Ngành hàng xa xỉ hồi hộp vì… Trung Quốc

26/08/2023 - 06:04

PNO - Chiếm 1/5 thị trường xa xỉ toàn cầu với quy mô lên đến 325,4 tỉ USD, ngành hàng xa xỉ tại đất nước tỉ dân đang chi phối toàn ngành. Từng được kỳ vọng kéo ngành xa xỉ phục hồi từ việc “mua sắm trả thù” hậu COVID-19, thị trường Trung Quốc đang chững lại.

Trong bối cảnh suy thoái và tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, thị trường này đang có dấu hiệu đứng yên, đặt các hãng xa xỉ vào trạng thái bất an.

Khách Trung Quốc xếp hàng  tại một cửa hiệu Dior ở Thượng Hải  - Nguồn ảnh: New York Times
Khách Trung Quốc xếp hàng tại một cửa hiệu Dior ở Thượng Hải - Nguồn ảnh: New York Times

Thế hệ chi tiêu "quyền lực" trong bão "suy thoái"

Gen Z (thế hệ sinh từ năm 1997-2012) được dự báo sẽ tăng mức chi tiêu gấp 4 lần trong giai đoạn 2019-2035. Theo báo cáo của China Renaissance, tổng chi tiêu năm 2035 của gen Z có thể đạt 16.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 2.300 tỉ USD). Trong số này, nhiều gen Z coi hàng xa xỉ không chỉ là món đồ để thỏa mãn cuộc sống mà còn là một khoản đầu tư, tương tự mua sắm trang sức vàng tích lũy hay gửi tiết kiệm.

Dữ liệu của Morgan Stanley chỉ ra rằng một số công ty hàng hiệu, bao gồm cả Richemont, đã kiếm được khoảng 40% doanh thu toàn cầu từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này làm dấy lên lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường. Lo lắng này hoàn toàn có cơ sở trong bối cảnh suy thoái kinh tế và tỉ lệ thất nghiệp toàn cầu gia tăng.

Với khả năng chi tiêu trung bình 800 USD/tuần, cao hơn 30% so với phần còn lại của thế giới, gen Z Trung Quốc sẽ trở thành nhóm người mua số 1 năm 2025, vượt qua nhóm khách từ Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tăng tỉ suất cho vay để chống lạm phát, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, các nhà phân tích tài chính lo lắng rằng tình hình lạm phát đình trệ sẽ diễn ra. Những ngành hàng không thiết yếu như xa xỉ phẩm sẽ bị cắt giảm đầu tiên.

Gen Z Trung Quốc sẽ trở thành nhóm người mua số 1 năm 2025 - Nguồn ảnh: Internet
Gen Z Trung Quốc sẽ trở thành nhóm người mua số 1 năm 2025 - Nguồn ảnh: Internet

Báo cáo mới của Bain & Company tiết lộ rằng doanh số bán hàng xa xỉ cá nhân của Trung Quốc đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, chấm dứt chuỗi 5 năm tăng trưởng theo cấp số nhân. Mặc dù có một khởi đầu thuận lợi cho năm 2022 nhưng các đợt đóng cửa liên quan đến COVID-19 từ quý II đã tạo ra rào cản đối với việc mua hàng. Thị trường bất động sản lao dốc, tỉ lệ thất nghiệp cao hơn và nỗi lo xung quanh dịch bệnh cũng khiến người tiêu dùng e ngại.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tăng lên 21,3%. Mức cao kỷ lục có thể gây khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng mới đối với các thương hiệu xa xỉ. Lo lắng trước tương lai bất ổn, các hộ gia đình Trung Quốc tiếp tục cất giữ tiền tiết kiệm với tỉ lệ "đáng lo ngại".

Dữ liệu chính thức cho thấy các hộ gia đình tại thành thị tiết kiệm khoảng 40% thu nhập, cao hơn so với tỉ lệ trước đại dịch (36,4%).

Tất cả các hạng mục xa xỉ tại Trung Quốc đều bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm ở các mức độ khác nhau. Các danh mục trực tuyến ít bị ảnh hưởng bởi việc phong tỏa và có doanh thu tốt hơn. Thị trường đồng hồ chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất, với doanh số bán hàng giảm 20 - 25% từ năm 2021. Các danh mục thời trang và phong cách sống giảm 15 - 20%. Đồ trang sức và đồ da khả quan hơn, chỉ giảm khoảng 10 - 15%.

Khung cảnh vắng vẻ tại một cửa hàng Louis Vuitton ở Trung Quốc vào đầu năm nay - Nguồn ảnh: Business Today
Khung cảnh vắng vẻ tại một cửa hàng Louis Vuitton ở Trung Quốc vào đầu năm nay - Nguồn ảnh: Business Today

Cổ phiếu của Richemont - chủ sở hữu Cartier - giảm đến 10,43%, LVMH giảm 3,7%, Kering giảm 1,95%… Trong bối cảnh chung, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ không trải qua quá trình phục hồi như dự báo trước đó. 

Việt Nam - Thị trường mới nổi cuat ngàng xa xỉ

Các nhà phân tích cho biết việc các công ty xa xỉ có thể bù đắp phần lớn sự sụt giảm doanh thu hay không phụ thuộc vào nhu cầu nội địa và du lịch của Trung Quốc phục hồi như thế nào trong thời gian còn lại của năm 2023. Nhà phân tích tiêu dùng và bán lẻ Erwan Rambourg của HSBC cho rằng để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, các thương hiệu cần gia tăng sức ảnh hưởng tại thị trường nội địa và các thị trường mới nổi tại châu Á như Thái Lan hay Việt Nam. Giống như cách đây 25 năm, ngành hàng xa xỉ từng lấy Nhật Bản làm trung tâm, sau đó là Trung Quốc. Sự phân phối đồng đều này còn giúp các thương hiệu tận dụng được tiềm năng từ các thị trường mới nổi.

Trong các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được nhận định là thị trường nhiều sức hút. Sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội khiến người tiêu dùng Việt nhanh chóng nắm bắt nhu cầu, xu hướng tiêu dùng mới đang diễn ra trên toàn cầu. Theo thống kê của Knigh Frank, số lượng người siêu giàu tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2017-2022. Cuối năm 2022, số cá nhân có tài sản ròng trên 30 triệu USD (hơn 700 tỉ đồng) đã lên đến 1.059. Dự báo đến năm 2027, con số này sẽ gần chạm mốc 1.300 - tương đương mức tăng 122% trong vòng 10 năm. Không chỉ vậy, dân số giàu (những cá nhân có tài sản từ 1 triệu USD trở lên) của Việt Nam cũng tăng 70% trong 5 năm qua, dự kiến sẽ tăng vọt đến 173% chỉ trong 10 năm (2017-2027).

Theo báo cáo của China Renaissance, tổng chi tiêu năm 2035 của gen Z có thể đạt 16.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 2.300 tỉ USD) - Nguồn ảnh: Internet
Theo báo cáo của China Renaissance, tổng chi tiêu năm 2035 của gen Z có thể đạt 16.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 2.300 tỉ USD) - Nguồn ảnh: Internet

Chính tốc độ này đã mở ra cơ hội lớn cho ngành hàng xa xỉ tại Việt Nam. Nhiều thương hiệu “sang chảnh” như Louis Vuitton, Tiffany & Co, Christian Dior… đã chính thức đặt văn phòng tại Việt Nam. Một số thương hiệu thời trang châu Âu khác thì đẩy mạnh hợp tác với các nhà phân phối chính của các thương hiệu cao cấp trong nước. Thời trang được đánh giá là phân khúc xa xỉ lớn nhất, tiếp theo là đồng hồ, xe hơi, đồ da, mỹ phẩm và nước hoa.

Mặc dù chưa thể cạnh tranh với các thị trường lâu đời như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, quỹ đạo tăng trưởng đầy hứa hẹn cho thấy tiềm năng vô cùng lớn của Việt Nam. Trong báo cáo mới công bố, công ty dự báo xu hướng tiêu dùng WGSN gọi Việt Nam là thị trường tăng trưởng trọng điểm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với các thương hiệu và nhà bán lẻ trong năm 2023. WGSN khẳng định Việt Nam nổi lên như điểm đến ưa thích của các công ty đa quốc gia vì ít xảy ra tình trạng gián đoạn sản xuất trong thời kỳ đại dịch.

Theo Vietnam Briefing, ngành công nghiệp xa xỉ ở Việt Nam vẫn chưa được đánh giá đúng mức và chưa phát triển đúng với tiềm năng dù đang gia tăng nhân khẩu học có thu nhập cao và có nhu cầu lớn về hàng xa xỉ. Do vậy, đây vẫn là thị trường đầy tiềm năng trong thời gian tới. 

Nhã Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI