Người trẻ rời phố về quê khởi nghiệp bằng “cây nhà lá vườn”

20/11/2020 - 07:37

PNO - Không ít người trẻ sau khi tốt nghiệp đại học có cơ hội làm việc tại thành phố, nhưng lại quyết định trở về quê khởi nghiệp từ những sản phẩm cây nhà lá vườn trên chính quê hương.

Bắt dừa cho ra mật 

Chứng kiến cảnh dừa ở tỉnh Trà Vinh rớt giá thê thảm vào năm 2018, vợ chồng Phạm Đình Ngãi và Thạch Thị Chal Thi (cùng sinh năm 1989, ở tỉnh Trà Vinh) quyết định bỏ công việc là giảng viên tại TPHCM trở về quê bắt đầu thử thách mới từ chính vườn dừa của cha mẹ. 

Trước khi trở về, vợ chồng Chal Thi đã tìm hiểu và biết được ở Philippines, Indonesia, Thái Lan… đã có cả một ngành sản xuất, kinh doanh mật hoa dừa nhưng tại Việt Nam thì chưa có. Ý tưởng nâng cao giá trị cho cây dừa ở quê được vợ chồng bắt tay thực hiện. Sau sáu tháng mày mò cách thu hoạch mật hoa dừa, nghiên cứu thị trường, đối tượng khách hàng… Chal Thi sang Thái Lan, Lào, Campuchia để học hỏi và đã thu được những giọt mật hoa dừa đầu tiên. 

Vợ chồng Ngãi và nhân công thu hoạch mật hoa dừa tại vườn
Vợ chồng Ngãi và nhân công thu hoạch mật hoa dừa tại vườn

Nhiều người dân địa phương, thậm chí cha mẹ của Chal Thi đều nghi ngờ về kế hoạch này. Ngãi cho biết, trong sáu tháng đầu, không đếm được bao nhiêu lần thất bại, vì dù làm đúng theo hướng dẫn trong các tài liệu nhưng khi áp dụng thực tế vẫn không thu hoạch được mật hoa dừa. Không nản chí, mỗi lần hỏng là một lần rút kinh nghiệm, vợ chồng dần tìm ra vấn đề mấu chốt để dừa có thể cho mật không chỉ cắt hoa, mật ra mà còn liên quan đến việc mát-xa cho hoa, dinh dưỡng cho cây, độ tuổi của hoa…

“Khâu mát-xa cho hoa rất quan trọng, dùng chày gỗ gõ vào hoa nhưng lực gõ phải tùy thuộc vào từng hoa dừa nhỏ, lớn, dài, ngắn. Gõ nhẹ quá mật không ra mà gõ mạnh quá thì dập hư hoa. Phải cảm nhận được từng hoa dừa để gõ lực phù hợp thì mới thu hoạch được mật đạt năng suất cao”, Ngãi chia sẻ. 

Vợ chồng Ngãi bắt đầu thu hoạch mật hoa dừa với số lượng tăng dần từ 10, 20 cây đến cả vườn dừa 500 cây của gia đình, rồi mở rộng thu mua thêm hoa dừa của bà con nông dân. Đến tháng 9/2019, hai bạn bắt đầu cho ra sản phẩm mật hoa dừa với thương hiệu của mình. Hiện, năng suất thu hoạch đầu vào đạt 12 tấn mật hoa dừa/tháng và mật hoa dừa đầu ra khoảng 1,5 tấn/tháng. Nhà xưởng được xây dựng và hoạt động theo chuẩn HACCP, sản phẩm đạt chứng nhận ISO 22000-2018, được cấp chứng nhận FDA Hoa Kỳ. Sản phẩm đang được phân phối khắp cả nước qua kênh trực tiếp, trực tuyến và trên sàn thương mại điện tử Amazon, có mặt ở Nhật, Hàn, Đức, Mỹ…

Theo Ngãi, khó khăn lớn nhất là khởi nghiệp với ngành nghề hoàn toàn mới tại Việt Nam, hai bạn không có kiến thức về ngành mật hoa dừa và phải thử rất nhiều lần, tốn nhiều chi phí mới làm được. Từ số vốn ban đầu 800 triệu đồng, hiện tổng vốn lên đến 2 tỷ đồng, vợ chồng Ngãi hy vọng tìm thêm được cộng sự có cùng mục đích, chí hướng nâng giá trị cho cây dừa để mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều người. 

Với lợi thế học ngành công nghệ chế biến thực phẩm, ngoài mật hoa dừa tươi, mật hoa dừa cô đặc, vợ chồng Ngãi còn làm đường mật hoa dừa, hạt ca cao sấy mật hoa dừa, mứt dứa mật hoa dừa và mùa tết này sẽ có thêm hai sản phẩm mật hoa dừa lên men, giấm mật hoa dừa. Đôi bạn trẻ này đang thực hiện kế hoạch phát triển hơn 20 sản phẩm từ mật hoa dừa trong ba năm tới và đẩy mạnh xuất khẩu.

Song song đó, vợ chồng Ngãi còn mở thêm mô hình trải nghiệm du lịch ở nông trại Sokfarm và đã đón nhiều lượt khách. Qua đó, khách biết đến quy trình thu hoạch, sản xuất, sản phẩm mật hoa dừa nhiều hơn và biết về mô hình nông nghiệp tái sinh. Theo đó, các loài cây bổ trợ cho nhau sinh sống, hạn chế dùng hóa chất, phát triển nông nghiệp sạch, bền vững… Ngay cả bọt mật cũng được tái sử dụng làm chất tẩy rửa thay xà phòng. 

Thành công nhờ nghề mắm gia truyền

Câu chuyện khởi nghiệp của Lê Ngọc Thảo (sinh năm 1991, ở Gò Công, tỉnh Tiền Giang) cũng gợi cảm hứng cho không ít bạn trẻ. Tốt nghiệp ngành quản trị du lịch Trường đại học Hoa Sen, ba năm làm đúng chuyên ngành được đào tạo không thỏa chí cô gái có nhiều hoài bão. Thảo quyết định bỏ ngang công việc, trở về quê với ý tưởng nâng cấp nghề làm mắm gia truyền ba đời của gia đình. Đầu tiên là một quy trình sản xuất bài bản hơn, sản phẩm đạt các chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, có thương hiệu để có thể đi xa hơn.

Thảo giới thiệu đặc sản mắm xứ Gò
Thảo giới thiệu đặc sản mắm xứ Gò

Từ tháng 7/2020, hơn 15 sản phẩm mắm tôm chà, tôm chua, mắm lên men xứ Gò với thương hiệu Khổng Tước Nguyên chính thức “ra lò” và được phân phối qua nhiều kênh trong, ngoài nước. Đặc biệt, mắm tôm chà của Gò Công với quy trình sản xuất công phu đã chinh phục được khẩu vị của nhiều thực khách khó tính. Theo Thảo, công đoạn làm mắm tôm chà hoàn toàn khác với cách ủ chượp, lên men như các loại mắm khác; tôm được ủ lên men, chà sạch vỏ, phơi… Nắm bắt thị hiếu thị trường, ngoài các sản phẩm mắm nguyên chất, Thảo còn sản xuất thêm nhiều loại xốt dùng để chấm từng loại món ăn khác nhau, dùng trộn salad; mắm trộn đu đủ… 
Thảo cho biết mình có thuận lợi là được kế thừa bí quyết làm mắm gia truyền và vận dụng thêm kiến thức có được trong quá trình đi học, đi làm để ứng dụng công nghệ sinh học làm chuẩn dòng men làm mắm, dùng nhiệt từ đèn hồng ngoại… chứ không lệ thuộc nhiều vào thời tiết, chủ động sản xuất và chuẩn chất lượng sản phẩm. 

Vốn chỉ khoảng 500 triệu đồng, ngoài tạo việc làm cho nhiều nhân công tại xưởng sản xuất, Thảo còn góp phần tạo thêm thu nhập cho bà con nông dân ở địa phương thông qua việc thu mua tôm, tép… làm nguyên liệu sản xuất mắm. Sản lượng mỗi tháng lên đến 2.000-3.000 sản phẩm và sẽ tăng lên 6.000-7.000 sản phẩm vào mùa tết này. “Mình phải làm sản phẩm mắm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, không dùng hóa chất, hương liệu; giữ được hương vị truyền thống, đa dạng sản phẩm… thì thị trường sẽ chấp nhận. Từ đó, tôi có thể thực hiện được ước mơ nâng cao giá trị làm nghề mắm truyền thống của địa phương, giới thiệu đặc sản bản địa đến nhiều người trong và ngoài nước”, Thảo chia sẻ. 

Không dừng lại ở nguồn sinh kế của bản thân, gia đình, Thảo cho biết sẽ tận dụng nguồn tài nguyên của địa phương, thực hiện kế hoạch tạo chuỗi giá trị cho nhiều sản phẩm và tăng thu nhập cho bà con nông dân. 

Mơ lớn nhưng phải bắt đầu từ những việc nhỏ

Theo Phạm Đình Ngãi, để khởi nghiệp thành công cần phải có sự đam mê để có thể vượt qua những khó khăn; hiểu rõ về thị trường, các luật thương mại… và tập trung vào “lõi” thế mạnh của mình. Nếu mạnh về sản xuất thì nên chú trọng nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất, ra sản phẩm mới… Mơ thì mơ lớn nhưng phải bắt đầu làm những việc nhỏ, không nề hà bất kỳ khâu nào, ngay cả điều hành, quản lý, sản xuất, giao hàng… Vì chính từ những việc nhỏ sẽ giúp mình tư duy, hệ thống hóa để quản lý doanh nghiệp tốt hơn. Bạn trẻ muốn làm thì nên bắt tay vào làm ngay, thực tế sẽ cho mình nhiều kiến thức, kinh nghiệm để hoàn thiện, làm tốt hơn…

Các bạn có được kinh nghiệm làm việc với tập đoàn đa quốc gia trước đó nên điều hành công việc rất chuyên nghiệp, cùng phát triển, tăng giá trị cao cho nguồn tài nguyên bản địa với tất cả niềm say mê, tâm huyết. 
Để phát triển hơn nữa, các bạn nên luôn giữ vững chất lượng sản phẩm, đầu tư bao bì sản phẩm, marketing và chú ý nắm bắt những cơ hội mới của thị trường, nhất là những thay đổi, xu hướng, cơ hội mới trong mùa dịch COVID-19 để phát triển, mở rộng thêm sản phẩm mới. Ngoài ra, các bạn có thể kết hợp phát triển thêm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp gắn với ngành nghề, sản phẩm của mình.
Bà Vũ Kim Hạnh (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc BSA)

Nguyễn Cẩm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI