Nhà văn Phan Việt : Sợ thì cũng phải làm!

07/04/2013 - 02:38

PNO - PNCN - Hôn nhân là một hành trình. Ra khỏi hôn nhân cũng là một hành trình. Trong cuốn sách mang bóng dáng tự truyện của Phan Việt, hành trình thực trong bốn tuần lang thang ở châu Âu song hành với một hành trình khác của nội tâm, đau đớn...

Đang sống và làm việc tại Mỹ nhưng Phan Việt đã đến với độc giả từ tám năm trước bằng những tác phẩm của mình. Một mình ở châu Âu bắt đầu bằng chuyến lang thang châu Âu năm 2008 của nhân vật chính, kèm theo là những ký ức, những câu hỏi về việc buông tay hay níu lấy cái hạnh phúc chông chênh… 

* Liệu có độ chênh nào không, giữa tâm trạng của một phụ nữ lang thang dọc châu Âu cùng những ký ức, những câu hỏi đó vào bốn năm trước với một Phan Việt đã đủ thanh thản để ngồi viết lại câu chuyện của mình bây giờ?

- Những gì độc giả đọc là tâm trạng của tôi vào năm 2008. Nhưng nói thực, tôi thấy mình không thay đổi nhiều lắm. Bao nhiêu năm nay, cảm xúc và suy nghĩ của tôi khi chỉ có một mình thì vẫn chỉ chung từ một cái “lõi” ấy. Có điều, khi để mọi thứ bộc lộ qua trang viết, tôi thấy thoải mái hơn một chút vào bây giờ. 

* Nghĩa là, người đọc có thể đồng nhất tuyệt đối nhân vật xưng “tôi” với những gì Phan Việt trải qua trong chuỗi ngày tại châu Âu?

- Cuốn sách cũng khá gần với thể loại tự truyện. Nhưng nói là đồng nhất 100% thì không có. Như tôi nói trong lời giới thiệu, tất cả những thứ có tính hồi ký đều có độ lọc nhất định. Tôi phải lược những chi tiết quá cá nhân, nhất là khi chúng liên quan tới người khác; nhưng những gì liên quan đến tôi thì tôi cố gắng giữ đúng như cảm nhận lúc bấy giờ… 

* Nếu lựa chọn, đâu là lý do quyết định để chị viết Một mình ở châu Âu?

- Quyết định viết thì thực ra không có. Tôi vẫn luôn giữ thói quen ghi chép trong các chuyến đi của mình. Chỉ có quyết định in thôi. Lý do cơ bản, tôi nghĩ câu chuyện của mình có thể có ích nhất định cho những người đang trải qua những bước ngoặt trong cuộc sống gia đình. 

* Vậy, nhân vật nữ trong sách trở lại với cuộc sống độc thân - điều mà cô đã quyết định ở những trang cuối - theo cách nào?

- Nói vắn tắt thì “tôi” và “chồng tôi” trong cuốn sách chia tay nhau. Còn cụ thể thế nào, độc giả sẽ phải chờ đọc trong cuốn thứ hai. 

* Chia sẻ công khai những câu chuyện về cuộc sống gia đình và hôn nhân của mình, dù sao cũng là điều không dễ. Chị có chút ngần ngại hoặc gặp sự không đồng tình?

- Ngần ngại của bản thân thì có, nhưng tôi chưa thấy sự không đồng tình từ người xung quanh. Nguyên tắc sống của tôi là cố tránh gây tổn thương tới người khác. Còn lại, thú thực là tôi cũng thờ ơ với những đau khổ của mình. Nghe có vẻ hơi “bạo lực” với bản thân, nhưng đúng vậy đấy. Mỗi khi đau khổ, tôi cứ ngồi im và chờ nó trôi qua thôi.

Nha van Phan Viet : So thi cung phai lam!

Trước khi ra cuốn sách này, tôi có gọi điện cho những người có liên quan để nói về sự ra đời của nó. Dù sao, tôi muốn báo tin trực tiếp cho họ, chứ không muốn để họ phải nghe điều ấy từ một người nào khác. Có lẽ, mọi người đều hiểu là tôi viết những gì tôi cần phải viết. Còn, dĩ nhiên, bản thân tôi hiểu rằng cần phải tôn trọng những giao ước bất thành văn về bảo vệ sự riêng tư của những người có mặt trong cuộc sống của mình. 

* Đó là những lý do để chị chọn cái tên Bất hạnh là một tài sản cho bộ sách này?

- Về cơ bản, đó là những câu chuyện mà tôi trải qua trong mấy năm qua. Nói chung, khi câu chuyện diễn ra, tôi cũng không chắc chắn mình đúng hay sai, mà chỉ cảm thấy đang làm những việc phải làm. Thật sự, những điều ấy cũng không phải cái gì ghê gớm lắm đâu. Nhưng, sau này tôi mới hiểu rõ: nếu mình đi qua những điều tưởng như không ghê gớm ấy một cách khó khăn đến vậy thì những người khác sẽ còn vất vả hơn - nếu như họ có nhiều gánh nặng hơn và sống trong môi trường vất vả hơn.

Bởi thế, tôi viết bộ sách này để chia sẻ. Như chú thích ở đầu cuốn sách: “sợ thì cũng phải làm”; tôi tin rằng nhiều khi trong cuộc sống, bản thân mình đứng trước những lựa chọn mà con đường nào cũng khó khăn cả. Nhưng rồi vẫn phải chọn, vẫn phải làm, để ít ra sau đó bản thân có thể hiểu và bớt sợ hơn. Bất hạnh trở thành tài sản là như thế. 

* Ở góc độ người viết, chị muốn độc giả tìm thấy gì khi đọc những tâm sự của mình qua cuốn sách này? Và ngược lại, là một độc giả, khi đọc một cuốn sách tương tự như Một mình ở châu Âu, chị hy vọng sẽ tìm thấy gì trong đó?

- Thông thường, du ký, tự truyện, hồi ký là thể loại mà độ hấp dẫn phụ thuộc nhiều vào sự đồng cảm của người đọc với tạng suy nghĩ, tạng cảm xúc của tác giả; nếu người đọc thích tạng suy nghĩ của tôi thì họ sẽ thích những gì tôi viết; còn nếu không thì tôi chẳng có cách gì làm họ thích được. Ít ra, trong cả hai trường hợp, tôi chỉ mong người đọc thấy câu chuyện cuộc đời của một người khác; để mình thấy rằng cuộc sống thực thì nó phong phú, nó bề bộn thế đấy; cái ranh giới giữa đúng với sai, hạnh phúc và bất hạnh nó mờ lắm; khi mình tính đến một con người thì sẽ rất ác nếu bó họ vào trong các hộp, các khuôn khổ cứng nhắc. Thấy như thế thì sẽ độ lượng với nhau hơn, đỡ phán xét, nghiệt ngã với nhau. 

* Một chút phác thảo của chị về hai cuốn sách tiếp theo?

- Cuốn thứ hai sẽ kể về khoảng thời gian hai năm từ lúc “tôi” ở châu Âu về, chuyển nhà từ bờ Đông trở lại Chicago, chia tay với “chồng tôi”, tốt nghiệp chương trình tiến sĩ, tìm việc, và chuyển đi California sống. Cuốn thứ ba sẽ tập trung vào khoảng thời gian sau khi “tôi” chuyển tới California. 

* Tự nhìn lại, Phan Việt thấy mình thay đổi thế nào về cảm xúc, suy nghĩ và cả cách viết, khi nhìn lại quãng đường từ Phù phiếm truyện, Tiếng người, Nước Mỹ, nước Mỹ cho tới Một mình ở châu Âu bây giờ?

- Nói chung, mỗi nhà văn đều có trong đầu một mô hình văn chương mà họ cho là đẹp nhất, và các cuốn sách họ viết là việc hiện thực hóa cái mô hình ấy. Về cơ bản, tôi trung thành với một quan niệm về cái đẹp trong viết: giản dị, nén, thật, tự do. Nhưng để triển khai cái giản dị này ra thì khó; ở mỗi cuốn sách, tôi triển khai hơi khác một tí, có chỗ thành công, có chỗ thất bại. Chuyện thành công hay thất bại cũng là chuyện mình đã tìm ra và tự tin vào cái giọng riêng của mình chưa.

Bộ Bất hạnh là một tài sản này thực ra không phải văn học thuần túy nên khó so sánh nó với Phù phiếm truyện; Tiếng người; Nước Mỹ, nước Mỹ. Nó có mục đích và cách xử lý của nó; cái nó thường xuyên phải làm là diễn giải, kể lể các sự việc, cảm xúc. Khi tôi viết văn thì tôi không kể lể.

Nha van Phan Viet : So thi cung phai lam!

Phan Việt, tên thật là Nguyễn Ngọc Hường, sinh năm 1978.

Tốt nghiệp ĐH Ngoại thương Hà Nội. Theo học chương trình tiến sĩ tại Đại học Chicago và hiện là phó giáo sư, giảng dạy đại học tại Mỹ.

Từng là tác giả các tập truyện ngắn Phù phiếm truyện (2005, giải nhì cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần III); Nước Mỹ, nước Mỹ (2009); tiểu thuyết Tiếng người (2008); và bộ sách Bất hạnh là một tài sản (2013). Ngoài ra, còn tham gia viết báo, dịch, hiệu đính, biên tập sách và là đồng sáng lập tủ sách Cánh cửa mở rộng với nhà toán học Ngô Bảo Châu nhằm dịch và giới thiệu sách hay tới bạn đọc Việt Nam.

* Đọc sách, người ta thấy Phan Việt bắt đầu hành trình trong một tâm trạng phức tạp và buồn. Nếu khám phá châu Âu lần đầu tiên trong một tâm thế khác, đơn giản hơn và vui hơn, chị nghĩ góc nhìn, cảm nhận và những suy tư của mình sẽ thay đổi theo hướng nào?

- Sau năm 2008, tôi đã trở lại châu Âu rồi. Tôi không chắc là có thể so sánh những chuyến đi này với nhau. Nếu nghĩ kỹ, bạn sẽ thấy không hề có châu Âu chung cho mọi người; chỉ có châu Âu trong cảm nhận của mỗi người, ở mỗi thời điểm thôi.

* Bây giờ, một ngày bình thường đối với chị diễn ra như thế nào?

- Vào thời điểm này thì hàng ngày tôi dậy lúc 7g sáng, đánh răng rửa mặt rồi đi bộ đến văn phòng. Học kỳ này tôi dạy một lớp thạc sĩ vào ngày thứ Hai; đấy là công việc cố định duy nhất; còn lại thì mỗi ngày có các việc khác nhau - họp khoa, gặp sinh viên, gặp đồng nghiệp, viết, chuẩn bị bài giảng, vân vân… Trưa thì ăn trưa ở trường và tranh thủ gặp đồng nghiệp nói chuyện. Đến 17g tôi lại đi bộ về nhà. Buổi tối thì tùy; nếu không có hẹn ra ngoài làm gì thì thường tôi ở nhà viết và đọc. Cuối tuần tôi đi tập yoga và ra ngoài. Trong một năm tôi cũng thường có vài lần đi hội thảo, thuyết trình xa; mùa hè thì tôi đưa sinh viên sang Việt Nam học hè. 

* Hơn 10 năm ở nước Mỹ đã cho Phan Việt rất nhiều thứ. Nhưng, lựa chọn ấy liệu có lấy mất của chị điều gì không? Nếu không đi Mỹ thì chị nghĩ sẽ có một Phan Việt như thế nào?

- Tôi nhiều lần nghĩ đến câu hỏi này. Khó nói lắm. Nếu không đi Mỹ thì hồi đó nhiều khả năng tôi ở lại trường Ngoại thương làm giảng viên hoặc cũng có thể đi làm cho một tổ chức phi chính phủ. Nhưng nói chung, có lẽ cuộc sống xoay vần thế nào thì rút cục tôi vẫn ra nước ngoài thôi. Từ rất bé, khi đọc văn học nước ngoài, tôi đã nghĩ nhất định rằng mình phải ra ngoài xem thế giới thế nào.

Còn cái mất lớn nhất, như bạn hỏi, thì cũng giống với những trường hợp khác: sống xa gia đình và bạn bè. 

* Tâm trạng buồn, cảm giác đôi khi lạc lõng… là điều rất nhiều người sống xa Việt Nam nhắc tới. Điều đó có ảnh hưởng chút nào tới những xáo trộn trong cuộc sống gia đình chị?

- Có, nhưng chuyện sống xa nhà không phải lý do chính. 

* Một chút chia sẻ của Phan Việt về công việc, cũng như những dự định sắp tới về cuộc sống và nghề văn?

Chắc là tôi sẽ còn tiếp tục vừa dạy đại học vừa viết văn một thời gian nữa; cho đến lúc tôi thấy tôi có thể bỏ việc dạy học để viết văn. Về hẳn Việt Nam vào lúc này thì chắc là khó, nhưng hè nào tôi cũng về, cả mùa hè trong những năm tới. Tôi có một số dự định dài hơi và quan trọng, nhưng tôi phải xây dần dần. Một ngày nào đấy, mong muốn của tôi là kết hợp được cả văn học và cái mà tôi được đào tạo chính quy là công tác xã hội.

Chẳng hạn, sau khi ra bộ sách Bất hạnh là một tài sản này, cái mà tôi muốn làm là bắt đầu một chương trình dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em, trước hết là với những người đối mặt với việc ly hôn và các khó khăn tâm lý trong cuộc sống gia đình. Tôi cũng sẽ tiếp tục các công việc đang làm như tủ sách Cánh cửa mở rộng với anh Ngô Bảo Châu và NXB Trẻ; và sẽ bắt đầu thêm một số chương trình khác mà tập trung được đội ngũ trí thức trẻ và kết nối cộng đồng khoa học thế giới với Việt Nam.

* Xin cám ơn chị.

Hoàng Nguyên (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI