Ngân hàng tăng lãi suất, doanh nghiệp thêm khó khăn

03/10/2022 - 07:18

PNO - Theo lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, việc tiếp cận các khoản vay vốn càng khó hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất điều hành.

Doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất

Một số doanh nghiệp (DN) đã có kế hoạch chuẩn bị hàng cho dịp tết, dự kiến sẽ triển khai vào tháng Mười nhưng do lãi suất cho vay của ngân hàng tăng nên phải điều chỉnh lại kế hoạch, cân đối lại tài chính. 

Ông Nguyễn Quốc An - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm, Bánh kẹo Ánh Dương - cho hay cuối năm ngoái, lãi suất cho DN vay chỉ khoảng 7,5-8%/năm nhưng nay đã tăng lên 9%/năm. Một số DN vừa và nhỏ trong ngành thực phẩm đang chịu lãi suất đến 9,7%/năm. Ông nói: “Nếu DN sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tăng trưởng tốt thì lãi suất tăng vài phần trăm không là vấn đề. Nhưng trong bối cảnh thị trường vẫn trầm lắng, DN sản xuất cầm chừng như hiện nay thì lãi suất tăng 1% cũng khiến DN phải tìm cách giải quyết”. 

Nhiều doanh nghiệp cho biết, lãi suất vay tăng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bởi vốn vay từ ngân hàng chiếm 30-50% vốn hoạt động của doanh nghiệp (trong ảnh: Công nhân chế biến nông sản ở Công ty cổ phần Vinamit) - ẢNH: T.H.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, lãi suất vay tăng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bởi vốn vay từ ngân hàng chiếm 30-50% vốn hoạt động của doanh nghiệp (trong ảnh: Công nhân chế biến nông sản ở Công ty cổ phần Vinamit) - Ảnh: T.H.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinamit - cho biết lãi suất cho vay tăng là một trong những vấn đề khiến lãnh đạo các DN đau đầu. Nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên nên các DN đang được vay với lãi suất chỉ từ 5-6%/năm. So với đầu năm 2022, mức lãi suất này tăng thêm 0,5%. Trước động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, ông dự đoán lãi suất cho vay sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới: “30-50% vốn hoạt động của DN là từ ngân hàng. Các DN vừa trải qua đợt dịch COVID-19, chưa kịp phục hồi mà nay phải đối diện với biến động tài chính thì càng thêm khó khăn”. 

Theo ông Lê Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Veritas Shoes Việt Nam - nhiều ngân hàng lấy lý do hết hạn mức tín dụng nên không cho vay. Một số DN được duyệt vay với lãi suất cao hơn bình thường, dao động từ 8,5 - 10%/năm. Hiện các DN đang lo, thời gian tới, lãi suất cho vay có thể còn tiếp tục tăng. 

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, ở thị trường quốc tế, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn sẽ kiên trì với mục tiêu chống lạm phát và tăng lãi suất. Thời gian qua, hầu hết các nước đã tăng lãi suất điều hành để kiểm soát lạm phát. Chỉ có vài quốc gia còn tìm cách duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế. NHNN Việt Nam quyết định tăng lãi suất điều hành 1% là hợp lý, giúp giảm rủi ro về tỷ giá, rủi ro về tăng trưởng tín dụng nóng như hiện nay.

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất tiền gửi kỳ hạn sáu tháng đang lên tới 6%/năm sẽ đẩy lãi suất cho vay trong thời gian tới tăng thêm 1 - 2%/năm. Trong các lĩnh vực, ngành nghề thì nhóm DN sản xuất và thương mại sẽ chịu nhiều tác động do chi phí sản xuất, kinh doanh tăng lên, từ đó làm chậm tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu phân tích trên tổng thể nền kinh tế thì tác động của việc tăng lãi suất vẫn nhiều tích cực hơn tiêu cực.

Cần giải ngân nhanh gói hỗ trợ 2% lãi suất và nới room

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) - cho hay từ đầu năm 2022 đến nay, tiền đồng mất giá 4%, buộc NHNN Việt Nam phải tăng lãi suất điều hành để nâng giá trị tiền đồng, giảm sức ép tỷ giá với USD, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát. Đây là một tin đáng mừng đối với các DN. Nhưng điều đáng lo là trong thời gian tới, lãi suất cho vay sẽ tăng. 

Nhiều doanh nghiệp cho biết hiện rất khó có thể vay vốn sản xuất
Nhiều doanh nghiệp cho biết hiện rất khó có thể vay vốn sản xuất

Làm thế nào để các ngân hàng không tăng lãi suất cho vay khi lãi suất điều hành tăng và lãi suất huy động tăng? Hiện Nhà nước chỉ vận động các ngân hàng không tăng lãi suất và chưa có biện pháp cụ thể nào. Theo ông Phạm Ngọc Hưng, buộc các ngân hàng không tăng lãi suất cho vay trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao là điều rất khó. Giải pháp duy nhất hiện nay là đẩy nhanh tiến độ giải ngân của gói hỗ trợ 2% lãi suất và đảm bảo các DN tiếp cận được. 

Hiện nay, rất ít DN tiếp cận được gói hỗ trợ 2% lãi suất do điều kiện vay còn khó khăn. Ngân hàng đòi hỏi DN phải có báo cáo tài chính có lãi trong 2-3 năm liền nhưng sau đợt dịch COVID-19, hầu hết DN không có lãi. Các ngân hàng còn yêu cầu DN phải chứng minh có thể trả được nợ nhưng trong bối cảnh thị trường còn trầm lắng, bấp bênh, DN khó đáp ứng điều kiện này. “Ngân hàng đưa ra các quy định này để đảm bảo an toàn vốn. Để các DN tiếp cận được vốn, có thể thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN. Ở các nước châu Âu và châu Á, các chính phủ có các chương trình bảo lãnh cho các ngân hàng để thúc đẩy việc cho vay vốn” - ông Phạm Ngọc Hưng nói. 

 “Theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thì tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam hiện nay khoảng 124%, quá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, NHNN buộc phải tăng lãi suất để bảo vệ giá trị đồng tiền. Tuy nhiên, hiện tại, cần có một chính sách tiền tệ đủ mạo hiểm để vẫn hỗ trợ được tăng trưởng. Đó là nới trần tín dụng năm 2022 lên 15-16%. Nới ở một số ngân hàng được đánh giá là cung cấp tín dụng ra nền kinh tế tốt, tập trung vào kinh doanh, sản xuất và lĩnh vực ưu tiên. Không nên vừa siết tín dụng, lại vừa tăng lãi suất vì nó sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động của DN và nền kinh tế. Đặc biệt, thị trường vốn của Việt Nam còn yếu, các kênh trái phiếu, chứng khoán còn nhiều bất ổn, gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế vẫn phải đặt lên vai ngành ngân hàng”, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói. 

Chuyên gia tài chính ngân hàng Huỳnh Trung Minh cũng đề xuất, lúc này, cần cởi bỏ hạn mức tín dụng để cởi trói cho nền kinh tế. Hiện thặng dư thương mại đang tăng, thặng dư tài khoản vãng lai cũng bắt đầu có sau thời gian thâm hụt do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dự trữ ngoại hối tăng lên đáng kể, kiểm soát tỷ giá hối đoái tốt. Do đó, NHNN Việt Nam vẫn có thể nới lỏng chính sách tiền tệ, giúp thị trường phục hồi. Khi đó, áp lực lạm phát có thể gia tăng nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân vẫn hợp lý. 

Theo ông Huỳnh Trung Minh, dịch COVID-19 khiến DN phải đóng cửa, ngưng hoạt động nhiều tháng, giờ cần có vốn cho DN vay để khôi phục hoạt động. Các DN hoạt động hiệu quả vẫn chấp nhận lãi suất cao hơn vài phần trăm. Nên duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cao để duy trì, hỗ trợ nền kinh tế, tạo cơ hội tăng cường xuất khẩu khi Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách zero COVID. 

Ông Huỳnh Trung Minh nói: “Vừa qua, đã có DN vay với lãi suất 15%/năm. Chỉ trong thời gian ngắn, lãi suất đã tăng thêm 2 - 3%/năm. Tới đây, trong bối cảnh hết hạn mức tín dụng, lãi suất huy động đang tăng thì chắc chắn lãi suất cho vay sẽ tăng thêm 1 - 2% nữa”. 

Giữ nguyên trần lãi suất cho vay

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Chín ngày 1/10, ông Đoàn Thái Sơn - Phó Thống đốc NHNN - cho biết sẽ giữ nguyên trần lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và DN.
Theo đại diện NHNN, trong tám tháng đầu năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành. Tới tháng Chín, NHNN có tăng một số mức lãi suất trần tiền gửi cho các ngân hàng thương mại để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm duy trì lãi suất thực dương cho lãi suất tiền gửi để hài hòa lợi ích của các bên tham gia trên thị trường tiền tệ. Đồng thời, tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục duy trì thu hút tiền gửi và có nguồn tài chính cho vay, hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.

NHNN sẽ vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động để tạo điều kiện về mặt tài chính nhằm giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và DN trong thời gian tới.

Đại diện NHNN nhấn mạnh, mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ là sử dụng các công cụ điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ phục hồi kinh tế, đặc biệt ổn định các thị trường, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI