Nguy cơ mất trắng hàng chục tỷ đồng nợ thuế của Asanzo

17/09/2020 - 11:38

PNO - Dù cơ quan thuế đã thực thi lệnh cưỡng chế phong tỏa tám tài khoản ngân hàng của Asanzo nhưng vẫn chưa thu hồi được đồng nào trong khoản nợ thuế gần 39 tỷ đồng do tài khoản công ty này đã… trống rỗng.

Doanh thu ngàn tỷ, khai thuế… 0 đồng

Vừa qua, sau khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng - kinh tế - buôn lậu (C03) của Bộ Công an thông báo kết quả điều tra về các hành vi sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo (Công ty Asanzo), trên mạng xã hội xuất hiện một số luồng thông tin cho rằng, công ty này đã hoàn toàn được “minh oan”. Vậy, sự thật trong vụ này ra sao?

Cơ quan công an vẫn tiếp tục điều tra các hành vi có dấu hiệu buôn lậu và trốn thuế của Asanzo. Trong ảnh: các sản phẩm smart ti vi, máy điều hòa, bếp từ mang nhãn hiệu Asanzo được bán nhiều trên thị trường trước đây
Cơ quan công an vẫn tiếp tục điều tra các hành vi có dấu hiệu buôn lậu và trốn thuế của Asanzo. Trong ảnh: các sản phẩm smart ti vi, máy điều hòa, bếp từ mang nhãn hiệu Asanzo được bán nhiều trên thị trường trước đây

Theo C03, trong việc bán các sản phẩm hàng hóa (phần lớn là linh kiện Trung Quốc) mang nhãn hiệu Asanzo “xuất xứ Việt Nam”, chưa có căn cứ xác định Công ty Asanzo “sản xuất, buôn bán hàng giả”, “lừa dối khách hàng”. Tuy nhiên, đối với hành vi có dấu hiệu buôn lậu và trốn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Asanzo, cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục chuyển hồ sơ cho Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TPHCM điều tra, xử lý theo quy định. Như vậy, các hành vi này vẫn đang trong quá trình điều tra.

Thế nhưng, thông tin trên cũng bị một số bài viết cố tình “đánh lận con đen” với Công văn số 882/ĐTCBL-Đ4 ngày 14/8/2020 của Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, chỉ đạo dừng xử lý vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến tranh chấp giữa Asanzo với Công ty TNHH Pensonic Việt Nam. Việc gán ghép “nhập nhằng” này nhằm “kết luận” rằng “Công ty Asanzo không sai phạm về khai báo hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, buôn lậu, trốn thuế…”.

Trên thực tế, hồ sơ về dấu hiệu buôn lậu và trốn thuế TTĐB, thuế GTGT của Asanzo mà C03 chuyển cho PC03 phần lớn dựa vào kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế từ năm 2016 đến tháng 7/2019 tại Công ty Asanzo của Cục Thuế TPHCM. Cụ thể, năm 2017, doanh thu do Asanzo kê khai là gần 550 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) do họ kê khai hơn 51 triệu đồng.

Năm 2018, doanh thu công ty đạt hơn 1.141 tỷ đồng, thuế TNDN kê khai gần 57 triệu đồng. Từ tháng 1-7/2019, doanh thu công ty hơn 248 tỷ đồng, chưa khai thuế TNDN. Nhưng, trong suốt hai năm rưỡi với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng, toàn bộ số thuế GTGT được Asanzo kê khai là 0 đồng.

Doanh thu đầu ra được công ty chủ yếu cung cấp cho các công ty thuộc hệ thống Tập đoàn Asanzo có “quan hệ liên kết” với giá bán thấp hơn giá thị trường nhằm lách thuế. Hàng hóa, linh kiện đầu vào cũng chủ yếu từ các công ty “quan hệ liên kết”. Các đơn vị này không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Qua xác minh của cơ quan thuế và thông tin từ Công an TPHCM, các công ty “quan hệ liên kết” hầu hết do người lao động của Asanzo hoặc họ hàng với ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn Asanzo - và vợ ông làm đại diện pháp luật và “góp vốn”.

Các công ty “ma” này nhập khẩu hàng hóa, linh kiện sản phẩm điện tử, điện gia dụng, máy điều hòa nhiệt độ xuất bán cho Asanzo cùng các công ty thuộc Tập đoàn Asanzo rồi lập hóa đơn có dấu hiệu ghi cao hơn giá trị giao dịch nhằm trốn thuế GTGT và thuế TNDN, hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn để trốn thuế TTĐB.

Những chiêu trốn thuế của Asanzo

Chỉ trong quý II/2019, các công ty sau đây đã xuất hóa đơn cho Công ty Asanzo nhưng không khai thuế GTGT với số tiền hơn 17,3 tỷ đồng: Công ty Trần Thoàn, Công ty TNHH SX TM ĐT KT Lê Quang, Công ty TNHH SX TM Đầu tư Văn Đoàn, Công ty TNHH TM Đầu tư Việt Tài và Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất An Thiên. Các công ty này đều không còn hoạt động, riêng Công ty An Thiên tái hoạt động ngày 7/10/2019 và xuất hóa đơn cho Công ty Asanzo nhưng không khai thuế GTGT với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Cục Thuế TPHCM đã có công văn chỉ đạo Chi cục Thuế quận 3 kiểm tra.

Kết quả thanh tra xác định, tổng số thuế phải truy thu, tiền chậm nộp và phạt đối với Công ty Asanzo là hơn 47,6 tỷ đồng. Trong đó, đội thanh tra thuế xác định, số tiền trốn thuế TTĐB của Asanzo lên đến hơn 9,7 tỷ đồng và tiền trốn thuế GTGT gần 4,2 tỷ đồng.

Như vậy, việc trốn thuế của Asanzo bao gồm hành vi để ngoài sổ kế toán, không xuất hóa đơn, trốn thuế TTĐB và thuế GTGT; sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.

Cụ thể, căn cứ vào sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ, kết quả xác minh và giải trình của Asanzo, có thể thấy, công ty “ma” Trần Thoàn xuất linh kiện cho Công ty Asanzo; tiếp đó, Asanzo giao cho Công ty VTB gia công, lắp ráp một phần và Asanzo trực tiếp gia công, lắp ráp ra thành phẩm là máy điều hòa nhiệt độ; sau đó, Asanzo xuất bán cho đơn vị thuộc tập đoàn là Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo. Các giao dịch này không được xuất hóa đơn và để ngoài sổ kế toán khoản thu liên quan đến doanh thu bán hàng cho Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo. 

Công ty Asanzo là cơ sở sản xuất mặt hàng điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống, thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB có dán tem Asanzo và bao bì in nhãn hiệu Asanzo. Công ty “ma” Trần Thoàn (nơi xuất linh kiện) và Công ty Asanzo sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (nội dung ghi trên hóa đơn là máy điều hòa nhiệt độ nhưng thực tế, hàng hóa là linh kiện điều hòa nhiệt độ) nhằm trốn thuế TTĐB.

Chưa hết, công ty “ma” Trần Thoàn còn xuất hóa đơn khống (hóa đơn không có hàng) cho Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo nhằm giúp Công ty Asanzo trốn thuế TTĐB và thuế GTGT. Công ty Asanzo đã sử dụng hóa đơn với nội dung không có thực này hạch toán hàng hóa đầu vào là thành phẩm và khai thuế là hoạt động thương mại, để không khai thuế TTĐB.

Chưa thu được tiền do tài khoản… rỗng

Liên quan đến kết quả thanh tra nêu trên, trong quý IV/2019, Cục Thuế TPHCM đã có văn bản báo cáo UBND TPHCM, Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế, C03 Bộ Công an, PC03 Công an TPHCM và Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chuyển toàn bộ hồ sơ Asanzo về C03 điều tra. Kết quả điều tra của C03 như đầu bài đã đề cập, còn nội dung liên quan dấu hiệu buôn lậu và trốn thuế TTĐB, thuế GTGT của Asanzo đang tiếp tục được PC03 điều tra, xử lý.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, đại diện Phòng Quản lý nợ - cưỡng chế nợ thuộc Cục Thuế TPHCM xác nhận, hiện số tiền nợ thuế phải truy thu của Asanzo vẫn còn khá lớn nhưng chưa thể thu hồi. Tổng nợ thuế đến thời điểm này của Asanzo hơn 38,8 tỷ đồng; trong đó, nợ thuế TNDN hơn 6,3 tỷ đồng, nợ thuế GTGT gần 22,6 tỷ đồng và tiền phạt chậm nộp hơn 9,9 tỷ đồng.

Căn cứ các quy định về quy trình quản lý nợ thuế, Cục Thuế TPHCM đã làm các bước thu hồi gồm cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tám tài khoản ngân hàng của Asanzo nhưng vẫn chưa thu hồi được đồng nào do các tài khoản của công ty đã trống rỗng.

Tiếp đến, tháng 1/2020, Cục Thuế TPHCM tiến hành cưỡng chế hóa đơn, không cho Công ty Asanzo phát hành hóa đơn. Trong thời hạn một năm, đến tháng 1/2021, Cục Thuế TPHCM sẽ tiến hành các bước tiếp theo như kê biên tài sản, thu bên thứ ba và sẽ tiến đến đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Asanzo.

Theo đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, công ty có mã số doanh nghiệp 0314074316, được thành lập và hoạt động từ 20/10/2016 với tên gọi là Công ty cổ phần Tập đoàn Asan, sau đó đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo. Ngành nghề kinh doanh và hoạt động chính là sản xuất, lắp ráp và kinh doanh các sản phẩm điện tử, điện lạnh, thiết bị gia dụng mang nhãn hiệu Asanzo (ti vi, máy điều hòa không khí, máy làm mát không khí, ấm siêu tốc, nồi cơm điện, bếp hồng ngoại, máy xay sinh tố…).

Nếu không nghiêm trị hành vi của Asanzo hay bất cứ doanh nghiệp nào có cung cách làm ăn tương tự thì trước mắt, khó tránh khỏi việc thất thoát thuế là tài sản nhà nước. Về lâu dài, điều này còn gây tác hại nghiêm trọng đến sự lành mạnh của thị trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Cách thức thu hồi nợ thuế 

Theo quy định, cơ quan thuế sẽ thực hiện các biện pháp thu hồi nợ thuế như sau: 

1. Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế vào ngân sách nhà nước.

2. Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ.

3. Ban hành công văn gửi cơ quan có thẩm quyền phối hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

4. Công khai thông tin vi phạm pháp luật về thuế trên phương tiện thông tin đại chúng.

5. Ban hành công văn đề nghị cơ quan hải quan ngăn chặn hoạt động xuất nhập khẩu (nếu có).

6. Ban hành công văn đề nghị cơ quan thẩm quyền ngăn chặn việc chuyển dịch quyền sở hữu đất, tài sản gắn liền với đất của doanh nghiệp nợ thuế (nếu có). 

7. Ban hành công văn đề nghị cơ quan thẩm quyền thu hồi dự án do doanh nghiệp nợ thuế làm chủ đầu tư (nếu có).

8. Áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với cá nhân có góp vốn, người chịu trách nhiệm pháp luật, như tạm dừng xuất nhập cảnh, chuyển dịch tài sản, khấu trừ một phần tiền lương và thu nhập, thông báo đến địa phương nơi cư trú…

Tranh chấp nhãn hiệu Asano

Nội dung chính Công văn số 882/ĐTCBL-Đ4 ngày 14/8/2020 của Tổng cục Hải quan chỉ nói về tranh chấp nhãn hiệu Asano, không liên quan hành vi trốn thuế của Asanzo do PC03 đang thụ lý.

Cụ thể, vào tháng 10/2019, Cục Điều tra chống buôn lậu (Đội 4, Tổng cục Hải quan) đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và ra quyết định tạm giữ tang vật về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với 18 container hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo, gồm 11 container lưu giữ tại cảng Cát Lái (TPHCM) của Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Phương Nguyên Asanzo (thuộc Tập đoàn Asanzo) và 7 container lưu giữ tại cảng Nam Hải (TP. Hải Phòng) của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Việt Tài.

Đến ngày 1/6, Công ty TNHH Pensonic Việt Nam có công văn gửi Tổng cục Hải quan đề nghị rút yêu cầu xử lý vi phạm và dừng xử lý vi phạm về hành vi xâm phạm sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu Asano, cho các công ty nhận lại hàng hóa đang bị tạm giữ.

Theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP về xử lý vụ việc vi phạm khi có tranh chấp, trong trường hợp đơn yêu cầu xử lý vi phạm đã được thụ lý nhưng các bên trong vụ việc thỏa thuận được với nhau và đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên thứ ba, người tiêu dùng và xã hội thì cơ quan có thẩm quyền ghi nhận biện pháp giải quyết đó và dừng xử lý vụ việc.

Vì vậy, Cục Điều tra chống buôn lậu dừng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vục sở hữu công nghiệp đối với các công ty xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan nhãn hiệu Asano nêu trên. Cục này đã đề nghị Cục Hải quan TPHCM, Cục Hải quan TP. Hải Phòng phối hợp làm thủ tục thông quan cho 18 container hàng của các công ty theo quy định.

Quốc Ngọc

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Hải Nguyễn 19-09-2020 19:37:55

    Ủng hộ báo Phụ nữ, tiếp tục làm rõ việc kinh doanh phi pháp của cty này, trân trọng DN Việt Nam nhưng phải là DN kinh doanh lành mạnh và không lừa dối người tiêu dùng, không lách kẻ hở luật pháp, chứ cứ nhập linh kiện giá rẻ TQ về rồi lắp ráp đơn giản rồi quảng cáo dùm beng lừa rối người tiêu dùng.

  • Lê An 17-09-2020 20:41:08

    Ủng hộ ban biên tập Phụ Nữ tiếp tục theo đến cùng sự việc, không thể để "mèo vẫn hoàn mèo" như vậy.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI