toả yêu thương 

Phóng viên: Chúc mừng chị vừa in tác phẩm mới Điều kỳ diệu dưới những gốc anh đào (Sbooks và Nhà xuất bản Văn học ấn hành). Nhưng dường như mỗi khi sách mới được phát hành, chị đều rất ít khi có những buổi ra mắt, giao lưu cùng bạn đọc. Vì sao vậy?

Nhà văn Võ Thu Hương: Đa số tác phẩm của tôi viết cho độ tuổi thiếu nhi. Với độ tuổi này, tôi nghĩ, việc nhà văn tổ chức ra mắt sách không cần thiết lắm. Thi thoảng tôi vẫn đến các trường học giao lưu với các em, nói chuyện về văn chương, đọc sách. Và việc ấy, tôi thấy thú vị, cần thiết hơn cho độc giả của mình, so với việc tổ chức một buổi ra mắt sách mới. 

* Những mẩu chuyện trong Điều kỳ diệu dưới những gốc anh đào có phải được chắt lọc từ những câu chuyện nhỏ quanh cuộc sống của con gái chị và bạn bè con? Đối với chị, thế giới trẻ thơ có luôn là một kho tàng vô tận cho người cầm bút?

- Một phần đáng kể, đúng như bạn nói, tác phẩm chính là được chắt lọc từ những mẩu chuyện nhỏ quanh cuộc sống của bé Bống - con gái tôi và bạn bè của con. Đó còn là chuyện từ những cô giáo, những đứa trẻ tôi gặp kể cho tôi nghe. Và một phần còn có cả những chuyện của tuổi thơ tôi mà tôi thấy vẫn còn phù hợp với độc giả bây giờ. Chủ đề chung của câu chuyện là sự lan tỏa yêu thương trong tình bạn, tình gia đình, quê hương. Nói ra to tát vậy, nhưng thực ra nó được thể hiện qua những câu chuyện rất gần gũi, thì mới dụ được trẻ con đọc sách.

Tôi thích trò chuyện với trẻ con, với những thầy cô giáo, và cả với những bố mẹ thích kể chuyện con mình. Đó quả là kho báu đề tài, cảm hứng cho người viết thiếu nhi. Bởi tôi tự thấy tưởng tượng của mình không hay ho bằng những câu chuyện từ cuộc sống mà mình lắng nghe được từ thế giới trẻ thơ.

* “Sau tất cả, những kỷ niệm êm đềm, ngọt ngào nhất của ấu thơ sẽ được gìn giữ lại. Tôi biết ơn những ấm áp của tuổi thơ mình, bên sông, bên núi, trong gia đình, giữa bè bạn, người thân quen…” - chị đã viết như vậy trong bìa 4 tác phẩm. Chị có thể chia sẻ tuổi thơ của mình như thế nào?

- Đó là một tuổi thơ nghèo (8X đời đầu chúng tôi đa số là nghèo) nhưng được sống gần gũi với gia đình, bè bạn, sống tự do bên sông núi, bờ bụi, hòa mình cùng thiên nhiên… Hồi đó không có học thêm, mùa hè được chơi đủ ba tháng (thường thì bố mẹ sẽ gửi về quê cho ông bà để đi làm), nên lũ trẻ có rất nhiều trải nghiệm khi vừa sống ở phố lẫn ở quê. Cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy đó là tuổi thơ nghèo về vật chất, nhưng đủ đầy, giàu có về tinh thần, vốn sống. Đến bây giờ tôi vẫn kể những câu chuyện tuổi thơ mình mà không thấy chán. 

* Viết cho trẻ nhỏ, với chị là khó hay dễ? Và khó hay dễ vì điều gì?

- Tôi vẫn nghĩ viết văn cho người lớn hay con nít đều không khó với người cầm bút. Khó viết sao cho hay mà thôi. Viết cho trẻ nhỏ có một cái dễ đầu tiên ai cũng thấy, là ai cũng từng là một đứa trẻ rồi, đã có trải nghiệm, vốn sống của một đứa trẻ. Khó ở chỗ làm sao để câu chuyện mình kể ra được lũ trẻ hiện nay đón nhận, khi mà tuổi thơ của tác giả và chúng cách nhau hàng chục năm? Khoảng cách hàng chục năm ấy là sự thay đổi rất lớn về tư duy, thậm chí cả cách nói năng, hành xử… 

Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ trẻ con thời nào cũng có những điều rất chung: sự hồn nhiên, nhân hậu, tin vào cổ tích, và có tình yêu rộng mở không chỉ với con người, mà còn với cỏ cây, hoa lá, chó mèo… Nên khi chọn được câu chuyện, cách kể phù hợp cũng không quá khó để tìm được sự đồng cảm cùng lũ trẻ. Và viết cho trẻ con cũng giúp tôi giữ cho những hồn nhiên, trong trẻo ở lại với mình lâu dài.

“Ngày viết Nụ cười chim sắt, tôi rơi nước mắt"

Nhà văn Võ Thu Hương và cô Lê Thị Thu Nguyệt,  nhân vật chính trong tác phẩm Chim Sắt bay qua vùng bão
Nhà văn Võ Thu Hương và cô Lê Thị Thu Nguyệt, nhân vật chính trong tác phẩm Chim Sắt bay qua vùng bão

* Là một cây bút viết cho thiếu nhi, nhưng chị đã có một cuốn sách rất khác biệt: truyện ký Chim Sắt bay qua vùng bão (giải B giải thưởng chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015). Đây cũng là tác phẩm được bạn đọc yêu mến, được in lại nhiều lần. Duyên may đặc biệt nào khiến chị… rẽ ngang và viết về nhân vật của biệt động Sài Gòn?

- Thật ra ban đầu tác phẩm có tựa Nụ cười Chim Sắt, vốn cũng là một tác phẩm dành cho thiếu nhi. Tôi chỉ viết đến khi nhân vật Chim Sắt - cô Lê Thị Thu Nguyệt - ra tù, hết tuổi xuân của cô. Và vì là sách thiếu nhi nên tác giả phải tự bỏ qua những câu chuyện có tính chất khốc liệt. Sau khi cuốn sách hoàn thành, những câu chuyện ấy vẫn ám ảnh khiến tôi muốn kể tiếp. Và Chim Sắt bay qua vùng bão (tác phẩm được giải) được viết gồm toàn bộ những câu chuyện về nhân vật mà tôi được biết.

Về sau, vì nhiều lần tái bản, tôi chọn lại tên Nụ cười Chim Sắt. Dù rằng Chim Sắt bay qua vùng bão đúng tinh thần khốc liệt của cuộc chiến, của những gì nhân vật Chim Sắt đi qua hơn. Nhưng Nụ cười Chim Sắt lại gần với tính cách cô Thu Nguyệt, một người luôn giữ sự lạc quan, vững vàng trong mọi hoàn cảnh.

Một số  tác phẩm của nhà văn  Võ Thu Hương
 

* Chim Sắt bay qua vùng bão cảm động từ những trang viết về tuổi thơ của nhân vật. Bây giờ nhớ lại, thời gian ngồi với bản thảo có không những đoạn viết/chi tiết nào về cuộc đời của nhân vật khiến chị rơi nước mắt?

- Tôi rơi nước mắt khi nghe cô Nguyệt kể về ngày mẹ cô mất trong rừng, xa chồng, xa con. “Các đồng chí ơi, bé Nguyệt đến chưa?” - người mẹ ấy mỗi khi chập chờn tỉnh dậy giữa những cơn sốt ác tính vẫn hỏi đồng chí của mình như vậy, cho đến lúc không thể tỉnh lại được nữa. Những người đồng đội dù rất đau lòng biết hoàn cảnh chiến tranh, con gái cách hàng chục cây số, không thể lên thăm mẹ được, nhưng không dám nói thật cho người mẹ biết, để người mất với sự mỏi mòn trông đợi.

Chi tiết cô Nguyệt nuôi con chim nhỏ trong nhà tù, giấu trong tóc mà con chim nhỏ vẫn bị trụi lông khi cai tù đàn áp bằng vôi bột, cũng khiến tôi cảm động. Con chim là nguồn động viên tinh thần hiếm hoi của các chị em, nuôi từ lúc bé xíu, phải nhai cơm cho ăn, gắn bó như một người bạn. Một chú chim hoàn toàn có thể cất cánh bay ra bầu trời rộng lớn, nhưng nó đã ở lại bên những người tù, và chết gục trong tù. Câu chuyện nhỏ nhưng rất thương. Hoặc chuyện cô Nguyệt phải vất vả để có thể sinh con (do thời thanh xuân bị tra tấn, nên nhiều phụ nữ từ Côn Đảo trở về rất khó khăn trong việc sinh con), vất vả nuôi con khi sức mình yếu ớt. Giai đoạn viết cuốn sách này tôi cũng đang nuôi con nhỏ nên rất dễ đồng cảm. 

* Có thể nói, với truyện ký đầu tay, chị đã rất thành công. Nhưng vì sao chị không chọn viết tiếp thể loại này, đề tài này? 

- Tôi nghĩ sự thành công của truyện ký Chim Sắt bay qua vùng bão, nếu có, là từ câu chuyện của nhân vật mà tôi có duyên gặp được. Ngoài ra, việc viết truyện ký đòi hỏi đầu tư công sức, thời gian đáng kể. Tôi không nghĩ tôi viết tốt ở mảng này hơn thể loại truyện ngắn dành cho thiếu nhi. Hiện tại, tôi rất muốn viết một cuốn sách về tuổi thơ, tuổi xuân của những cô cậu bé ở Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ. Sau khi gặp cô Nguyệt, tôi quen biết thêm một số bạn bè, đồng đội, những người cùng trang lứa với cô. Các cô chú ấy đều có những câu chuyện tuổi thơ sinh ra, lớn lên trong bom đạn rất hay. Không riêng tôi, có lẽ nhà văn nào viết cho thiếu nhi khi nghe kể đều sẽ nhận thấy đó là nguồn tư liệu quý giá. 

* Xin cảm ơn chị! 

Lục Diệp (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI