Người đàn ông 40 năm sống chung với mảnh đạn ở vùng chậu

26/03/2019 - 11:00

PNO - Các bác sĩ tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM đã phẫu thuật lấy ra khỏi cơ thể một người đàn ông mảnh đạn pháo ghim vào sườn từ 40 năm nay.

Năm 28 tuổi, ông K. bị một mảnh đạn văng trúng sườn rồi đi sâu vào xương chậu khiến ông đau nhức suốt một thời gian dài. Theo ông V.Đ.K. (69 tuổi, ở tỉnh Nghệ An), ông đã đi khám nhiều lần, nhưng các bác sĩ đều cho rằng viên đạn đã đi sâu vào trong cơ của vùng hông chậu, không thể lấy ra ngoài vì trong quá trình mổ ông K. phải đối mặt với nhiều nguy cơ, biến chứng. Từ đó, ông K. chỉ uống thuốc giảm đau chứ không đi khám nữa.

Đến vào đầu tháng 11/2018, vùng hông của ông bị sưng tấy, đau dữ dội kèm sốt cao uống thuốc hoài không khỏi. Ông được người nhà đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám lại. 

Nguoi dan ong 40 nam song chung voi manh dan o vung chau
Mảnh đạn pháo được gắp ra khỏi cơ thể ông K. 

Sau khi thăm khám, thực hiện chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện có một ổ áp xe to tại vùng cơ thắt lưng chậu phải của ông K., ổ áp xe đã lan ra sau lưng, sâu bên trong ổ áp xe có dị vật, nghi ngờ là mảnh đạn pháo trước đây ông K. mắc phải gây nhiễm trùng nặng. Các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa của bệnh viện đã chỉ định mổ cấp cứu cho ông. 

ThS.BS Lê Châu Hoàng Quốc Chương - Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM - người trực tiếp mổ cho ông K. chia sẻ: “Tại thời điểm trước mổ các bác sĩ đánh giá khả năng lấy viên đạn là thực sự khó vì viên đạn sau 40 năm đã “chui” vào rất sâu trong cơ thắt lưng chậu bên phải, nhưng nếu chỉ xử lý ổ áp xe mà không lấy mảnh đạn thì chắc chắn ổ nhiễm trùng sẽ tái phát, nên ngoài xử lý 500ml mủ đặc, chúng tôi cũng đã lấy ra khỏi ổ bụng của ông K. mảnh đạn kích thước 1x1cm, nhiều cạnh sắc”.

2 ngày sau mổ, ông K. đã hết sốt, hết đau hông lưng, kiểm soát được nhiễm trùng, ổ áp xe nhỏ dần và biến mất. Ông đã được xuất viện về nhà. 

Theo TS. BS. Ung Văn Việt khuyến cáo, dị vật khi ở trong cơ thể, có thể “im lặng” trong thời gian dài, nhưng sẽ bộc phát nhiễm trùng bất kì lúc nào. Vì vậy, các trường hợp bệnh nhân nghi ngờ có di vật trong cơ thể, nên đến cơ sở y tế khám bệnh để được bác sĩ xác định chẩn đoán và lấy ra sớm, nhằm tránh biến chứng. Dị vật khi vào trong mô mềm không ở yên mà có thể di chuyển (do vận động, do co cơ…) nên lần phát hiện đầu tiên sẽ có cơ hội lấy ra thành công cao nhất.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI