Nghệ sĩ Việt làm phim tài liệu: Vì an toàn nên nhạt

26/03/2021 - 06:43

PNO - Từng có thời gian, nghệ sĩ Việt chuộng hình thức ra mắt tự truyện để đưa câu chuyện đời, chuyện nghề gần hơn với khán giả. Giờ đây, thay vì viết tự truyện, họ chọn hình thức khác: làm phim tài liệu.

An toàn là chính

Đời tư, những câu chuyện phía sau hậu trường của nghệ sĩ luôn là chủ đề được khán giả quan tâm. Với đặc tính tôn trọng sự thật, ghi nhận thực tế, phim tài liệu là thể loại phù hợp tái hiện cuộc sống của người nổi tiếng, có thể làm thỏa mãn sự tò mò, “thèm” thông tin của công chúng. 

Tại Việt Nam, trong vòng một năm trở lại đã có bốn nghệ sĩ ra mắt phim tài liệu, gồm Sơn Tùng M-TP (phim Sky Tour), Hoàng Yến Chibi (Cánh chim rực rỡ), Hồ Ngọc Hà (Rồi một ngày Hà nói về tình yêu) và nhạc sĩ Trần Tiến (Màu cỏ úa). Mới nhất, ca sĩ Mỹ Tâm cho biết sẽ thực hiện phim tài liệu và ra mắt trong khoảng thời gian gần nhất. Màn chào sân dồn dập của các phim tài liệu đủ tạo độ hút để truyền thông quan tâm, và công chúng có dịp đưa các dự án lên bàn cân, so kè chất lượng. Nhìn chung, các phim đều chọn khai thác nhân vật ở góc độ an toàn.

Nhạc sĩ Trần Tiến trong phim tài liệu Màu cỏ úa
Nhạc sĩ Trần Tiến trong phim tài liệu Màu cỏ úa

Sky Tour của Sơn Tùng ra mắt vào tháng 6/2020, sau một năm hoàn thành tour diễn cùng tên. Thuộc thể loại “concert film” - phim ghi lại hành trình đêm nhạc, nên chuyện phim chỉ xoay quanh chuỗi những ngày lên ý tưởng, họp hành, khi dự án chính thức diễn ra, và vài chia sẻ mà ê-kíp chưa có dịp nói trước công chúng. 

Cách làm phim như Sơn Tùng, khán giả Việt đã được xem rất nhiều từ Hàn Quốc với các phim của BTS hay Blackpink. Sky Tour có hình ảnh chỉn chu, âm nhạc bắt tai nhưng thiếu cảm xúc. Sơn Tùng thao thao nói về sự nhọc công của anh và ê-kíp, nói nhiều đến mức thừa thoại, thiếu hình ảnh minh chứng, thiếu những khoảnh khắc bùng nổ.

Trong phim, Sơn Tùng vận hành cả bộ máy để tổ chức Sky Tour đến mức kiệt sức phải thở ô-xy nơi hậu trường. Tiếc rằng, hình ảnh đó không tạo được cảm xúc cho người xem vì thông tin đã cũ, đã được truyền thông đưa từ rất lâu. Và vì mải kể về thành công của tour diễn nên phim một màu, có phần tô hồng hình ảnh của Sơn Tùng. Mặt khác, bộ phim có nhiều cảnh dàn dựng, sử dụng các kỹ thuật của điện ảnh để chỉnh hiệu ứng làm mất đi đặc trưng "chân thật" của thể loại tài liệu.

Trong tháng 2 và 3/2021, làng giải trí thế giới rúng động vì những bộ phim tài liệu về ca sĩ Britney Spears, Demi Lovato, đạo diễn lừng danh Woody Allen, rapper Tekashi 6ix9ine... Rúng động là bởi trên phim, những sự thật đen tối, hành vi đáng kinh tởm lẫn đáng thương nhất của nghệ sĩ được phơi bày.

Họ bị cáo buộc ấu dâm, bị truyền thông bắt nạt, họ là nạn nhân bị hãm hiếp, vào tù vì buôn bán chất cấm... Những sự thật rợn người và đau lòng, nhưng kỳ thú thay, chúng hấp dẫn và nâng tầm giá trị của thể loại phim tài liệu.

Màu cỏ úa, Rồi một ngày Hà nói về tình yêu hay Cánh chim rực rỡ, khán giả có thể hiểu rõ hơn cuộc sống của nghệ sĩ mình yêu thích. Trong phim tài liệu, công chúng yêu nhạc thấy được những suy tư, trăn trở lẫn tinh thần hồn nhiên, hoan ca của nhạc sĩ Trần Tiến. Hiếm khi, ông để một đạo diễn làm phim về mình, lại còn trẻ và non kinh nghiệm như Lan Nguyên. Nhưng, dù đáng nhận được lời khen, Màu cỏ úa vẫn khá lớt phớt khi chỉ mới khai thác một phần nhỏ trong cuộc đời bề thế của nam nhạc sĩ, thiếu nhiều gương mặt thân quen với âm nhạc Trần Tiến và chỉ vừa điểm sơ một vài cột mốc cuộc đời.

Với Hồ Ngọc Hà, lần đầu tiên, Hà Hồ nói nhiều về Kim Lý đến thế. Trên phim, cô trải qua nhiều cột mốc cùng một thời gian - tổ chức dự án Love Songs, sinh con, nhận lời kết hôn với Kim Lý. Còn Hoàng Yến Chibi, cô tham vọng đưa 25 năm cuộc đời của mình lên phim. Cô kể về thời thơ ấu, cơ duyên đến với nghệ thuật, mối quan hệ với mẹ và tình cảm dành cho cha. Nhưng đáng tiếc, vì sự từng trải, va vấp không nhiều, nên phim thiếu sự sâu sắc. Nhân vật chưa đủ độ chín để làm nên bộ phim về cuộc đời mình là cảm giác chung của người xem.   

Sợ những rắc rối không đáng có

Để lý giải cho sự an toàn của Màu cỏ úa, đạo diễn Lan Nguyên cho biết: “Có nhiều nội dung nhạc sĩ kể về cuộc đời nhưng không được đưa lên phim, vì chúng tôi chọn lọc chi tiết, không muốn vì một đoạn chia sẻ nào đó mà gây bất lợi cho nhân vật. Đặc biệt, có những bí mật của cuộc đời nhạc sĩ Trần Tiến, nhiều thước phim tôi giấu đi”. Theo đạo diễn Lan Nguyên, Màu cỏ úa có nhiều hình ảnh chân thực, nhiều nội dung đánh trúng tâm lý tò mò của người xem, nhưng câu chuyện được cô kiểm soát, chỉ đưa những chi tiết cảm thấy phù hợp.

Hồ Ngọc Hà nhắc nhiều đến Kim Lý trong phim tài liệu
Hồ Ngọc Hà nhắc nhiều đến Kim Lý trong phim tài liệu

Giữa hai lựa chọn, giữ riêng tư cho đời sống cá nhân hay thỏa mãn sự tò mò của khán giả, đôi khi nghệ sĩ vì sợ nên chọn an toàn. Ca sĩ Mỹ Tâm cho biết, cô hoàn toàn hiểu tâm lý khán giả khi mọi người muốn biết thêm đời tư của nghệ sĩ. Bản thân Mỹ Tâm cũng muốn bộ phim tài liệu về mình phải có gì đó khác biệt ngoài hình ảnh cô làm việc, biểu diễn trên sân khấu.

Mỹ Tâm cho biết, cô đang tính đến chuyện sẽ mời một người yêu cũ xuất hiện trên phim để khán giả “có gì đó để xem”, nhưng khẳng định, phim chỉ nói những điều cô muốn kể. 

Nghệ sĩ Việt liên tiếp làm phim tài liệu - xu hướng này nhắc khán giả nhớ lại khoảng thời gian các ca sĩ, diễn viên, người đẹp trong nước đua nhau ra tự truyện/hồi ký. Đến một thời gian sau, cũng chính các nghệ sĩ chuyển hướng sang thực hiện các talk show chia sẻ về cuộc đời, chiếu trên YouTube thay vì ra sách. Nhưng đáng nói, không phải dự án nào cũng đạt chất lượng, và không phải nghệ sĩ nào cũng có trải nghiệm đời sống đủ dày, đủ dũng cảm nói ra bí mật. Cho nên, phim tài liệu của nghệ sĩ Việt chỉ đang ở bước khởi đầu, nhàn nhạt, chưa ấn tượng. 

 

Diễm Mi

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI