Người tiêu dùng ưu tiên chi tiêu cho thực phẩm

27/12/2021 - 12:48

PNO - Theo kết quả khảo sát mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar, hiện nay, phần lớn người tiêu dùng (NTD) dành ưu tiên trong việc mua sắm cho những sản phẩm thiết yếu và thực phẩm trong thời gian dịch bệnh.

Các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tăng trưởng mạnh về giá lẫn tỷ lệ hộ mua là bánh mì đóng gói, sợi mì, bún, phở khô, các loại nước chấm, thực phẩm đóng hộp, gia vị, sữa và sản phẩm từ sữa. Trong nhóm hàng vừa tăng giá, vừa tăng hộ mua, 70% là thực phẩm đóng gói. 

Mất, giảm thu nhập do dịch bệnh, nhiều người tiêu dùng ưu tiên chi tiêu cho lương thực thực phẩm, hàng thiết yếu - ẢNH: N.CẨM
Mất, giảm thu nhập do dịch bệnh, nhiều người tiêu dùng ưu tiên chi tiêu cho lương thực thực phẩm, hàng thiết yếu - Ảnh: N.Cẩm

Đại diện Kantar cho biết, xu hướng tiêu dùng tại nhà sẽ vẫn tiếp diễn, nổi bật ở nhóm thu nhập cao. Nhóm hàng gia dụng được NTD ưu tiên mua sắm, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại nhà, như nồi chiên không dầu, nồi áp suất, máy xay sinh tố, máy làm sữa từ thực vật... Điều này khiến các nhà bán lẻ đẩy mạnh khuyến mãi cho nhóm hàng đồ gia dụng, thực phẩm. Kantar đánh giá, tâm lý bi quan và xu hướng cắt giảm chi tiêu rất phổ biến ở nhóm có thu nhập thấp và trung bình; điều này có thể ảnh hưởng xấu đến tốc độ phục hồi của thị trường trong thời 
gian tới. 

Theo ông Quách Thế Phong - Giám đốc tư vấn Công ty Nghiên cứu thị trường IPSOS - hiện nay, người Việt không có niềm tin cao vào triển vọng kinh tế, việc làm và thu nhập. Trong đó, 69% người được khảo sát ở Việt Nam cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực về cuộc sống, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á. NTD chú ý nhiều hơn đến giá cả, các chương trình khuyến mãi và họ cũng ít mua sắm tùy hứng hơn. Hành vi mua theo combo (gói) phổ biến trong thời gian vừa qua. Nhiều nhà sản xuất và bán lẻ đã và đang đẩy mạnh việc bán kèm nhiều sản phẩm khác nhau trong một gói.

Đại diện Kantar cũng cho biết, NTD đang tăng cường sử dụng các nền tảng kỹ thuật số. Kênh bán hàng trực tuyến liên tục đạt mức tăng trưởng 50 - 60%, liên tục mở rộng thị phần trong những năm gần đây, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm, với các chương trình khuyến mãi lớn. Kantar khuyên các nhà sản xuất, nhà bán lẻ tập trung vào phân khúc khách hàng tiềm năng, đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh truyền thông để tăng tương tác trực tuyến, chú trọng các sản phẩm hữu ích cho cộng đồng.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI