Nhà tạm lánh bạo hành đặc biệt của chị em

03/10/2022 - 06:18

PNO - Tại khu phố 1, P.Tam Phú, TP.Thủ Đức, người dân gọi chị Vũ Nguyễn Thị Hòa là “bà Hòa khu phố”, bởi chị luôn sống hết lòng với bà con, đặc biệt là chị em phụ nữ.

 Với khoảng mười năm đảm nhận vai trò chi hội trưởng, thành viên tổ tư vấn cộng đồng khu phố, ngôi nhà của chị luôn là địa chỉ tin cậy cho nhiều chị em tạm lánh, chờ qua cơn “sóng gió gia đình”. Rất nhiều trường hợp chị em phụ nữ có nguy cơ hoặc bị bạo hành đã tìm đến nhà chị tạm lánh nhằm tránh những tổn thương về thể chất và tinh thần. 
Chị Hòa giải thích: “Tôi thử đặt trường hợp con mình mà rơi vào hoàn cảnh như vậy thì ai sẽ giúp? Những lúc đơn độc như vậy, các chị em bị bạo hành rất cần một nơi ấm áp, tin cậy làm chỗ dựa, vậy nên, ai cần giúp gì là mình sẵn sàng giúp trong khả năng. Vì thế, nhà tôi thành điểm tạm lánh tạm thời cho chị em”.

Có trường hợp đã tìm đến nhà chị để tạm lánh trong đêm vì bị chồng đánh đập. Đó là chuyện của chị N.T.C., đã xảy ra vài năm về trước. Đôi vợ chồng trẻ thường xuyên hục hặc vì ghen tuông. Chị Hòa đã dành nhiều giờ liền để giảng hòa, nhưng do mâu thuẫn chưa được giải quyết đến ngọn ngành nên chỉ vài ngày sau, họ lại cãi nhau. Một lần, trong đêm tối, chị C. chạy sang nhà chị Hòa để tạm lánh mặt vì chồng chị đã “động tay động chân”. Chị C. ở lại nhà chị Hòa vài giờ rồi gọi người thân đón về nhà ba mẹ. 

Chị Vũ Nguyễn Thị Hòa luôn tìm cách tích lũy kinh nghiệm từ cuộc sống thực tế và cả trên sách vở để tham gia hòa giải, hỗ trợ phụ nữ khi gặp khó khăn
Chị Vũ Nguyễn Thị Hòa luôn tìm cách tích lũy kinh nghiệm từ cuộc sống thực tế và cả trên sách vở để tham gia hòa giải, hỗ trợ phụ nữ khi gặp khó khăn

Trường hợp khác là chị P.T.H. Sống với chồng hơn mười năm thì chị H. phát hiện chồng có tính “trăng hoa”, thường kiếm cớ gây sự, đánh đập chị. Nhiều lần chị cố nhẫn nhịn, chỉ mong níu kéo hạnh phúc gia đình, nhưng sự việc vẫn cứ tiếp diễn. Một ngày, bị chồng ném cái ghế gỗ vào mặt và đuổi ra khỏi nhà thì chị H. phải chạy sang nhà chị Hòa tạm lánh vài ngày rồi chuyển đến nhà người em... 

Tham gia giải hòa nhiều vụ việc, chị Hòa đúc kết: “Những mâu thuẫn dẫn đến bạo lực trong gia đình phần lớn đến từ những chuyện rất nhỏ từ những sinh hoạt trong gia đình, chuyện mệt mỏi do công việc, kinh tế không ổn định, ghen tuông”. 

Những mâu thuẫn, bất hòa nho nhỏ trong gia đình là khó tránh khỏi, nhưng quan trọng là vợ chồng có thể tự làm hòa. Tuy nhiên, theo chị Hòa, “hiện tại, trường hợp chị em phải đi tạm lánh đã giảm, đã lâu không còn trường hợp nào. Đây là điều mà những người làm công tác hòa giải như chúng tôi mong chờ. Chúng tôi chỉ mong mình được “thất nghiệp” - đồng nghĩa cuộc sống của các gia đình, khu phố, xóm làng đều yên vui” - chị Hòa nói.

P.Hoài

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI