Nhà tù, nhà nho, nhà giáo…

14/08/2017 - 11:39

PNO - Nếu thầy giáo chỉ cần 15,5 điểm thì liệu mai đây văn hóa nước ta có thể rỡ ràng và nhà tù liệu sẽ biến thành khách sạn được không?

1. Một thuở, giới sinh viên lưu truyền câu đúc kết: “Ăn như tu, ngủ như tù”. Chữ “tù” này, nghe vui ra phết - khác hẳn với cái nhà tù khủng khiếp trong câu “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Thế nhưng chốn địa ngục trần gian ấy, rất có thể mai đây sẽ không còn ai nhớ đến, khi xã hội đạt đến mức không có tội phạm.

Nha tu, nha nho, nha giao…

Khách sạn Het Arresthuis tại thành phố Roermond (Hà Lan) vốn là một nhà tù có tuổi đời gần 150 năm

Năm 2009, Hà Lan đã đóng cửa 8 nhà tù và thêm 19 nhà tù khác trong năm 2014. Hà Lan không phải là quốc gia đầu tiên đóng cửa nhà tù vì không có đủ số tội phạm. Số nhà tù của Thụy Điển giảm 1% mỗi năm từ 2004-2011. Năm 2012 giảm 6% nhà tù. Trong năm 2013, Thụy Điển đóng cửa bốn nhà tù và một cơ sở cải huấn. Cần biết rằng “nhà tù” ở các nước tiên tiến khu vực Bắc Âu hiện nay có những dịch vụ, tiện nghi có thể khiến người nghèo ở nhiều nước “mơ được ở tù”.

Bất ngờ hơn nữa là chuyện sau nhiều năm đóng cửa các nhà tù, Hà Lan hôm nay lại quyết tâm mở cửa lại để làm… nhà hàng, khách sạn. Mandy Jak - chuyên gia tư vấn tiếp thị và truyền thông của dự án chuyển đổi công năng nhà tù ở Hà Lan - phát biểu một câu cực “chảnh”: “Làm sao để mở cửa nhà tù trở lại là thách thức lớn nhất với chúng tôi”. Nghe mà ganh tị, mà thán phục một xã hội tốt đẹp đến thế!

2. Đọc các tài liệu như Quốc triều chánh biên toát yếu, Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, Tự Đức thánh chế văn tam tập… ta có lẽ cần công bằng hơn trong việc đánh giá các vua triều Nguyễn. Có đọc tài liệu gốc, thơ văn, lời dụ, chiếu… mới thấy rõ và cảm thông tấm lòng của các vua. Khi ấy ta mới có thể đánh giá đúng họ đã làm được gì cho dân, cho nước. Ngay cả vua Tự Đức, nay đã có nhìn nhận thế này, đánh giá thế khác; nhưng đâu là nỗi lòng, khát vọng của ông mà bấy lâu các nhà viết sử chưa đề cập đến?

Nhưng đọc sách sử lại nhận ra một chuyện khác: các nhà nho uyên bác thuở xưa chỉ nặng về văn chương, điển tích, điển cố… hơn quan tâm, ghi chép lại những sáng chế, phát minh khoa học kỹ thuật. Nếu các nhà nho thuở ấy, khi viết sử, có tư duy cấp tiến như các ông Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Đặng Huy Trứ, Bùi Viện… thì tốt quá. Đó là những nhân vật lẫy lừng, từ nhỏ đã chú ý đến lối học suy luận, phán đoán, quan sát, phê bình thay cho lối học từ chương của khoa cử đương thời.

Nha tu, nha nho, nha giao…
 

Giai thoại kể một lần, cách đây trên trăm năm, thầy trò làng Bùi Chu nhân tiết xuân dẫn nhau lên chơi núi Lô Sơn. Thầy trò cùng nhau xướng họa, ngâm vịnh rất tâm đắc. Chỉ riêng có một cậu học trò lang thang đây đó, tay cầm quyển sổ nhỏ, mỗi khi phát hiện hoặc quan sát thấy điều gì lạ thì cặm cụi ghi chép. Xế chiều, cậu đến chỗ thầy giáo lễ phép hỏi: “Bẩm thầy, núi Lô Sơn này cao mấy thước, diện tích mấy tầm, cách Song Ngư mấy trượng?”. Nghe câu hỏi bất ngờ, thầy giáo lắc đầu, không đáp nổi. Các bạn học cũng không ai trả lời được.

Buổi đi chơi núi, với những câu hỏi không giải đáp được, khiến cậu học trò buồn xo. Trên đường về, cậu nghĩ: “Đi chơi núi mà không biết núi cao bao nhiêu thì học được cái gì?”. Cậu học trò đó, chính là Nguyễn Trường Tộ. Nếu chỉ quẩn quanh với những điển tích theo kiểu nho học mà lơ là các sáng kiến khoa học, chúng ta sẽ sánh vai các nước thế nào?

3. Thông tin khiến những ai băn khoăn với mệnh nước đều giật mình: trong mùa tuyển sinh 2017, trong khi có những ngành thí sinh 30 điểm vẫn trượt thì một loạt trường đại học sư phạm chỉ lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn - 15,5. Lo hơn nữa, ở bậc cao đẳng, thí sinh chỉ cần đạt 9-10 điểm là trúng tuyển. Có trường hợp vì cộng cả điểm ưu tiên, nên chỉ đạt 2-3 điểm/môn đã có thể đứng vào danh sách những thầy cô giáo tương lai. “Đây là dấu hiệu rất xấu cho sự phát triển giáo dục. Thầy giỏi mới có trò giỏi. Khởi điểm của người thầy chỉ ở mức điểm rất thấp như thế, sau này sẽ trao truyền gì được cho thế hệ học sinh tương lai?” - GS Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, trăn trở.

Đồng nghiệp Bút Bi đùa đau đớn bằng “lý luận” của một chú nhóc khiến ông bố phải “đứng hình”. Nó bảo: “Con học yếu thật, nhưng con chỉ cần thi được 3 điểm/môn thôi là đủ đậu sư phạm rồi. Ra trường con đi dạy, học trò con sau này trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, tiến sĩ… Rồi mấy người đó sẽ gọi con là thầy. Cần gì học giỏi”.

Thiết tưởng thời trước, nhà giáo Chu Văn An - vị vạn thế sư biểu - dẫu có bi quan nhất cũng không thể tưởng tượng ra nổi. Hỡi ôi, câu “lương sư hưng quốc” đặt trong thực trạng này, nghe sao quá mỉa mai! Nếu thầy giáo chỉ cần 15,5 điểm thì liệu mai đây văn hóa nước ta có thể rỡ ràng và nhà tù liệu sẽ biến thành khách sạn được không? 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI