Cần nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

01/10/2022 - 07:41

PNO - Nhiều hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân của TPHCM cho biết để có thể giữ được đà tăng trưởng trong thời gian tới, nhiều vấn đề cần được giải quyết, đặc biệt là vấn đề tiếp cận vốn ưu đãi của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp lo đơn hàng giảm 

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) - cho biết, cuối quý III này, một số doanh nghiệp (DN) đã có đơn hàng mới nhưng không nhiều. Riêng thị trường nội địa thì sức tiêu thụ đang khả quan do nhiều dự án công trình đang xây dựng trở lại sau hai năm ngưng trệ. Dù vậy, các DN vẫn đang gặp khó khăn về tài chính do nguồn tiền về chậm, ngân hàng hết hạn mức cho vay, lãi suất tăng.

Tình trạng đơn hàng xuất khẩu giảm có thể sẽ kéo dài đến quý III/2023. HAWA đang cố gắng tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, không tập trung quá nhiều tại thị trường Mỹ, châu Âu. “Những khó khăn chung của DN về vốn, lãi suất, tỷ giá là vấn đề ở phạm vi quốc gia, đòi hỏi khả năng điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải thật linh hoạt” - ông Nguyễn Chánh Phương nhận định. 

Nhiều doanh nghiệp lo thiếu đơn hàng xuất khẩu khi các nhà nhập khẩu lớn tại Mỹ, châu Âu… cắt giảm đơn hàng do ảnh hưởng của lạm phát (trong ảnh: Sản xuất hàng xuất khẩu ở Công ty Dony) - ẢNH: T.H
Nhiều doanh nghiệp lo thiếu đơn hàng xuất khẩu khi các nhà nhập khẩu lớn tại Mỹ, châu Âu… cắt giảm đơn hàng do ảnh hưởng của lạm phát (trong ảnh: Sản xuất hàng xuất khẩu ở Công ty Dony) - ẢNH: T.H

Ngành dệt may đến nay vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TPHCM - đó là nhờ các đơn hàng tồn của năm 2021 chuyển sang. Từ tháng 8/2022, đơn hàng đã sụt giảm rất nhiều, nhiều DN phải giảm giờ làm, không tăng ca, không tuyển dụng thêm lao động để cố gắng duy trì sản xuất. Thời điểm phục hồi sớm nhất phải hết quý I/2023 và có thể lâu hơn. “Các thành viên hiệp hội đang cố gắng chia sẻ đơn hàng, phát triển thị trường nội địa nhưng cũng chưa khả quan lắm. DN chỉ có thể cố gắng giữ cho sự sụt giảm ở mức độ vừa phải, còn để vươn lên được trong năm nay là rất khó” - ông Phạm Xuân Hồng nhận định. 

Theo ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TPHCM (HAMEE) - sở dĩ kinh tế TPHCM nói riêng và cả nước nói chung hiện tại tăng trưởng tốt là do tác động của thế giới tới nền kinh tế Việt Nam có độ trễ. Đồng thời do Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero COVID” nên nhiều đơn hàng đã chuyển sang Việt Nam, trong đó có TPHCM. Song hiện tại tác động lạm phát thế giới tới Việt Nam bắt đầu ngày càng nhiều và rõ nét hơn khi đơn hàng xuất khẩu của hầu hết các lĩnh vực ngành nghề đều sụt giảm. Hiện tại các DN vẫn không hình dung được trong thời gian tới sẽ tác động ra sao, trước mắt chỉ biết tìm cách mở rộng khách hàng, tăng hiệu quả sản xuất. 

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn 

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - tăng trưởng kinh tế chín tháng đầu năm của TPHCM tăng đều trên tất cả lĩnh vực, trong đó công nghiệp xây dựng tăng cao nhất là 12,28%; thương mại dịch vụ là 10,05%. Tuy nhiên để tiếp tục thực hiện và hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, TPHCM cần phải quyết tâm cao hơn nữa.

“Hiện thế giới rơi vào lạm phát tăng cao, ngân hàng trung ương các nước, có cả Việt Nam đều tăng lãi suất nên tổng cầu thế giới đang suy giảm. Thời điểm này cần phải để DN tiếp cận được gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về cấp bù lãi suất 2%. Phải thành lập tổ công tác kết nối cho DN tiếp cận nguồn vốn này, tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để hạ giá xăng dầu về mức thấp nhất giúp DN giảm thêm chi phí hoạt động. Trước sự bất ổn và khó dự báo của thị trường như hiện nay cần phải sử dụng cả biện pháp kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cho các DN khai thác thị trường nội địa” - ông Trần Hoàng Ngân nhận định. 

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp (KCN) TPHCM (HBA) - thông tin: Trong bối cảnh hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài của cả nước trong tám tháng đầu năm giảm 12,3% thì TPHCM vẫn là điểm đến các nhà đầu tư với vốn đăng ký đạt 2,7 tỷ USD trong tổng số vốn đăng ký 12 tỷ USD của cả nước. Tuy nhiên hiện 18 KCN - khu chế xuất (KCX) và khu công nghệ cao của TPHCM vẫn còn nhiều trở ngại, vướng mắc. Nhiều DN đưa nhà máy vào hoạt động từ 1-3 năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp quyền sử dụng đất, khiến họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Hiện tại Khu công nghệ cao TPHCM đã hết đất giao cho các nhà đầu tư. HBA và Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM (HEPZA) đang trông chờ thành phố giao 600ha đất nông trường để xây dựng khu công nghệ cao.“Câu hỏi đầu tiên của các nhà đầu tư sẽ là mặt bằng ở đâu, vị trí chỗ nào, giao thông ra sao? Nếu chưa thể trả lời thì số vốn 2,7 tỷ USD đó không thể “tiêu hóa” được” - ông Nguyễn Văn Bé nói. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI