Nếu chọn ở lại với nghề giáo thầy cô hãy hiểu nghề và thương mình

15/11/2022 - 09:34

PNO - Chia sẻ đến giáo viên Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TPHCM) trong tọa đàm "Nghề giáo thời @" chiều 14/11, Tiến sĩ Tô Nhi A - chuyên gia tâm lý nhìn nhận, hiện nay thầy cô đang làm nghề trong một bối cảnh "quá mệt nhọc", trách nhiệm, áp lực của người thầy quá lớn...

Làm gì để có thể "neo đậu" lại với nghề?

Cô Lê Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Hưng Đạo chia sẻ, hiện nay khối lượng công việc của giáo viên rất nhiều. Do vậy, để có thể vững vàng hơn với nghề thầy cô cần một tâm thế, khả năng kiểm soát cảm xúc... 

Tiến sĩ Tô Nhi A cho hay, câu hỏi được nhiều thầy cô đặt ra hiện nay là chọn ở lại hay rời đi, và khi đã chọn ở lại thì làm sao để luôn vui?

"Chìa khóa để bám nghề là "hiểu nghề - thương mình". Không có ai làm nghề thành công và hạnh phúc nếu không có sự tôn trọng các quy chuẩn nghề nghiệp. Mỗi nghề nghiệp đều đòi hỏi những quy chuẩn khác nhau, nếu không đáp ứng được các quy chuẩn đó thì sẽ bị đào thải. Ví dụ, với nghề giáo, thầy cô được quyền nổi giận nhưng sự nổi giận đó cần có tiêu chuẩn hành xử của nghề giáo; thầy cô được quyền buồn phiền nhưng không đồng nghĩa với việc thầy cô thể hiện ra sự buồn phiền đó một cách mất kiểm soát. Nếu đã chọn ở lại thầy cô cần xác định tâm thế, phải tự chuyển đổi từ bên trong, xác định việc học hỏi như một điều phải có..."- TS. A nhấn mạnh.

TS. Tô Nhi A cho rằng chìa khóa để bám nghề là hiểu nghề và thương minh
TS. Tô Nhi A cho rằng chìa khóa để bám nghề với giáo viên là "hiểu nghề và thương mình"

Phân tích thêm, bà cho rằng, hiểu nghề còn là để chấp nhận và thương mình, mở rộng trách nhiệm của bản thân, giúp bản thân tốt hơn, "né được áp lực" nghề nghiệp. Câu chuyện về giáo án, sổ sách nhiều quá đôi khi gây áp lực cho thầy cô nhưng đây là vấn đề mà thầy cô cần phải có để an toàn với công việc.

"Chung quy lại, để có thể neo đậu lại với nghề, thầy cô cần giải đáp được rằng mục tiêu công việc của mình là gì, mình làm nghề vì điều gì. Thầy cô phải đặt ra mục tiêu trong công việc, mục tiêu trong việc giao tiếp, trao đổi với phụ huynh, không để bị thao túng cảm xúc bởi phụ huynh hay công việc. Đừng tự đưa mình vào những tình huống "tự mua dây buộc mình". Nếu quên điều này thầy cô dễ mất kiểm soát cảm xúc, từ đó dẫn đến bạo lực học đường, mâu thuẫn với phụ huynh, đồng nghiệp" - TS. Tô Nhi A nêu rõ.

Nghề giáo thời @ cần gì?

Bà Tô Nhi A  cho rằng nghề giáo bây giờ là nghề phải xông pha nhiều nhất. Để có thể làm nghề trong thời đại này thầy cô phải quan sát khá nhiều. Quan sát trong trường học, ngoài trường học, khi giảng dạy và ngay cả khi học sinh chơi. Việc quan sát cần phải làm liên tục tránh những hệ lụy về sau.

Bà cũng chỉ rõ, ngày nay phụ huynh tiếp cận giáo viên không chỉ từ ngoài đời thực mà còn qua mạng xã hội, với những hình ảnh thầy cô thể hiện. Do vậy, muốn phụ huynh tiếp nhận hình ảnh đẹp về thầy cô thì thầy cô cần chú trọng trước hết hình ảnh bên ngoài. Ngay việc đăng tải các hình ảnh, thông tin trên mạng xã hội cũng phải có sự chọn lọc, cẩn trọng.

Với việc giao tiếp với phụ huynh, thầy cô cần hiểu đối tượng phụ huynh mình giao tiếp bằng sự điềm tĩnh, không vội vàng, phải tách biệt được đời sống riêng tư và công việc. Khi phụ huynh làm dữ, thầy cô có thể "làm thinh" bằng việc chỉ tiếp nhận bởi đôi khi chính thái độ ghi nhận của thầy cô đã là sự xoa dịu với phụ huynh... 

TS. Tô Nhi A nhấn mạnh, nếu thầy cô chọn ở lại với nghề thì nên chọn vui vẻ
TS. Tô Nhi A khuyên rằng, nếu thầy cô chọn ở lại với nghề thì nên yêu nghề trong từng phút giây

"Chúng ta không thể đòi hỏi làm nghề thật tốt trong bối cảnh hiện nay nhưng bản thân lại không thay đổi. Để tác động tích cực đến học sinh, thầy cô phải làm giàu thêm đời sống tinh thần của mình bằng những trải nghiệm cuộc sống bằng việc học thêm khóa học nào đó, đọc sách, tập thêm một môn thể thao...

Muốn có một giờ dạy hay thầy cô phải có kiến thức; muốn thay đổi hình ảnh đến phụ huynh lại thuộc về tác phong và chuẩn mực của thầy cô... Nếu chọn ở lại hãy yêu nghề trong từng giây phút" - bà Tô Nhi A đưa lời khuyên.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI