“Người lớn gì mà kỳ cục”, câu nói của cô bé 10 tuổi như cứa vào tim tôi

02/10/2016 - 06:30

PNO - Mỗi nhà mỗi cảnh, chẳng có một công thức chung nào để dạy dỗ con trẻ. Nhưng hàng ngày, đã có biết bao hành xử của người lớn trước mặt trẻ con, gây cho trẻ những hoang mang, hoài nghi.

“Hôm qua trong lớp con xảy ra một chuyện, là mất cắp mẹ ạ”, đang dở tay, mà nghe câu chuyện của con liên quan đến vấn đề khá nhạy cảm, tôi phải ngừng để tiếp chuyện con. “Bạn Hoàng mang tiền đi đóng học phí, chưa kịp đóng cho cô thì bị mất 500.000đ, bạn ấy khóc quá trời. Con thương quá. Giờ ra chơi, các bạn phát hiện ra Lan Anh mua rất nhiều đồ ăn ở căng tin trường. Lớp trưởng đã nói lại với cô, khi cô giáo hỏi thì bạn Lan Anh bảo là của ba bạn ấy cho sáng nay để tiêu xài hàng tuần. Nhưng tụi con không tin, đâu có ai xài số tiền lớn vậy mỗi tuần đâu mẹ. Mà ba bạn ấy đâu có làm việc gì, bác ấy ở nhà không mà”, con kể một lèo.

Tôi nói với con rằng, không được nghi ngờ bạn như thế, chưa có gì rõ ràng thì không có quyền kết luận bạn lấy tiền. Cô bé lớp 5 của tôi vội kể tiếp: “Sáng nay cô mời ba bạn Lan Anh đến, hỏi bác ấy có phải bác cho tiền Lan Anh không, cô hỏi trong lớp luôn mẹ. Tự nhiên bác ấy quay sáng tát bạn Lan Anh một cái thật mạnh, hét lớn: “Xài hết tiền tao đưa rồi hả, con quỷ…”. Tụi con ai cũng sợ hãi, ngồi im re. Cô giáo không kịp phản ứng gì. Bất ngờ bạn Lan Anh hét toáng lên: “Đâu phải tiền ba cho con”, rồi khóc to. Bác ấy bỏ về. Cô giáo buồn, không nói gì. Cả lớp ai cũng buồn mẹ ạ. Người lớn gì mà kỳ cục!”.

“Nguoi lon gi ma ky cuc”, cau noi cua co be 10 tuoi nhu cua vao tim toi

“Người lớn gì mà kỳ cục”, câu nói của cô bé mười tuổi như cứa vào tim tôi. Người lớn chúng ta đã làm gì trước mặt con trẻ. Tôi nghĩ hoài hai chữ “giá như”, giá như cô giáo mời phụ huynh cô bé kia gặp riêng, giá như người cha ấy biết con mình không có tiền, giá như anh ấy bảo con nhận lỗi, giá như…

Người lớn chúng ta đã dạy con mình như thế nào? Đành rằng, mỗi nhà mỗi cảnh, chẳng có một công thức chung nào, một phương pháp cụ thể nào để dạy dỗ con trẻ. Nhưng hàng ngày, đã có biết bao hành xử của người lớn trước mặt trẻ con, gây cho trẻ những hoang mang, hoài nghi.

Cô bạn ngồi cùng bàn năm tôi học lớp 10, đã uống thuốc tự vẫn vì bị mẹ nghi ngờ lấy cắp tiền. Ở tuổi non nớt ấy, bạn đã không chia sẻ với ai, mà đi tìm giải pháp tiêu cực để minh oan. Bao năm trôi qua, tôi không thể nào quên câu chuyện đó. Câu chuyện như một bài học cho tôi. Nhưng người lớn chúng mình, những bậc làm cha làm mẹ, vẫn hàng ngày buông lời lẽ như đâm vào con mình những nhát dao chí tử, mà vô tình không nhận ra.

Có lẽ phải mất rất nhiều thời gian con gái tôi và các bạn mới quên được câu chuyện xảy ra trong lớp hôm nay, mà có khi không thể quên, nó đã khắc vào trí óc non nớt con trẻ. Như tôi chưa khi nào quên câu chuyện của bạn mình, quên buổi sáng mùa đông ảm đạm, quên chỗ ngồi trống suốt một năm học ấy.

Lỗi của các bậc cha mẹ chúng ta là bao biện. Bao biện cho hành động của mình và bao biện cho con. Mỗi lần cha mẹ phạm lỗi, cha mẹ bao biện cho mình rất mạnh mẽ. Có thể những lỗi bọn trẻ mắc không to tát, nhưng bao biện như thế nào cho ổn.

Nhiều bậc cha mẹ bao biện lỗi của chính mình rất tốt, lỗi lớn họ vo lại nhỏ, lỗi nhỏ hóa không có, theo kiểu huề cả làng. Vì thế, bọn trẻ nhìn vào và xuất hiện suy nghĩ: không việc gì phải sống cho tử tế, mà chỉ cần khi có lỗi thì hóa giải, xử lý lỗi đó. Rồi khi con trẻ có lỗi và bao biện lỗi của mình, cha mẹ lại hành xử rất khác, có người điên tiết, có người giáo huấn, có người lại tiếp tục bao che cho con.

Dạy con như thế nào luôn là câu hỏi lớn của các bậc cha mẹ. Và vấn đề lớn không kém là làm sao cha mẹ nhận ra lỗi của chính mình.

Nhật Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI